Thanh toán chi phí phòng chống dịch COVID-19: Cơ sơ y tế ở Quảng Nam đều gặp khó
(QNO) - Nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc thực hiện một số chính sách trong phòng chống dịch COVID-19 ở Quảng Nam được nhận diện...
Mới đây, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu các các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất, kiến nghị các vướng mắc, khó khăn khi thực hiện Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội. Tại Quảng Nam, đa số cơ sở y tế gặp khó khăn về thanh toán chi phí trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Vướng mắc về thanh toán
Đại diện Sở Y tế cho biết, hiện một số địa phương chưa thanh toán được chế độ hỗ trợ cho lực lượng y tế tham gia trực tại các điểm chốt kiểm soát dịch COVID-19 trong năm 2021, 2022.
Theo đó, dù UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí để chi trả, nhưng lực lượng y tế tham gia tại các điểm chốt chặn kiểm soát dịch như Trung tâm Y tế (TTYT) Đại Lộc, UBND thị xã Điện Bàn, TTYT Hiệp Đức vẫn chưa được chi trả.
Căn cứ quy định tại Nghị quyết số 80, việc thanh toán và quyết toán các khoản kinh phí nêu trên chỉ được thực hiện hết niên độ ngân sách năm 2023.
Như vậy, quy định thanh toán chế độ COVID-19 từ năm 2022 trở về trước chỉ được thanh toán trong niên độ ngân sách năm 2023 tại nghị quyết này, dẫn đến việc xử lý thanh toán chế độ COVID-19 của năm 2021- 2022 bị sót cho các đối tượng liên quan gặp khó khăn và chưa giải quyết được.
Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế xem xét có ý kiến cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 80 đến hết năm 2024 để thanh toán chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 của cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; chế độ, chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng chống dịch COVID-19; việc thanh toán chi phí phòng chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19.
"Nợ" chi phí điều trị
Theo báo cáo của Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đã có nhiều tờ trình gửi UBND huyện Đại Lộc xin cấp kinh phí thanh toán chi phí điều trị COVID-19 nhưng chưa được huyện Đại Lộc xem xét và cấp kinh phí.
Theo đó, đơn vị này chưa được thanh toán chi phí điều trị COVID-19 thể nhẹ và không có triệu chứng tại các khu dã chiến (Phòng khám Vùng A, Khu Nông nghiệp, Trung tâm thể dục Thể thao) do UBND huyện Đại Lộc quản lý và chịu trách nhiệm chi trả với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.
Tương tự, kinh phí chi trả một số chế độ đặc thù và chuyên môn phòng chống dịch COVID-19 năm 2022 được cấp cho Bệnh viện Đa khoa TP.Hội An vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, ngày 1/2/2023, Bệnh viện Đa khoa TP.Hội An đã sáp nhập vào TTYT TP.Hội An. Vì vậy, số dư dự toán chi trả một số chế độ đặc thù và chuyên môn phòng chống dịch COVID-19 năm 2022 của bệnh viện không còn tư cách pháp nhân sử dụng.
Cạnh đó, chi phí điều trị COVID-19 cho 3 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc) từ ngày 1/1/2023 đến ngày 19/10/2023 chưa được cấp kinh phí thanh toán.
Ngoài ra, một số TTYT hiện nay cũng đang gặp khó về kinh phí chi trả chế độ phụ cấp đặc thù cho cán bộ y tế tham gia phòng chống COVID- 19.
Sở Y tế kiến nghị Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh có giải pháp để giải quyết vướng mắc số dư kinh phí năm 2022 chuyển sang năm 2023 của Bệnh viện Đa khoa TP.Hội An để chi trả chế độ COVID-19 cũng như thanh toán dứt điểm chi phí điều trị COVID-19 phát sinh năm 2023 của một số đơn vị y tế khác...