Chia sẻ kinh nghiệm dạy và học tiếng Cơ Tu tại huyện Tây Giang
(QNO) - Chiều 30/7, đoàn công tác UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Lê Thanh Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn có cuộc làm việc chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy và học chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc Cơ Tu tại huyện Tây Giang.
Tại buổi làm việc, UBND huyện Tây Giang thông tin các cuốn sách ngôn ngữ của dân tộc Cơ Tu do tác giả Bh’ríu Liếc soạn thảo, gồm sách “Tiếng thông dụng C’tu - Kinh và văn hóa làng C’tu” xuất bản tháng 3/2006 và sách “Tiếng Cơtu/P’rá Cơtu” xuất bản tháng 8/2018.
Đồng thời thông tin các tài liệu được sưu tầm liên quan đến tiếng Cơ Tu gồm sách “Pơrao Kơtu” (tiếng Cơ Tu) của tác giả Nguyễn Hữu Hoành, Tạ Văn Thông, Nguyễn Văn Lợi xuất bản tháng 12/2007; sách dạy và học tiếng Cơ Tu, ngữ pháp tiếng Cơ Tu, từ điển Cơ Tu - Việt - Cơ Tu…
Theo UBND huyện Tây Giang, năm 2019 huyện đã mở lớp đào tạo tiếng Cơ Tu cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện với tổng số 28 học viên.
Bên cạnh kết quả đạt được về công tác biên soạn và sưu tầm chữ viết Cơ Tu, huyện Tây Giang đang gặp khó do chưa có sự đồng thuận, thống nhất 3 bộ chữ tiếng dân tộc Cơ Tu của 3 huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế); hiện có nhiều bộ chữ nên chưa có bộ chữ tiếng dân tộc Cơ Tu chính thức.
Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn học Tiếng dân tộc thiểu số là môn học tự chọn, hiện nay tiếng dân tộc Cơ Tu chưa được Bộ GD-ĐT phê duyệt về chương trình, sách giáo khoa theo quy định…
Lãnh đạo huyện Nam Đông thông tin, Nam Đông là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, chủ yếu có hai dân tộc cùng sinh sống gồm Kinh và Cơ Tu, trong đó đồng bào dân tộc Cơ Tu chiếm khoảng 46,14% dân số toàn huyện. Việc bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức rất cần thiết. Từ năm 2003 đến nay, huyện mở được 13 lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Cơ Tu với số lượng 729 học viên.
Tuy nhiên, huyện Nam Đông đang gặp khó về tài liệu do tiếng dân tộc Cơ Tu ngôn ngữ không đồng nhất, một số từ ngữ còn sử dụng ngôn ngữ địa phương, chữ viết không có, vì vậy việc soạn tài liệu để dạy - học cũng dựa trên cơ sở phát âm - phiên âm. Tài liệu chưa mang tính hệ thống, chưa có sự thẩm định, bổ sung, điều chỉnh nên chỉ ở dạng cẩm nang hơn là tài liệu dạy - học. Đội ngũ tham gia giảng dạy chưa được đào tạo nên còn lúng túng phương pháp truyền đạt...
Hai huyện Tây Giang và Nam Đông đã chia sẻ định hướng, cách làm như tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, giáo viên, kể cả học sinh và người dân tộc thiểu số tại địa phương; tăng cường tiếp sóng truyền thanh tiếng dân tộc thiểu số... Qua đó bảo tồn, gìn giữ tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.