Thế giới

Ấn Độ phát triển ngành công nghiệp chip

QUỐC HƯNG 31/07/2024 18:33

(QNO) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt mục tiêu đưa nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này vào top 5 quốc gia dẫn đầu ngành công nghiệp chip bán dẫn trong 5 năm tới.

maxresdefault.jpg
Ấn Độ vừa xuất khẩu chip "Made in India" từ Tập đoàn Tata. Ảnh: Gettyimages

Tháng 5 vừa qua, Tata - một trong những tập đoàn lớn nhất tại Ấn Độ bắt đầu xuất khẩu mẫu chip bán dẫn từ trung tâm nghiên cứu và phát triển có trụ sở tại TP.Bengaluru, bang Karnataka đến các đối tác của công ty tại Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn của Ấn Độ.

Trước đó, tháng 3 năm nay, Thủ tướng Narendra Modi công bố khởi công 3 nhà máy sản xuất chip bán dẫn mới tại Ấn Độ với tổng giá trị hơn 15 tỷ USD bao gồm dự án liên doanh giữa Tata và Tập đoàn PSMC của Đài Loan.

Việc hoạt động của cả 3 nhà máy sản xuất chip trên hứa hẹn sẽ tạo ra khoảng 20 nghìn việc làm trực tiếp trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến và thêm 60 nghìn cơ hội việc làm gián tiếp tại Ấn Độ.

Việc xuất khẩu diễn ra khi Tập đoàn Tata đang đặt nền móng cho đơn vị đóng gói chip mới tại Morigaon, Assam và một nhà máy đúc chip trị giá 10 tỷ USD tại Dholera, bang Gujarat của Ấn Độ.

Cạnh đó, Tata đang tiến gần đến giai đoạn cuối cùng trong quá trình thiết kế mạch tích hợp và bảng mạch in của chip bán dẫn ở kích thước 28, 40, 55, 65 nanomet. Một số chip đó sẽ được gửi đến một số khách hàng được chọn để lấy phản hồi nhằm thử nghiệm và cải tiến. Theo báo cáo, sản xuất thương mại của sản phẩm trên sẽ được lên lịch vào năm 2027.

Tập đoàn Tata cho biết đặt mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Ấn Độ đạt 110 tỷ USD vào năm 2030, đáp ứng 10% nhu cầu toàn cầu.

ge.jpg
Nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Ấn Độ. Ảnh: Gettyimages

Các quan chức Ấn Độ kỳ vọng, chip sản xuất tại Ấn Độ sẽ giúp tạo ra sự hiện diện mạnh mẽ và đáng kể cho Ấn Độ trong các chuỗi giá trị toàn cầu - điều này sẽ biến Ấn Độ thành trung tâm bán dẫn của thế giới.

Ông Ashwini Vaishnaw - Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Đường sắt, truyền thông, điện tử và công nghệ thông tin cho biết, Ấn Độ muốn trở thành một trong 5 nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới trong vòng 5 năm tới.

"Một nhà máy sản xuất chất bán dẫn điển hình, việc xây dựng mất khoảng thời gian 3-4 năm. Chúng tôi sẽ rút ngắn đáng kể thời gian này" - Bộ trưởng Ashwini Vaishnaw nói.

Ông Anurag Awasthi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện tử và bán dẫn Ấn Độ nêu ra những lợi thế thu hút đầu tư và phát triển ngành bán dẫn tại Ấn Độ gồm nhu cầu nội địa lớn của đất nước đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người, nguồn nhân lực dồi dào, tài năng công nghệ và năng lực thiết kế.

Cạnh đó, Ấn Độ đang nỗ lực dựng toàn bộ hệ sinh thái chip từ nghiên cứu, phát triển, thiết kế, sản xuất và chế tạo chip.

Tính đến tháng 12 năm ngoái, Đài Loan nắm giữ khoảng 46% công suất đúc bán dẫn toàn cầu, tiếp theo là Trung Quốc (26%), Hàn Quốc (12%), Mỹ (6%) và Nhật Bản (2%), theo công ty nghiên cứu thị trường TrendForce.

QUỐC HƯNG