Diện mạo mới của xã nông thôn mới Bình Định Nam
(QNO) - Năm 2007 khi mới tách xã, Bình Định Nam (Thăng Bình) được mệnh danh là xã “8 không” - là không cơ quan, điện, đường, trường, trạm, chợ, đài phát thanh và hệ thống nước sạch. Còn nay, sau 17 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới đã trở thành xã duy nhất của huyện Thăng Bình có 100% thôn NTM kiểu mẫu.
Thay áo mới khang trang
Tuyến đường ĐH7 dài hơn 1km nối giữa thôn Đồng Thanh Sơn và An Lộc nay đã đã được khoác lên muôn sắc màu của các loại cây, hoa như tường vi, hoa giấy, hoàng yến... Ai đi qua cũng trầm trồ vì đường quê đẹp không thua gì các tuyến đường ở những vùng du lịch.
Bà Đỗ Thị Minh Thương - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Định Nam cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, hội đã đăng ký công trình thiết thực là xây dựng 3 tuyến đường “sáng - xanh- sạch - đẹp” với chiều dài gần 2km tại 2 thôn NTM kiểu mẫu Đồng Thanh Sơn và An Lộc.
“Trước đó Hội LHPN xã đã khảo sát, lấy ý kiến của người dân để xây dựng các tuyến đường. Ai nấy cũng đồng tình hưởng ứng nên chỉ trong thời gian ngắn các hội viên đã xây dựng xong các tuyến đường góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là ý thức về vệ sinh môi trường nông thôn” - bà Thương nói.
[VIDEO] - Tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp” Đồng Thanh Sơn và An Lộc:
Theo ông Nguyễn Công Danh - Bí thư Đảng uỷ xã Bình Định Nam, lúc mới chia tách xã Bình Định Nam khó khăn về mọi mặt được mệnh danh là xã 8 không… Tỷ lệ hộ nghèo trên 20%, thu nhập bình quân đầu người 12 triệu đồng/người/năm, năng suất lúa khoảng 40 tạ/ha. cơ sở vật chất văn hóa thiếu thốn, nhà văn hóa thôn chưa được xây dựng.
“Dù trăm bề khó khăn nhưng ai ai cũng đồng lòng. Đầu năm 2013 xã Bình Định Nam xây dựng Đề án xã nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2017. Sau khi được phê duyệt đề án, hệ thống chính trị bắt tay ngay vào từng phần việc với tinh thần chẳng nề hà, ngại gian khổ” - ông Danh nói.
Năm 2016, xã Bình Định Nam được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông xã nông thôn mới. Đây là xã thứ 7 của huyện Thăng Bình đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Xã Bình Định Nam cũng đã xây dựng gần 10km đường trục xã, liên xã với bề rộng mặt đường 5,5m bề rộng nền 7m và hơn 17km giao thông nông thôn, 7km giao thông nội đồng. Đến nay 100% đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được chiếu sáng bởi hệ thống điện thắp sáng đường quê.
Về thiết chế văn hóa thôn xã, Bình Định Nam đã xây dựng 100% nhà văn hóa thôn, 3 khu sân bóng đá thôn tối thiểu 4.000 m2, hình thành 3 khu vui chơi dànhdành cho người cao tuổi và trẻ em với đầy đủ các dụng cụ luyện tập.
Riêng khu vui chơi giành cho người cao tuổi và trẻ em thôn Châu Xuân được đầu tư xây dựng từ nguồn hỗ trợ nâng chất xã nông thôn mới và nguồn huy động của nhân dân với diện tích hơn 2.000m2 đầy đủ các dụng cụ luyện tập đảm bảo cho nhân dân trong thôn luyện tập thường xuyên.
Ngoài ra, Trường Tiểu học Định Tiên Hoàng của xã Bình Định Nam cũng được đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo với đầy đủ các lớp học và có bể bơi gần 100m2. Đồng thời, trường còn được xây dựng khu luyện tập thể thao cho học sinh hơn 300m2 để phục vụ việc dạy và học...
Xã Bình Định Nam là địa phương duy nhất ở Thăng Bình có 100% thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu.
[VIDEO] - Xã nông thôn mới Bình Định Nam:
Người dân vươn lên làm giàu
Anh Nguyễn Phước Pháp (thôn An Lộc) quyết định chọn lập nghiệp từ mảnh đất mà cha mẹ cho. Pháp tận dụng ngọn đồi để trồng keo nguyên liệu và kết hợp trang trại nuôi dê. Thấy được quyết tâm và ý chí làm giàu của thanh niên này, UBND xã Bình Định Nam đã hỗ trợ anh Nguyễn Phước Pháp làm hồ sơ hưởng cơ chế khuyến khích phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 53/NQ-HĐND của HĐND huyện Thăng Bình. “Sau khi nghiệm thu đủ điều kiện, tôi đã được hỗ trợ 30 triệu đồng, số tiền này sẽ tạo vốn giúp tôi phát triển đàn dê mở rộng mô hình” - anh Pháp nói.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam nhấn mạnh, về phát triển kinh tế xã Bình Định Nam coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và then chốt. Xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể vận động người dân xây dựng các mô hình, dự án. Riêng triển khai Nghị quyết 53, xã đã xây dựng hơn 60 mô hình đã được huyện thẩm định, phúc tra với tổng nguồn kinh phí hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng.
Năm 2018, tôi cải tạo hơn 8 sào đất vườn, trồng 250 cây ăn quả các loại như bưởi, chanh, mít thái… Sau đó Nhà nước đã hỗ trợ 29 triệu đồng để làm hệ thống tưới tiết kiệm. Điều này giúp nông dân như tôi có được mô hình kinh tế hiệu quả và bền vững.
Ông Phạm Đức Sỹ (thôn Đồng Thanh Sơn)
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Bình Định Nam được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 49,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,1% là hộ nghèo an sinh xã hội, không có hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo.
“Việc xây dựng NTM ở Bình Định Nam không nóng vội mà trên hết là hướng đến lợi ích thiết thực và bền vững cho người dân địa phương. Những thành quả đạt được ngày hôm nay tạo nên bộ mặt nông thôn tươi đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên cả về vật chất và tinh thần” - ông Nguyễn Văn Việt nói.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam: