Chính phủ tăng cường rà soát các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
(QNO) – Sáng 30/7, Chính phủ phối hợp với với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành của tỉnh dự hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, Chính phủ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 60 luật, nghị quyết quy phạm; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khoảng 470 nghị định, quyết định quy phạm.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến 35 dự án luật, dự thảo, đề nghị xây dựng luật, nghị quyết; Chính phủ ban hành 75 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 quyết định quy phạm pháp luật. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành 131 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 645 quyết định cá biệt, 19 chỉ thị, 64 công điện và 8.398 văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan.
Song song với công tác xây dựng pháp luật, nhằm nâng cao kết quả thi hành pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật với nhiều giải pháp đồng bộ. Chính phủ quan tâm bảo đảm nguồn lực cho công tác triển khai, thi hành luật, nghị quyết...
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu về 11 dự án luật, xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác và đa số là do Chính phủ trình.
Đến nay, nhiều dự án luật đã được các bộ, ngành, địa phương cơ bản hoàn thiện kế hoạch triển khai thi hành để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành như: Luật Đường bộ; Luật Thủ đô; Luật Lưu trữ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phát chiến lược, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Chính phủ xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung thực hiện đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện thể chế đến tổ chức thi hành pháp luật; xác định đầu tư cho công tác xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển, hoàn thiện thể chế để khơi thông, thúc đẩy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, qua hội nghị này, Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp tục rà soát các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để ban hành một luật sửa nhiều luật.
Cùng với đó, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thường xuyên, bao trùm, tổng thể, kịp thời, hiệu quả hơn. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức các kỳ họp Quốc hội như một kỳ họp có thể tổ chức nhiều đợt, kết hợp trực tiếp và trực tuyến; các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ chủ động phối hợp từ sớm, từ xa trong công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật trong tình hình hiện nay, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật cần phát huy trách nhiệm cao nhất, làm việc có cảm xúc với tinh thần vì nước, vì dân, với tư duy, phương pháp luận phù hợp tình hình mới, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phân công rõ ràng nhưng phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả.