Quảng Nam sẵn sàng tạo điều kiện để nhà đầu tư phát triển sản xuất
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng khẳng định Quảng Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiến hành các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Tìm động lực
Thiếu yếu tố đột biến, ít doanh nghiệp lớn, không nhiều động lực khác nên dù kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng trưởng dương cũng không thể đẩy tốc độ tăng trưởng GRDP nhanh trong ngắn hạn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng thừa nhận đầu tư tư nhân đang gặp khó khăn. Quảng Nam phải tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi nhất trong thời gian đến để kêu gọi đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tâm huyết.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, quy hoạch tỉnh vừa công bố như một thỏi nam châm có lực hút rất mạnh các nhà đầu tư. Không gian và dư địa đầu tư vào Quảng Nam rất rộng mở.
Thu hút đầu tư là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết của địa phương để tạo ra động năng, động lực, có đủ điều kiện phát triển, trở thành tỉnh khá vào năm 2030. Quảng Nam phải triển khai thực hiện ngay quy hoạch đã được phê duyệt.
Một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng là phê duyệt kế hoạch phát triển vùng dược liệu Quảng Nam, đại diện cho cả khu vực miền Trung. Các dự án lớn như khai thác chế biến silica với nguồn tài nguyên dồi dào hay cảng biển cũng là thời cơ đầy hứa hẹn của Quảng Nam.
“Đây là kế hoạch lớn, dự án lớn. Nếu làm tốt, phát triển được nguồn dược liệu, chủ lực là sâm Ngọc Linh thì Quảng Nam sẽ có điều kiện phát triển rất mạnh, đủ năng lực để mời gọi các nhà đầu tư lớn đến phát triển vùng dược liệu địa phương trong thời gian đến” - Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, nếu chậm trễ trong việc khai thác các thế mạnh, tiềm lực này sẽ mất đi nguồn thu lớn cho Quảng Nam là điều đáng tiếc. Quảng Nam phải tìm mọi cách, thực hiện thật nhanh để tháo gỡ khó khăn, dọn sẵn đường để mời gọi nhà đầu tư có tiềm năng đến đầu tư, khai thác.
Ngày 6/7/2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trung ương hướng dẫn xây dựng đề án hình thành và phát triển trung tâm công nghiệp chế biến sâu sản phẩm silica tại Quảng Nam, thực hiện cho thuê môi trường rừng để trồng dược liệu, giải quyết dứt điểm các vướng mắc về địa giới hành chính giữa Quảng Nam và các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi.
Quảng Nam kiến nghị trung ương ủy quyền cho địa phương quyết định việc khai thác hoặc không khai thác và cấp phép thực hiện để chủ động nguồn cát trắng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, trình Quốc hội ban hành Luật sâm Việt Nam.
Kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn đầu tư phát triển sâm tại địa phương, thúc đẩy dự án Cá Voi xanh, đầu tư nâng cấp 3 tuyến quốc lộ 14D, 14G và 40B đang xuống cấp và hỗ trợ đầu tư Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
Cải thiện môi trường đầu tư
Ngày 18/7/2024, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân đã thông báo đến các bộ xem xét, xử lý kiến nghị, hướng dẫn, trả lời cho địa phương.
Kiến nghị của Quảng Nam có phần nằm trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ dành cho địa phương trước đây. Tuy nhiên, việc triển khai các kết luận này vẫn còn khó khăn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, dù khó khăn đến đâu, vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng. Không thể, không có gì phải dừng lại. Nếu dừng, sẽ thiếu trách nhiệm với Đảng, với dân. Cái nào thuộc thẩm quyền tỉnh thì tỉnh phải khẩn trương xử lý. Cái nào thuộc quyền trung ương thì báo cáo, đề xuất Trung ương hướng dẫn để địa phương tháo gỡ. Không thể để lãng phí tài nguyên. Xử lý, giải quyết được những vướng mắc này thì sẽ dễ dàng kêu gọi đầu tư để Quảng Nam có đủ điều kiện để phát triển.
Chính quyền sẽ đưa ra các giải pháp, biện pháp cụ thể, tập trung quyết liệt, mạnh mẽ hơn, đặc biệt là kêu gọi sự cộng đồng trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, doanh nghiệp, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân thì mới có thể triển khai thành công các ý tưởng, kế hoạch mà UBND tỉnh đã, sẽ đặt ra.
Chính quyền các cấp phải có trách nhiệm chia sẻ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Sẽ tháo gỡ rào cản giải phóng mặt bằng, chấm dứt việc giải quyết thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, không cần thiết như hiện nay. Giải quyết được điều này sẽ mở đường cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào địa phương.
Sự chủ động phối hợp của các bộ, ngành quyết định rất lớn vào sự thành công của các đề án, kiến nghị. Tuy nhiên, chính quyền địa phương sẽ cung cấp những gì cho nhà đầu tư để hiện thực hóa các chiến lược phát triển của doanh nghiệp? Đây là điều cần được thể hiện trên thực tế, và cũng là phép thử cho sự năng động của chính quyền và cơ quan quản lý địa phương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng hiện có nhiều nhà đầu tư có nguyện vọng, muốn khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án lớn vào địa phương. Lãnh đạo tinh sẽ có trách nhiệm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch trong quản lý nhà nước, đồng hành cùng doanh nghiệp. Phải thực hiện cho được, trọn vẹn cụm từ “xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp”.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói: “Không thể xúc tiến xong rồi để doanh nghiệp tự bơi. Nếu không hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, không thể có kết quả đầu tư hiệu quả. Là người đứng đầu UBND tỉnh, tôi sẽ có trách nhiệm chỉ đạo chặt chẽ vấn đề này để cả hệ thống vận hành thông suốt trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư vào Quảng Nam”.