Tài chính - Thị trường

Khắc phục hạn chế trong quản lý nhà nước về đất đai: Quảng Nam mổ xẻ kinh nghiệm từ các vụ án hành chính, dân sự liên quan

THÀNH CÔNG 30/07/2024 09:30

Quảng Nam có số lượng vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai đứng thứ 2 khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Án dân sự liên quan đến đất tăng theo từng năm, cho thấy yêu cầu phải đúc rút kinh nghiệm từ quá trình xét xử, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai.

441a1207.jpg
Hội nghị có sự tham gia của nhiều đại biểu ngành kiểm sát. Ảnh: T.C

Từ thực tiễn

Tại hội nghị do Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại Đà Nẵng phối hợp với UBND tỉnh tổ chức vừa qua, ông Phan Văn Tâm - Phó Viện trưởng VKSND cấp cao thông tin: Quảng Nam là địa phương có số lượng vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai được tòa án thụ lý, giải quyết đứng thứ 2 trong khu vực với tỷ lệ 29,7% (699/2.347 vụ) qua 4 năm (từ 2020 - 2023).

Đồng thời, số lượng vụ án dân sự, hành chính có liên quan đến đất đai được Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp tỉnh Quảng Nam thụ lý, giải quyết hàng năm tăng hơn 20%.

Theo phân tích, đối với vụ án tranh chấp dân sự, chiếm tỷ lệ cao là các tranh chấp về hợp đồng dân sự, tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp thừa kế và tranh chấp tài sản liên quan đến quyền sử dụng đất…

Trong đó, số vụ tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy quyết định cá biệt là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp.

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cùng đoàn công tác kiểm tra thực địa Dự án hoàn thiện đường ven biển 129. Ảnh: T.C
Núi Thành là một trong những địa bàn có nhiều vướng mắc về đất đai. Ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết kiểm tra, nghe báo cáo về vướng mắc liên quan Dự án hoàn thiện đường ven biển 129. Ảnh: T.C

Những địa phương có số lượng khiếu nại, khởi kiện tranh chấp dân sự, hành chính chủ yếu tập trung ở các huyện, thị xã, thành phố ven biển, nơi trọng điểm phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh như Hội An, Núi Thành, Điện Bàn, Quế Sơn...

Nguyên nhân dẫn đến việc số lượng khiếu nại, tố cáo, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính gia tăng, ngoài yếu tố tác động đó là sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, đất đai ngày càng có giá trị thì nguyên nhân cơ bản được xác định do công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn Quảng Nam còn nhiều hạn chế. Việc cấp GCNQSDĐ còn vi phạm về trình tự, thủ tục, cấp không đúng đối tượng, sai về diện tích, bị chồng lấn...

“Quảng Nam còn đối diện với nhiều tồn tại như chưa làm tốt công tác tuyên truyền, công khai đối thoại, chính sách tài chính đất đai còn một số điểm bất cập; khối lượng công việc lĩnh vực đất đai nhiều nhưng đội ngũ nhân lực còn thiếu, trình độ chuyên môn không đồng đều, kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau đã ảnh hưởng đến công tác giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai...” - ông Phan Văn Tâm nêu.

Bài học kinh nghiệm

Ông Phạm Văn Cần - Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng cho hay, công tác quản lý nhà nước về đất đai không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót.

Thi công ở khu vực đã bàn giao mặt bằng. Ảnh: T.C
Dự án mở rộng quốc lộ 14E là một trong các dự án gặp phải vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ảnh minh họa: T.C

Điều này đã dẫn đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại của một số cá nhân, hộ gia đình trong lĩnh vực đất đai và trở thành một trong những vấn đề lớn cần được quan tâm trên địa bàn tỉnh.

Theo đại diện VKSND cấp cao, số lượng các vụ án hành chính, dân sự có khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai được tòa án thụ lý so với số lượng tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của UBND, chủ tịch UBND các cấp Quảng Nam chiếm tỷ lệ rất thấp.

Điều đó cho thấy việc giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai ở Quảng Nam về cơ bản đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân.

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế. Đáng chú ý, tỷ lệ tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện là 47,8%; tỷ lệ số vụ án có kháng cáo của người bị kiện và được tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận sửa bản án sơ thẩm là 26,3%.

anh-4.jpeg
Các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai hiện nay còn khá lớn. Ảnh: Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối thoại với các bên liên quan về vụ Bách Đạt An sáng 17/7 vừa qua. (Ảnh: N.ĐOAN)

Đa số vụ việc khiếu kiện do người dân không chấp nhận kết quả giải quyết từ UBND, chủ tịch UBND các cấp và đã khởi kiện đến tòa án để giải quyết đều có những vấn đề từ các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Từ thực tiễn đó, đại diện VKSND cấp cao cũng đã chỉ rõ những kinh nghiệm từ các vụ việc xác định sai nguồn gốc đất dẫn đến cấp GCNQSDĐ sai đối tượng, xác định không đúng loại đất, cấp giấy chứng nhận khi đất đang có tranh chấp...; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực quản lý đất đai...

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình nhận định, hội nghị là diễn đàn để các cấp ngành, địa phương có cái nhìn toàn diện hơn về các vấn đề trong công tác quản lý hành chính nhà nước về đất đai.

Những nội dung được đề cập sẽ là bài học quan trọng từ thực tiễn, để từ đó tiếp thu, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục và phòng ngừa những tồn tại trong thời gian đến.

THÀNH CÔNG