Lâm nghiệp

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Đề cao trách nhiệm các bên

TRẦN HỮU 29/07/2024 21:07

(QNO) – Hợp đồng giao khoán với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, các đơn vị chủ rừng đã chủ động lập kế hoạch tuần ra, chốt chặn địa bàn thường xuyên hơn. Nhờ đó, các cánh rừng nằm trong diện tích chi trả dịch vụ môi trường ít bị xâm hại hơn trong thời gian gần đây.

Tăng cường tuần tra dài ngày

Tại Nông Sơn, khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi được giao quản lý diện tích rừng khá lớn với 18.977ha (trong đó 13.420ha cần được bảo vệ nghiêm ngặt). Đường Đông Trường Sơn, lòng hồ thủy điện Khe Diên cắt qua lâm phận, một thời nơi đây là “điểm nóng” phá rừng. Thế nhưng, từ ngày chuyển đổi mô hình quản lý chủ rừng hợp đồng với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (BVR), tuy tình trạng khai thác lâm sản trái phép chưa ngăn chặn triệt để song nhiều cánh rừng đã được kiểm soát.

Các đợt tuần tra dài ngày (từ 3-7 ngày) đã được Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi lên kế hoạch, phân giao nhiệm vụ cụ thể tại các trạm Trường Sơn Đông và diện tích nằm trong lưu vực thủy điện Khe Diên thuộc xã Phước Ninh; các trạm Khe Diên, Quế Lâm; chốt 532 và diện tích nằm ngoài lưu vực thủy điện Khe Diên của xã Phước Ninh.

z5590109156063_fa75de6cda26cb8b932bc993bc6fea7b.jpg
"Chiến lợi phẩm" là bẫy thú rừng các loại được nhân viên của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi thu về sau chuyến tuần tra.

Tháo gỡ các loại bẫy thú rừng là nhiệm vụ thường trực của cán bộ kiểm lâm và nhân viên chuyên trách BVR tại Ban Quản lý khu bảo tồn và sinh cảnh voi. Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị phá hủy 13 lán trại dựng trái phép trong rừng, tháo gỡ hơn 1.000 dây bẫy, bẫy kẹp các loại.

Ông Mai Văn Dưỡng – Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn và sinh cảnh voi thông tin, đơn vị có diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thấp nhất tỉnh 5.700ha với đơn giá hơn 200 nghìn đồng/ha. Trong lâm phận được giao, nhật ký các chuyến xuyên rừng dài ngày của nhân viên BVR đều được theo dõi, ghi chép chặt chẽ nhờ bảng phân công nhiệm vụ cụ thể.

z5590157796440_87d5be070f89f15af7a64318faf8e853.jpg
Tháo gỡ các loại bẫy thú rừng là nhiệm vụ thường trực của cán bộ kiểm lâm và nhân viên chuyên trách BVR tại Ban Quản lý Khu bảo tồn và sinh cảnh voi.

“Trong số diện tích 13.500ha còn lại thì chỉ có 9.600ha được hưởng theo Quyết định 24 của UBND tỉnh với đơn giá 100 nghìn đồng/ha. Mỗi năm đơn vị chỉ được hưởng hơn 1 tỷ đồng từ chính sách DVMTR, thấp nhất so với các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay. Vì vậy, kinh phí để “nuôi” 50 nhân viên chuyên trách BVR hiện nay đã ký hợp đồng rất căng” – ông Dưỡng nói.

[VIDEO] - Nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi thả một động vật rừng về môi trường tự nhiên:

Tại vùng cao Nam Trà My, công tác quản lý, BVR trong khu vực quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh đặc biệt được quan tâm, bởi “mất rừng thì sẽ mất sâm”. Hiện, 6 xã trồng sâm Ngọc Linh gồm: Trà Cang, Trà Linh, Trà Nam, Trà Don, Trà Dơn và Trà Tập. Nhiệm vụ của nhân vân chuyên trách BVR là ngăn chặn kịp thời nạn chặt hạ cây tái sinh, lắp dựng nhà ở; vận chuyển, sử dụng vật liệu khó phân hủy, không thân thiện với môi trường vào rừng tự nhiên.

Riêng tại xã Trà Linh, gần đây chủ rừng phát hiện 14 trường hợp người dân đã tác động vào rừng tự nhiên để trồng sâm. Tại Tiểu khu 882 thôn 3 của xã này, nhóm hộ Hồ Văn Thông (trú tại thôn 2, xã Trà Cang) còn chặt 32 cây rừng tự nhiên đường kính 4-20cm để làm giàn che trồng sâm Ngọc Linh.

z3364159950849_9afeb4b9179d4a7ab37d5a7f1088322c.jpg
Các nhân viên chuyên trách BVR của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My tại một điểm chốt chặn.

Ông Nguyễn Vĩnh Hiền – Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My cho biết, đơn vị đã bảo vệ tốt đối với diện tích chi trả DVMTR là hơn 40 nghìn héc ta. Chủ rừng đã ký hợp đồng 230 người tham gia lực lượng chuyên trách BVR, bố trí tại 25 chốt của 10 xã thuộc huyện.

“Đơn vị phân công lực lượng thường xuyên ứng trực ở 25 chốt BVR, xử lý triệt để các trường hợp tác động vào rừng tự nhiên trồng sâm Ngọc Linh. Trong lâm phận diện tích được chi trả DVMTR không xảy ra "điểm nóng" phá rừng như những năm trước đây” – ông Hiền khẳng định.

Xác định đúng diện tích chi trả

Tại hội nghị đánh giá công tác chi trả DVMTR năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 do Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam tổ chức mới đây, cho thấy năm 2023 diện tích rừng chi trả DVMTR là 311.297,3ha, trong khi theo kế hoạch là 311.937ha. Như vậy, diện tích rừng chi trả giảm 639,7ha. Lý giải nguyên nhân giảm diện tích chi trả DVMTR trong năm 2023, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam cho biết do đất trống theo diễn biến rừng, khai thác rừng trồng và trồng rừng mới, sai khác hiện trạng kiểm kê rừng không đưa vào diện tích chi trả, diện tích rừng bị sạt lở, phá rừng tự nhiên…

quỹ 1
Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam vừa tổ chức hội nghị đánh giá công tác chi trả DVMTR năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: HP

Năm 2023, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã tiến hành 25 cuộc kiểm tra, giám sát các chủ rừng; kiểm tra giám sát 5 đơn vị sử dụng DVMTR và 2 chủ rừng chi trả cho bên nhận khoán. 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã thực hiện thu hơn 100,1 tỷ đồng (đạt 51,46% kế hoạch của năm). Nguồn thu chủ yếu của chính sách từ các nhà máy thủy điện, các đơn vị nước sạch, nước công nghiệp. Về nguồn chi, đơn vị nhận ủy thác đã tạm ứng 2 lần tiền chính sách DVMTR cho các chủ rừng gần 68,7 tỷ đồng. Hầu hết đơn vị sử dụng DVMTR nộp tiền đúng thời hạn; chi tạm ứng đảm bảo kip thời.

Tuy nhiên, việc giải ngân kinh phí chi trả chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra do phần lớn chủ rừng là UBND các xã chưa xây dựng phương án sử dụng kinh phí chi trả DVMTR được UBND huyện phê duyệt nên không đủ căn cứ để chi tạm ứng.

Thuận lợi nhất trong chi trả chính sách này là hầu hết diện tích rừng có cung ứng DVMTR là rừng tự nhiên và thuộc lâm phận của các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý. Xác định diện tích rừng chi trả DVMTR hằng năm dựa trên số liệu theo dõi diễn biến rừng để làm cơ sở chi trả (tạm ứng, thanh toán) đỡ tốn kém kinh phí, công sức, thời gian nhưng đạt độ chính xác cao so với nghiệm thu trực tiếp diện tích rừng chi trả DVMTR như trước đây.

Về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách DVMTR từ năm 2023 đến nay, Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam Huỳnh Đức nhìn nhận, các ban quản lý rừng phòng hộ Tây Giang, Bắc Trà My, Vườn quốc gia Sông Thanh, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao la chưa lập báo cáo quyết toán kinh phí DVMTR; hồ sơ thanh toán thuê chốt BVR, tuần tra truy quét… chưa chặt chẽ. Thêm vào đó, công tác rà soát, điều chỉnh diện tích năm 2024 của Vườn quốc gia Bạch Mã chưa được chặt chẽ.

Trong khi đó, tại thời điểm kiểm tra đợt 1 năm 2024, thì việc khắc phục những tồn tại của các đợt kiểm tra trước tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang về quyết toán nguồn kinh phí DVMTR các năm 2020, 2021, 2022 chưa được cơ quan quản lý trực tiếp phê duyệt quyết toán.

Về nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2024, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam cho biết sẽ phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các hạt kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng tiếp tục theo dõi diễn biến rừng và xác định diện tích chi trả DVMTR đúng quy định để làm cơ sở tạm ứng, thanh toán tiền chính sách kịp thời. Thêm nữa là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm vào thực hiện chi trả DVMTR.

TRẦN HỮU