Hồ sơ - Tư liệu

Nhà báo, họa sĩ tài hoa Huỳnh Bá Thành

PHẠM THANH NGHỊ 01/08/2024 15:03

(QNO) - Trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và chính quyền tay sai bán nước, bằng sự khéo léo, các nhà văn, nhà báo đã dùng ngòi bút viết nên những tác phẩm vạch trần tội ác, đả kích kẻ thù, góp phần đưa cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975. Trong đó, có người chiến sĩ điệp báo A10 thuộc An ninh T4 (Công an TP.Hồ Chí Minh ngày nay) là họa sĩ, nhà báo, nhà văn Huỳnh Bá Thành - người con của đất Quảng anh hùng, quê Hòa Vang, Đà Nẵng.

Huynh Ba Thanh
Huỳnh Bá Thành

Ký ức chiến tranh

Huỳnh Bá Thành sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng, anh đã sớm thấy được những đau thương, mất mát của đồng bào, những áp bức bất công của chế độ Mỹ, ngụy với nhân dân nên khi còn là học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh, Đà Nẵng ông đã tham gia đấu tranh chống chế độ tay sai bán nước. Nhà nghèo, ông phải tự trang trải việc học bằng nghề vẽ.

Mùa đông năm 1965 lạnh đến khốc liệt, vậy mà ông vẫn cặm cụi bên giá vẽ, khẩn trương hoàn thành những bức tranh, chuẩn bị cho một phòng triển lãm tranh Huỳnh Bá Thành vào mùa xuân năm 1966 tại Trường THPT Phan Chu Trinh. Tiền bán tranh, ông trang trải cho việc học của mình và bạn bè.

Giữa năm 1966, địch tăng cường đàn áp phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh ở Đà Nẵng - Huế, Huỳnh Bá Thành động viên anh em giữ vững ý chí nuôi mộng lâu dài. Tháng 8/1966, tốt nghiệp tú tài phần 2, ông vào Sài Gòn kiếm sống, đi học và tìm đường đến với cách mạng.

Khi sắp đến tuổi quân dịch, ông đã dùng cây nạn gỗ đập gãy chân mình để trốn lính. Rồi một hôm tình cờ ông gặp ông Nguyễn Vạn Hồng (Cung Văn) và Trương Lộc - những người đang hoạt động trong hội sinh viên yêu nước, chống kẻ thù. Nghe Huỳnh Bá Thành tâm sự cuộc đời, lại có chí khí can trường nên các ông cưu mang, giúp đỡ và dẫn dắt Huỳnh Bá Thành trở thành người chiến sĩ điệp báo tài hoa sau này. Các ông Vạn Hồng - Trương Lộc tìm việc cho ông tại tờ nhật báo tiếng Anh Sài Gòn Post, rồi sang tờ Tin Sáng Chủ Nhật theo dõi việc in ấn. Khi Trương Lộc sang làm Tổng Thư ký tòa soạn báo Điện Tín đã mang Huỳnh Bá Thành theo.

Đánh địch bằng “ớt” cực cay

Ngoài những công việc tòa soạn giao, Huỳnh Bá Thành còn vẽ tranh châm biếm khá độc đáo. Các ông Trương Lộc, Trần Trọng Thức và Lý Chánh Trung đã đặt bút danh họa sĩ cho ông là Ớt. Một loại ớt cay tận… óc. Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu là người thường xuyên phải nếm những “quả ớt” do ông sản xuất mỗi ngày. Xin mô tả vài tranh biếm tiêu biểu: Khi Tổng thống Mỹ Nixon từ chức, họa sĩ Ớt vẽ một người Mỹ nằm trong quan tài đậy nắp (chỉ vài nét, anh đã “biếm” gương mặt Nixon y chang). Người Mỹ nằm trong quan tài thò tay ra nắm tay người Việt Nam như muốn rủ hắn “đi”. Người Việt Nam đó với 3 chi tiết: cái mũi, cái trán và kiểu tóc đích thị là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu.

Hay khi Tổng thống Mỹ Nixon ân xá cho đại úy Calley - người chỉ huy vụ thảm sát ở làng Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi, họa sĩ Ớt “bắn” ngay một quả ớt vào mắt người Mỹ một bức chân dung đại úy Calley với bộ quân phục ngày lễ, trên đó mỗi nút áo là một… chiếc đầu lâu trắng phếu. Đặc biệt bằng những nét vẽ tài hoa, ông vẽ cảnh các quan chức chế độ ngụy rước đèn trung thu bằng máy bay thả bom, xe tăng có trọng pháo đã miêu tả rõ nét cảnh kẻ thù gây đau thương, tang tóc cho dân lành…

mh.jpeg
Tranh biếm họa của họa sĩ Huỳnh Bá Thành.

Dĩ nhiên khi tờ Điện Tín có những quả ớt như thế chắc chắn sẽ bị tịch thu nên số nào có “ớt quá cay”, Ban biên tập lo in sớm và tuồn ra cửa sau theo ngã… nóc nhà để đi phát hành.

Đúng là họa sĩ Ớt đã dùng những nét vẽ cay độc của mình để châm biếm, đả kích những nhân vật chóp bu cũng như hành động của chính quyền chế độ cũ rất hiệu quả.

Hoạt động theo chí hướng đời trai đã giúp họa sĩ Ớt - Huỳnh Bá Thành trở thành chiến sĩ điệp báo A10 thuộc lực lượng An ninh T4, đấu tranh hợp pháp trong lòng địch với vai trò ký giả. Năm 1968, đầu năm 1969, ông được kết nạp vào Đảng, lấy bí danh là Ba Trung. Nhiều lần ông phải ra vùng ngoại ô Bà Điểm - Hóc Môn gặp các lãnh đạo, chỉ huy điệp báo bàn thảo kế sách đánh địch.

Trong Chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968, người chỉ huy trực bị địch bắt, Ớt mất liên lạc nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu bằng vũ khí ngòi bút của mình. Khi Ớt móc nối trở lại với Cụm điệp báo A10, ông Mười Hương chỉ đạo A10 tìm cách tiếp cận tướng Dương Văn Minh để chuẩn bị cho kế hoạch sau này. Người được ông Mười Hương chọn “vào hang” là họa sĩ Ớt. Nhiệm vụ cực kỳ khó khăn nhưng với tư cách ký giả trong nhóm đối lập thân thiết với tướng Dương Văn Minh chống Thiệu, Ớt phải tìm cách xâm nhập Dinh Hoa Lan - biệt thự riêng của Dương Văn Minh.

Ông Huỳnh Bá Thành (thứ 2 từ phải sang) cùng nhà chỉ huy tình báo Mười Hương và các học trò tình báo..
Ông Huỳnh Bá Thành (thứ 2 từ phải sang) và Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh Mai Chí Thọ.

Làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này, Ớt đã bao đêm không ngủ. Thế rồi dịp may đã đến mà trong tài liệu: An ninh T4 - những chiến công thầm lặng từ Dinh Hoa Lan của tác giả Lê Văn Thiện - Đại tá, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh mô tả thì: Năm 1971, Mỹ - Thiệu bày trò bầu cử Tổng thống, có 2 liên danh tranh cử: Liên danh đương kiêm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và liên danh đại tướng Phó Tổng thống Dương Văn Minh. Lo sợ ông Minh sẽ đắc cử nên Thiệu bày trò ngớ ngẩn, cho rằng Dương Văn Minh chưa hợp lệ tình trạng quân dịch nên không đủ tư cách ứng cử Tổng thống. Ông Minh im lặng, chờ đến sát ngày bầu cử thì bất ngờ xin rút lui. Thế là Mỹ - Thiệu không kịp tìm kiếm liên danh thay thế, đành tổ chức bầu cử độc diễn. Và dĩ nhiên Nguyễn Văn Thiệu tái đắc cử Tổng thống.

Nhân cơ hội này họa sĩ Ớt tung ngay quả ớt miêu tả cảnh Nguyễn Văn Thiệu đang kiểm tra giấy quân dịch ông Dương Văn Minh. Bức tranh biếm họa khiến Thiệu tức điên và ra lệnh cho cảnh sát truy bắt họa sĩ Ớt. Ông Minh thì hả hê, thích thú bức biếm họa “cay” như ớt xiêm đó. Để bảo toàn tính mạng, Ớt bí mật lẻn vào Dinh Hoa Lan của Phó Tổng thống Dương Văn Minh xin tạm trú. Không chỉ cho tạm trú, ông Minh còn bảo bọc, che chở cho Ớt ăn ở, cải trang, ra vào hoạt động bình thường, đồng thời đàm đạo chính sự. Lúc này Ớt đang là giám đốc kỹ thuật ở tờ báo Điện Tín.

Từ năm 1973, Dinh Hoa Lan trở thành nợi tụ họp thường xuyên của giới chính trị gia đối lập với Thiệu. Từ những chính trị gia này, Ớt thu thập được nhiều nguồn tin có giá trị cho A10. Cũng từ các mối quan hệ này, Ớt và đồng đội thực hiện được nhiều thủ pháp chính trị làm thay đổi cục diện có lợi cho ta.

Khoảng một năm sau, Huỳnh Bá Thành được phân công chức vụ Thư ký tòa soạn tờ Điện Tín.

Những ngày cuối tháng 4/1975, theo chỉ đạo của cấp trên, nhiều lực lượng, trong đó có Cụm điệp báo A10 tác động Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng để tránh đổ máu. Trong những người tác động ấy có họa sĩ Ớt - Huỳnh Bá Thành. Chi tiết này được đại tá Lê Văn Thiện ghi lại: Ngày 28/4/1975, vừa nhậm chức Tổng thống, Dương Văn Minh liền ngõ ý với họa sĩ Ớt:

  • “Toi” có thể đi gặp đại diện phía quân giải phóng giúp “Moi”?
  • Để làm gì? thưa đại tướng.
  • Xin thương thuyết chấm dứt chiến sự.
  • Quá muộn rồi, giải phóng họ không chấp nhận đề nghị của đại tướng.
  • Vậy theo “Toi” thì “Moi” phải làm gì bây giờ?
  • Tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
  • Còn sớm, nguy hiểm “Toi” hiểu chứ?
  • Dạ! Ớt hiểu, nhưng không còn lựa chọn nào khác, thưa đại tướng.
  • Từ đây đến 11 giờ 30 ngày 30/4/1975 thì diễn biến của việc kết thúc chiến tranh như mọi người đã biết.
  • Quả đúng như nhà thơ Sóng Hồng đã nói: “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ”. Rõ ràng họa sĩ Ớt - Huỳnh Bá Thành đã cùng đồng đội dùng ngòi bút của mình với tài trí thông minh, gan dạ và khôn khéo đã góp công cùng các lực lượng lập nên chiến công oanh liệt, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Một tác phẩm tranh biếm họa của họa sĩ Ớt - Huỳnh Bá Thành

Một nhà báo tài năng

Sau giải phóng, họa sĩ Ớt - Huỳnh Bá Thành là cán bộ An ninh Công an TP.Hồ Chí Minh, rồi chuyển sang làm thành viên biên tập bản tin nội bộ Công an thành phố. Tháng 6/1986, bản tin được trở thành Báo Công an thành phố phát hành rộng rãi, ông được cử giữ chức Phó Tổng biên tập. Rồi Tổng biên tập vào tháng 10/1992.

Huỳnh Bá Thành là một trong những người có công đưa bản tin nội bộ Công an thành phố ra phát hành rộng rãi. Khi còn là Phó Tổng biên tập, rồi Tổng biên tập Báo Công an TP.Hồ Chí Minh, ông luôn trăn trở cho sự phát triển của tờ báo. Ông tuân thủ một cách khoa học ý kiến cấp trên, lắng nghe, học hỏi, chọn lọc ý kiến của đồng nghiệp để xây dựng tờ báo. Mục “5 tu huýt” và “Tiếng Còi” do ông đặt ra đã tạo sự chú ý cho độc giả và đạt hiệu quả cao.

hbt.jpeg
Huỳnh Bá Thành được truy tặng Kỷ niệm chương Tình báo của Bộ Công an.

Ông là cây bút tài hoa về đề tài hình sự. Nhiều phóng sự điều tra của ông đã tạo sự chú ý trong công chúng. Những truyện hình sự tiêu biểu như lệnh truy nã 1, lệnh truy nã 2… Trên lĩnh vực văn học và điện ảnh, ông đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, hầu hết được chuyển thành phim như: “Đêm mùa hè nghiệt ngã”, Luật nhân quả (viết chung cùng tác giả Bùi Chí Vinh) và chuyển thể thành phim Mênh mông tình buồn, Tình không biên giới, Lệnh truy nã 1, Lệnh truy nã 2. Những tiểu thuyết hình sự hấp dẫn như “Nữ trinh sát Kiều My”, “Điều tra về một cái chết được báo trước”…

Con người công vụ Huỳnh Bá Thành luôn nghiêm khắc với chính mình và đồng đội, đồng nghiệp. Hôm nào trực đêm, ông luôn dậy trước giờ phát hành báo lúc 3-4 giờ sáng để quán xuyến. Tác giả bài viết này đã hai lần gặp ông khi đến nhận báo để đi bán dạo. Ông hỏi: “Bán ngày lời được bao nhiêu?”. “Được vài ba chục ngàn anh ạ” - tôi trả lời. Ông cười: “Mày khá lắm”. Tôi hiểu chữ “khá” của ông mang nhiều ý nghĩa.

Một hôm tôi vào xin ông cho giới thiệu đi lấy tin viết bài, ông bảo không cần giấy giới thiệu mà có tin tức viết được mới giỏi. Phải len lỏi vào các tầng lớp xã hội để điều tra những hiện tượng tiêu cực, những chuyện trái luân thường đạo lý mà viết chứ người ta dọn sẵn mình viết thì hay ho gì. Sau này khi hóa thân vào các tầng lớp xã hội, thu thập thông tin và viết bài vạch trần chân tướng băng nhóm giang hồ, chuyên bảo kê, cưỡng đoạt tài sản công dân ở bến xe An Sương, quận 12, đăng Báo Công an thành phố tôi càng thấm hiểu sâu sắc những lời giáo huấn của ông.

Thương người như thể thương thân

Giúp người sa cơ lỡ vận, thất thế là một trong những nghĩa cử cao quý của ông Huỳnh Bá Thành. Nhớ dịp Tết năm 1993, tôi và nhà báo Đoàn Thạch Hãn (bút danh Đoàn Kế Tường) được ông phân công đem bản phim Mênh mông tình buồn (do ông và Bùi Chí Vinh viết kịch bản) ra miền Trung chiếu. Đêm ở khách sạn Đà Nẵng, anh Hãn nói với tôi: “cả ngàn người mới có một người như Huỳnh Bá Thành”. Như để minh chứng cho lòng tốt của ông Thành, anh Hãn nói: Trước năm 1975 anh là ký giả Báo Sóng Thần. Sau năm 1975, nghe lời xúi giục của bạn bè, anh tham gia nhóm “phục quốc”, bị bắt và cải tạo 10 năm. Ra tù, anh đi lang bạt, nương nhờ nhiều nơi, rồi tủi thân xách túi ra đi mà bến xe, nhà ga là nơi trú ngụ. Một hôm đang nằm ngủ ở sân ga Hòa Hưng thì bị Công an Quận 3 hốt về để thanh lọc, xử lý. Do anh vừa ở khám Chí Hòa ra nên Công an chưa biết xử lý thế nào. Gần trưa, Huỳnh Bá Thành bất ngờ đến công an Quận 3 làm việc. Thấy Huỳnh Bá Thành đi ra, anh Hãn cúi gằm mặt lẩn tránh nhưng vẫn không qua mắt được ông, rồi ông chợt hỏi: Đoàn Kế Tường hả? Ông Thành đến gần hỏi han đôi điều. Sau khi bảo lãnh cho Tường, Huỳnh Bá Thành chở Tường về nhà cho tắm rửa, nghỉ ngơi, sau đó đưa đến gặp đại tá Mai Chí Thọ - Giám đốc Công an thành phố - trình bày hoàn cảnh của Tường và xin bảo lãnh anh về Báo Công an thành phố làm việc. Trong những lần anh em đi công tác, anh Hãn thường nói anh luôn tri ân tấm lòng độ lượng, bao dung, thương người của ông Huỳnh Bá Thành.

Mọi người không chỉ quý mến ông Huỳnh Bá Thành ở đức tính trọng dụng nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ mà còn ở phong cách sống chân thật, giản dị, yêu thương chiến sĩ, đồng nghiệp, quý mến mọi người.

Một tấm áo che thân, một ký gạo đỡ đói, ông đều sang nhường cho anh em đồng đội. Có lần nhận 18 ký gạo tiêu chuẩn, ông chở thẳng đến nhà anh Sơn Nam (phóng viên của báo) để giúp anh nuôi mẹ già. Nhớ khi anh Trần Tử Văn (sau là Phó Tổng biên tập Báo Công an thành phố) đi công tác miền Trung, ông Thành đã tự tay khoác chiếc áo lạnh, căn dặn: “Ra ngoài đó lạnh lắm, nhớ giữ gìn sức khỏe, có khó khăn gì điện về cho anh liền”. Tình cảm của Tổng biên tập Huỳnh Bá Thành dành cho cán bộ chiến sĩ, phóng viên tờ báo thật ấm áp. Bây giờ mỗi khi nhớ lại, anh em đều thương tiếc và luôn nhắc đến ông với cái tên anh Ba thật trìu mến.

“Làm báo có tài không chưa đủ, có đức cũng chưa chắc mà quan trọng là phải có bản lĩnh, phải viết với cái tâm trong sáng và trung thực, phải biết để dành vốn liếng…”

Nhà báo Huỳnh Bá Thành

Quá trình xây dựng Báo Công an thành phố, ông Huỳnh Bá Thành đã đào tạo, rèn luyện nhiều thế hệ phóng viên trưởng thành. Thời kỳ ông làm Tổng biên tập, báo phát hành mỗi kỳ gần 700 nghìn bản. Quỹ phúc lợi tăng cao, đời sống anh em ngày một nâng lên. Điều đáng trân trọng là ông đã giúp đỡ không điều kiện bất cứ ai sa cơ thất thế, hay gặp bất hạnh, khó khăn. Chương trình từ thiện - xã hội của báo do ông khởi xướng vẫn tồn tại đến nay và đã mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng. Ông trở thành thần tượng của dân nghèo thành phố.

Hồi 2 giờ 30 phút sáng 25/1/1993 (mùng 3 Tết Quý Dậu), trái tim của nhà báo - họa sĩ tài hoa Huỳnh Bá Thành đã ngừng đập sau một cơn đau tim đột ngột tại Bệnh viện Thống Nhất.

Sáng 28/1/1993, mùng 6 Tết Quý Dậu, hàng ngàn đồng bào thành phố đã tiễn đưa ông về Nghĩa trang thành phố yên nghỉ. Ai nấy đều ngậm ngùi thương tiếc người chiến sĩ Công an, nhà báo, họa sĩ tài hoa và giàu lòng nhân ái.

Nội dung: PHẠM THANH NGHỊ

Trình bày: MINH TẠO

PHẠM THANH NGHỊ