Thái Lan - điểm sáng trong bảo tồn loài hổ
(QNO) - Quần thể hổ của Thái Lan chứng kiến sự hồi phục đáng kể. Thông tin này vừa được đăng trên tạp chí khoa học Global Ecology and Conservation nhân ngày Quốc tế về bảo tồn hổ (29/7) năm nay.
Quần thể hổ tại Khu phức hợp rừng phía Tây (WEFCOM) của Thái Lan rộng 18.000km2 gồm 11 công viên quốc gia và 6 khu bảo tồn động vật hoang dã ước tính tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2007 - 2023, từ 41 lên 143 con.
Trên đây là kết quả nghiên cứu của Cục Vườn quốc gia, bảo tồn động thực vật hoang dã Thái Lan (DNP) hợp tác với Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS).
Không chỉ có hổ phục hồi, nhiều loài thú quý hiếm như hươu, voi châu Á, chim mỏ sừng, bò rừng, tê tê sunda, chó sói đỏ, bò tót, báo Đông Dương tăng gấp đôi tại WEFCOM.
Bà Pornkamol Jornburom - Giám đốc WCS Thái Lan cho biết WEFCOM là nơi sinh sống của nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng và WEFCOM có thể trở thành hình mẫu cho công tác bảo tồn và phục hồi quần thể động vật hoang dã.
Theo bà Pornkamol Jornburom - người làm việc trong các dự án bảo tồn tại WEFCOM từ năm 2005, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với động vật hoang dã tại khu vực Đông Nam Á là nạn săn trộm, buôn bán bất hợp pháp và suy thoái môi trường sống.
Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ động vật hoang dã là tăng cường tuần tra với sự tham gia của cộng đồng, phục hồi môi trường sống. Ngoài ra, thực thi pháp luật hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nạn săn trộm.
"Khi chúng tôi bảo tồn hổ, thực tế là chúng tôi bảo tồn được nhiều loài khác và phục hồi cả môi trường sống" - bà Pornkamol Jornburom nói.
Thái Lan sử dụng hệ thống SMART (công cụ giám sát và báo cáo không gian) để giám sát động vật hoang dã và tuần tra chống săn trộm, tăng cường khả năng xác định chính xác các mối đe dọa và điều chỉnh các biện pháp bảo vệ.
Ông Anak Pattanavibool - Giám đốc quốc gia tại WCS Thái Lan và đồng tác giả nghiên cứu trên nói: "Điểm tốt của Thái Lan là chính phủ nước này đầu tư một khoản ngân sách lớn vào bảo vệ rừng và kiểm lâm".
WEFCOM hiện có 150 loài động vật có vú, 490 loài chim và 90 loài bò sát. Bà Pornkamol Jornburom cho biết sự gia tăng mạnh về số lượng hổ, cũng như tăng gấp đôi về số lượng hươu banteng và sambar là bằng chứng cho thấy việc tăng cường tuần tra, giám sát tại khu bảo tồn đang có hiệu quả.
Từng phân bố rộng rãi khắp Đông Nam Á, hổ ghi nhận tuyệt chủng ở Singapore, Java và Bali vào thế kỷ 20, và trong những năm gần đây cũng biến mất khỏi Việt Nam, Lào và Campuchia trong môi trường tự nhiên.
Khảo sát gần đây nhất của DNP, ước tính có khoảng 179 đến 223 con hổ trưởng thành trong tự nhiên ở Thái Lan, tăng từ 148 đến 189 con hổ vào năm 2022.