Xã hội

Cuộc hạnh ngộ của những người lính thông tin Quảng Đà

MAI LINH - PHI THÀNH 29/07/2024 14:57

(QNO) - Cuối tháng 7/2024, những người lính Tiểu đoàn 26 Thông tin Mặt trận 44 Quảng Đà có buổi gặp mặt tại mảnh đất anh hùng Duy Hòa (Duy Xuyên).

tieu doan 2
Những người lính Tiểu đoàn 26 có dịp hạnh ngộ. Ảnh: T.L

Những chàng trai mười tám, đôi mươi năm nào nay đã tóc bạc, da mồi, chân chậm..., nhưng vẫn vẹn nguyên ký ức về một thời hoa lửa, giữ thông suốt mạch máu thông tin.

Vượt gần nghìn cây số từ miền Bắc vào xã Duy Hòa tham dự buổi gặp mặt và khánh thành bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 26, cựu chiến binh Phạm Văn Thuấn (quê Thái Bình) - nguyên Trợ lý Chính trị Tiểu đoàn 26 chờ đợi đồng đội như thể tìm gặp lại người thân đã thất lạc nhiều năm.

Trong ký ức ông Thuấn, ngày ấy họ là những chàng trai, cô gái chỉ mười tám, đôi mươi, giàu lòng yêu nước. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, cán bộ, chiến sĩ tình nguyện gia nhập quân ngũ.

Sau 8 tháng huấn luyện tại xã Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), mọi người hành quân vào Nam chiến đấu, trở thành lính thông tin của Tiểu đoàn 26.

Đợt hành quân kéo dài 5 tháng, song tất cả cán bộ, chiến sĩ đều thể hiện ý chí, quyết tâm và niềm tin tất thắng.

tieu doan 3
Những người chiến sĩ còn sống tìm kiếm thông tin về đồng đội. Ảnh: T.L

Ông Thuấn nói, sau những năm tháng vào sinh ra tử ở chiến trường, nhất là quãng thời gian 8 năm ở chiến trường Quảng Đà ác liệt (1967 - 1975), những di chứng chiến tranh khiến người lính thông tin năm nào giờ đây ngày càng già yếu, đôi chân đi không vững. Chiến tranh khiến những người lính gặp gỡ rồi phải chia ly trong chớp nhoáng, không ai biết ai còn, ai mất.

“Hơn 49 năm trôi qua, nhưng ai nấy đều bồi hồi khi nhớ về những người đồng đội đã nằm lại, trọn vẹn ý chí kiên cường, lời thề sắt son với Đảng. Giờ đây, đứng trước anh linh các liệt sĩ từng là đồng đội vào sinh ra tử, chúng tôi thắp nén hương thơm, gửi những lời tri ân sâu sắc” - ông Thuấn bộc bạch.

[VIDEO] - Cuộc hạnh ngộ của những người lính Tiểu đoàn 26 Thông tin Mặt trận 44 Quảng Đà.

Còn đối với ông Bùi Trung Thông (quê Thái Bình), mỗi lần về Duy Hòa, ông không khỏi bồi hồi xúc động nhớ lại giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đầy cam go, ác liệt.

Ông Thông kể, đêm nào ông và đồng đội cũng phải căng mình tìm cách vượt qua hiểm nguy trên Đường Cái Mới. Bao đồng đội anh dũng chiến đấu và chia bom lửa đạn ở nơi này. Đồng thời những địa danh như Khe Rúc, Khe Rèn, Nỗng Bà Tình, Gò Am, Vinh Cường, Mỹ Lược, Vĩnh Trinh… là những nơi bom đạn Mỹ - ngụy rải suốt ngày đêm. Sự sống mỗi ngày luôn cận kề với cái chết.

“Trong tâm trí, tôi vẫn nhớ như in trận càn của Mỹ - ngụy tại vùng trạm H1. Lúc 8 giờ sáng ngày 12/6/1971, địch tiến công, phá tan trại H1, sau đó khui 2 miệng hầm bí mật của đồng chí Nhẫm và Miễn. Bọn chúng tra tấn dã man nhưng không khai thác được thông tin gì thì thủ tiêu. Tiếp đó, bọn chúng lùng sục mọi nơi, nổ mìn mọi chỗ song nhờ sự đùm bọc của nhân dân, sự hy sinh anh dũng của các đồng chí nên các cơ sở khác vẫn an toàn” - ông Thông kể.

tieu doan 4
Dâng hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh. Ảnh: T.L

Theo ông Hoàng Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Duy Xuyên, Tiểu đoàn 26 Thông tin Mặt trận 44 Quảng Đà được thành lập sau khi Mặt trận 44 ra đời.

Tiểu đoàn bổ sung về Mặt trận 44, được tăng cường tại Đại đội thông tin Quảng Đà, Cụm điện đài 15W của Quân khu 5, từ đó lấy phiên hiệu Tiểu đoàn thông tin vào ngày 15/7/1967.

Sở chỉ huy của Tiểu đoàn 26 đặt tại làng Mục, dãy núi Bàn Cờ, thuộc huyện Đại Lộc. Trải qua 8 năm chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ được nhân dân che chở, thương yêu, đùm bọc để bám địa bàn, đảm bảo thông tin liên lạc cho Bộ Tư lệnh Mặt trận.

Tiểu đoàn 26 đảm bảo thông tin liên lạc cho quá trình lãnh đạo tiến công vào các quận lỵ, chi khu, các cứ điểm sân bay. Điển hình là các chiến dịch X1, X2, Mậu Thân 1968, đánh lấn chiếm cắm cờ năm 1973 và đánh chiếm các huyện lỵ Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Đức Dục. Đặc biệt là đảm bảo thông tin cho chiến dịch Xuân năm 1975, tiến công nổi dậy khắp các chiến trường, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

“Trong quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ không ngại hy sinh gian khổ, giữ thông suốt mạch máu thông tin liên lạc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đạt được, đơn vị được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 5 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác” - ông Thanh nói.

tieu doan 5
Lãnh đạo Công an Duy Xuyên, Hội Cựu chiến binh thắm hương tri ân cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 26. Ảnh: T.L

Ban Liên lạc Tiểu đoàn 26 Thông tin Mặt trận 44 Quảng Đà vừa tổ chức khánh thành công trình nâng cấp Bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Bia tưởng niệm tọa lạc tại Gò Am, bên cạnh Nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Hòa (Duy Xuyên), do cán bộ, chiến sĩ đóng góp và vận động xã hội hóa xây dựng, với tổng kinh phí đầu tư 350 triệu đồng, nhằm tri ân hơn 400 đồng đội, đồng chí đã anh dũng hy sinh. Đây cũng là biểu tượng để vun đắp, bồi dưỡng lý tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước truyền thống cha anh năm xưa, xung kích đi đầu trong lao động, học tập, đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

MAI LINH - PHI THÀNH