Thủy sản

Tôm nuôi ở Quảng Nam chết hàng loạt

NGUYỄN QUANG 30/07/2024 08:10

Thời tiết thất thường những ngày qua khiến môi trường nước biến động là nguyên nhân khiến tôm nuôi chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh.

Người dân rải vôi xử lý ao nuôi có tôm chết. Ảnh: Q.VIỆT
Người dân rải vôi xử lý ao nuôi có tôm chết. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Trần Văn Minh - Trưởng thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh, TP. Hội An cho biết, trên địa bàn có 15 hộ nuôi tôm với tổng diện tích hơn 3ha. Tôm nuôi chết hàng loạt khiến nông hộ lo vì thua lỗ.

Những ngày qua mưa rải rác, môi trường nước ao nuôi biến động khiến cho các loại vi rút gây bệnh được dịp hoạt động mạnh tấn công tôm nuôi.

Đây là vụ 2 nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng có rất nhiều hộ đã xuống tôm giống đến lần thứ 6. Hễ có tác động khi thời tiết thay đổi là tôm chết hàng loạt.

Ông Trần Quảng Nam - Trưởng phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đến nay 1.950ha (đạt 73% kế hoạch).

Từ đầu năm đến nay, bệnh trên tôm nuôi xảy ra trên diện tích hơn 118,5ha, chủ yếu là các bệnh đốm trắng, vi bào tử trùng, hoại tử gan tụy cấp…

Công tác lấy mẫu nước, mẫu tôm để phân tích, đánh giá dịch bệnh, qua đó cảnh báo, khuyến cáo người nuôi tôm vừa được phê duyệt và sẽ thực hiện thời gian đến kỳ vọng hỗ trợ tích cực cho người nuôi tôm Quảng Nam.

Ông Mai Huy Chương - cán bộ phụ trách nông nghiệp của UBND xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) nói, tôm nuôi chết diễn ra liên tục từ đầu vụ đến nay.

Nguyên nhân là hạ tầng các vùng nuôi tôm không đảm bảo (không có thủy lợi riêng, không có ao chứa lắng, nước nuôi tôm thẩm lậu từ ao này sang ao khác và nước sông, không có hệ thống xử lý nước thải) nên khi có tác động xấu như thời tiết biến động là tôm chết rất nhanh.

“Gần đây người dân không báo khi tôm chết. Họ tự xử lý chứ không cần dùng Chlorin từ sự hỗ trợ của ngành chức năng” - ông Chương nói.

Môi trường nước nuôi tôm ở vùng triều dễ biến động khiến tôm chết hàng loạt. Ảnh: Q.VIỆT
Môi trường nước nuôi tôm ở vùng triều dễ biến động khiến tôm chết hàng loạt. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho rằng, để nuôi tôm thẻ chân trắng thành công, các hộ nuôi tôm cần lót bạt, đầu tư mái che để tránh thay đổi nhanh nhiệt độ, biến động nguồn nước…

Nuôi tôm ở Hội An hầu hết diễn ra ở vùng triều với ao đất, sử dụng nguồn nước vốn đã ô nhiễm nặng mà không qua xử lý kỹ càng. Khi cần thay nước, nông hộ cũng lấy nước bên ngoài nên nguy cơ cao biến động môi trường nước khiến tôm chết. Đơn vị phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thành phố để khảo sát, đánh giá tình hình nuôi tôm.

Ngay lúc này, các nông hộ có tôm chết không nên xả thải ra bên ngoài mà triệt để diệt mầm bệnh để tránh gây hại cho các hộ nuôi tôm khác. Người nuôi tôm cần thận trọng, cân nhắc kỹ khi tái đầu tư, nhất là mùa bão lũ đang đến gần.

Người dân kiểm tra tôm nuôi ở vùng triều ven sông. Ảnh: Q.VIỆT
Người dân kiểm tra tôm nuôi ở vùng triều ven sông. Ảnh: Q.VIỆT

Nhiều năm qua, việc quy hoạch nuôi tôm tập trung chưa được thực hiện nên các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đều tự phát. Vì vậy, mỗi khi có dịch bệnh, xử lý môi trường, khoanh vùng dịch rất khó khăn.

Quảng Nam vẫn đánh giá nuôi tôm là nghề quan trọng nhưng cán bộ kỹ thuật phụ trách lại thiếu trầm trọng trong ngành thủy sản và các địa phương.

Trong khi đó, việc chuyển giao kỹ thuật, quy trình nuôi tôm khoa học còn rất hạn chế. Hầu hết nông hộ nuôi tôm tự liệu. Sự bất cập còn ở hệ thống dịch vụ hỗ trợ nuôi tôm. Người dân nhập con giống về ồ ạt, không có kiểm dịch, chất lượng bỏ ngỏ. Dịch vụ thú y trên địa bàn tỉnh thiếu kiểm soát, quản lý, thuốc giả, vật tư giả tràn lan.

Bà Hoàng Thị Kim Yến - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y (Sở NN&PTNT) cho biết, do mưa lớn kéo dài, chất a xít thấm vào ao nuôi tôm khiến cho độ mặn, kiềm, pH, nhiệt độ nước thay đổi rất nhanh. Môi trường khi biến động mạnh sẽ khiến con tôm khó thích nghi. Hiện nay là thời điểm giao mùa, nắng, mưa thất thường sẽ càng khiến cho nghề nuôi tôm gặp khó.

“Ngành chăn nuôi, thú y sẽ hỗ trợ người nuôi tôm xử lý ao nuôi bị dịch bệnh. Chúng tôi tiếp tục lấy mẫu nước, mẫu tôm phân tích để có khuyến cáo phù hợp đến nông hộ. Các nông hộ cần quản lý tốt ao nuôi tôm và cần bổ sung nhiều vitamin, kháng chất giúp tôm tăng đề kháng, miễn dịch” - bà Yến nói.

NGUYỄN QUANG