Nhà nước và cử tri

Tiếp xúc cử tri Điện Bàn: Vẫn là chuyện đất đai

VĨNH LỘC 02/08/2024 07:45

Nhiều dự án nhà ở trên địa bàn kéo dài quá lâu gây ảnh hưởng, khó khăn đến đời sống người dân, nhất là trong việc tách thửa, sửa chữa, xây mới nhà ở… Đây là những vấn đề được đông đảo người dân phản ánh với các đại biểu HĐND tỉnh tại buổi tiếp xúc cử tri 5 phường vùng Đông Điện Bàn, diễn ra sáng hôm qua 1/8.

d1.jpg
Nhiều ý kiến phản ánh về vấn đề đất đai đã được nêu ra tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: V.L

Dai dẳng dự án treo

Ông Phạm Quang Tứ - người dân khối phố Hà My Trung, phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) cho biết, cha ông là ông Phạm Lời (đã chết) có 11 người con, gia đình được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất 2.110m2, loại đất thổ cư.

Từ năm 2016 đến 2019 UBND thị xã Điện Bàn đã 2 lần ban hành quyết định thu hồi đất toàn bộ diện tích đất thổ cư nêu trên (giải tỏa trắng). Gia đình ông Tứ đã tiến hành tháo dở nhà bàn giao đất cho dự án. Ngày 24/4/2019, Hội đồng xét tái định cư thị xã Điện Bàn họp xét bố trí tái định cư 4 lô đất cho gia đình ông (giai đoạn 1 là 1 lô, giai đoạn 2 là 3 lô).

Ngày 9/1/2020 các cơ quan chức năng và chủ đầu tư (Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn, UBND phường Điện Dương, Tập đoàn VN Đà Thành) đã thống nhất cụ thể vị trí bố trí tái định cư cho gia đình.

Tuy nhiên, đến nay các cơ quan có trách nhiệm vẫn không thực hiện cấp quyền sử dụng đất, mặc dù gia đình đã nhiều lần kiến nghị, khiếu nại đến UBND thị xã Điện Bàn nhưng không được giải quyết.

“Với 8 năm từ khi ban hành quyết định thu hồi đất, bây giờ cha tôi đã chết, em tôi cũng đã chết, mẹ tôi cũng đã già liệu có còn sức chờ đợi nữa không. Đây không phải là dự án phúc lợi cho nhân dân hay phục vụ an ninh quốc phòng, việc thu hồi đất chỉ để cho doanh nghiệp khai thác quỹ đất.

Tôi đề nghị HĐND tỉnh với quyền hạn của mình yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn hủy các quyết định thu hồi đất của gia đình tôi, khi công tác tái định cư chưa được giải quyết” - ông Tứ kiến nghị.

d.jpg
Người dân kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế chính sách tháo gỡ những vấn đề liên quan đến các dự án treo. Ảnh: V.L

Trên địa bàn 5 phường vùng Đông Điện Bàn hiện có khoảng 150 dự án bất động sản, nhà ở thương mại. Riêng phường Điện Dương có 64 dự án, trong đó 3 dự án đã kéo dài trên 20 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tách thửa, chuyển nhượng cho con cái ra riêng, kể cả việc sửa chữa, xây mới nhà ở cũng không thực hiện được.

Thậm chí, tại Dự án khu tái định cư thôn 1 Điện Dương dù đã dừng kỹ thuật nhưng người dân vẫn không thể chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa…

Ông Trịnh Văn Vinh - người dân khối phố Hà My Đông, phường Điện Dương đề nghị các cấp ngành của tỉnh cần ban hành cơ chế chính sách để người dân vùng dự án có quyền lợi như những nơi khác hoặc xem xét hủy bỏ những dự án thời gian kéo dài quá lâu để người dân được sinh sống, kinh doanh, làm ăn trên chính mảnh đất của mình.

Phân nhóm dự án bất động sản

Tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu HĐND tỉnh diễn ra sáng hôm qua 1/8, bên cạnh những phản ánh về dự án làng đại học và nạo vét sông Cổ Cò kéo quá lâu, đa số ý kiến đều liên quan đến vấn đề đất đai, dự án treo, hạ tầng giao thông chật chội, chắp nối, nham nhở…, đề nghị cần được giải quyết rốt ráo. Thậm chí có ý kiến cho rằng, với nhiều vấn đề nổi cộm tại vùng Đông, thời gian tổ chức tiếp xúc cử tri chỉ diễn ra trong một buổi là không đủ.

d3.jpg
Rất nhiều dự án bất động sản vùng đông nhiều năm qua vẫn chưa hoàn thành. Ảnh:V.L

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, hàng tháng UBND thị xã đều tiếp dân, kể cả hàng ngày đều có bộ phận tiếp dân làm việc nên người dân có thể liên hệ để trao đổi những kiến nghị, khó khăn vướng mắc để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.

Riêng với các dự án trên địa bàn thị xã, lãnh đạo UBND thị xã cũng đã giao Phòng Quản lý đô thị tham mưu, rà soát phân nhóm dự án, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới. Những vấn đề nào trong thẩm quyền thị xã sẽ giải quyết, vấn đề nào liên quan đến cấp trên Điện Bàn sẽ kiến nghị giải quyết…

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt 2,7% nhưng khó khăn vẫn còn phía trước. Bên cạnh việc nhà máy bia Heineken Quảng Nam đóng cửa vô thời hạn khiến tỉnh thất thu ngân sách từ 500 - 700 tỷ đồng/năm thì nguồn thu từ bất động sản cũng không đạt.

Đáng lo ngại, nguồn thu thuế ô tô Trường Hải cũng gặp khó khăn do cạnh tranh giữa các hãng xe và xe điện…, dẫn đến việc cân đối bố trí kinh phí cho các công trình dự án trong doanh mục đầu tư giai đoạn 2020 - 2024 gặp nhiều trở ngại, một số dự án phải kéo dài qua năm 2026 mới có thể tiếp tục được đầu tư.

Trước các ý kiến phản ánh của cử tri cũng như những khó khăn của Điện Bàn về nguồn thu để triển khai các dự án, ông Thanh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ tối đa cho Điện Bàn để đầu tư hạ tầng giao thông, tránh trường hợp ách tắc, ô nhiễm môi trường, ngập úng cục bộ vào mùa mưa…

Hiện tỉnh cũng đã rà soát hết những tồn tại, vướng mắc của các dự án bất động sản, dự án khu dân cư trên địa bàn tỉnh và đã có hướng chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc. Theo đó, các dự án sẽ phân ra thành 5 nhóm, tùy thực trạng từng nhóm dự án sẽ có giải pháp tháo gỡ.

Những dự án nào quá vướng mắc giải phóng mặt bằng không thể làm nổi nữa thì phải khoanh lại để điều chỉnh, khép dự án không cho kéo dài quá lâu, chuyển giao lại cho Điện Bàn, địa phương có thể sử dụng vốn để làm hoặc xóa quy hoạch, chỉnh trang khu dân cư để người dân tiếp tục xây dựng nhà cửa trên cơ sở mở rộng đường sá, đầu tư hệ thống thoát nước tốt hơn…

VĨNH LỘC