Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Thượng Đức (7/8/1974 - 7/8/2024)Mở đường phục vụ chiến dịch (Tiếp theo và hết)
Về phía Đặc khu ủy Quảng Đà, ngay từ đầu năm 1973 đã giao cho Ban Giao vận Quảng Đà phải trực tiếp mở đường Trường Sơn để phục vụ chiến dịch trên chiến trường Quảng Đà, trong đó có việc chuẩn bị giải phóng chi khu Thượng Đức.
Với lợi thế là vùng giải phóng, cách Thượng Đức khoảng 20km về phía tây nam, Nam Giang được chọn là một trong những hướng chính để quân ta tiến đánh chi khu Thượng Đức.
Nhận thức được vị trí quan trọng đó, ngay sau khi có mệnh lệnh của cấp trên, Huyện ủy Nam Giang đã xác định và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân toàn huyện tích cực chuẩn bị tham gia góp sức vào chiến dịch quan trọng này.
Ngày 22/4/1973, tại Thạnh Mỹ, Công trường Thắng Lợi ra đời. Đây là đơn vị có nhiệm vụ mở đường giao thông cơ giới trên địa bàn và tổ chức vận tải vũ khí, lương thực phục vụ cho những trận đánh lớn của quân và dân mặt trận Quảng Đà đang tích cực chuẩn bị, trong đó có chiến dịch đánh vào Thượng Đức.
Từ năm 1973 - 1974, quân và dân huyện Nam Giang đã trực tiếp tham gia mở các tuyến đường chính gồm: Đường Thắng Lợi nối liền với đường đông Trường Sơn từ Thạnh Mỹ, xuống Dốc Voi, vượt qua ngã ba Quế Sơn, cách Nông Sơn 7km về phía tây bắc rồi từ đó băng qua Thọ Lâm xuống vùng B Đại Lộc, nhằm vào Thượng Đức, với tổng chiều dài khoảng 36km.
Đường Khe Hoa - Dốc Ngật: Đường Khe Hoa khai thông từ ngã ba Thắng Lợi (Thạnh Mỹ) thọc sâu vào sườn nam Thượng Đức, với chiều dài hơn 15km. Bên cạnh hai tuyến đường trên nhân dân huyện Nam Giang còn tham gia phục hồi đường từ ngã ba Bến Giằng đi Postes Six (thuộc đường 13) với chiều dài khoảng 15km; làm mới hơn 9km đường gùi thồ từ Postes Six đi Chà Vàl.
Song song với công tác mở đường là công tác vận chuyển lương thực, vũ khí để phục vụ chiến trường, vận chuyển thương binh, tiếp dân sơ tán... cũng được cán bộ và nhân dân huyện Nam Giang nhiệt tình tham gia.
Vũ khí, lương thực chuẩn bị để đánh Thượng Đức được huy động vận chuyển từ hậu phương qua Hạ Lào rồi chuyển về tập kết tại xã Chà Vàl, rồi từ Chà Vàl lương thực, vũ khí hạng nhẹ như ĐKB và A72 được dân công và nhân dân vận chuyển xuống K91 (xã Tà Pơơ) rồi từ K91 một số được bọc trong các bao ny lon thả xuống sông Thanh xuống ngã ba Bến Giằng đem lên giao cho bộ đội Quảng Đà và Quân khu 5 hoặc vận chuyển đường bộ xuống tập kết ở Ban Chỉ huy công trường Thắng Lợi tại làng Mực để bàn giao cho bộ đội.
Phối hợp với mũi chi viện Nam Giang, Huyện ủy Đông Giang đã huy động phần lớn cán bộ và nhân dân tham gia phục vụ chiến dịch, nhất là mở đường, vận chuyển vũ khí, làm lán trại, đưa đón đồng bào trong khu vực chi khu Thượng Đức lên sơ tán, đưa một phận bộ đội địa phương và du kích tham gia chiến đấu.
Kết quả, huyện đã huy động hơn 3.000 công làm đường, 2.000 công chuyển vũ khí, làm nhà, tải thương binh, ngoài ra còn có 750 công phục vụ một số công tác khác, rút được 13 thanh niên bổ sung vào lực lượng vũ trang.
Trong quá trình diễn ra chiến dịch Thượng Đức, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng khác đòi hỏi sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, quyết đoán của Đặc Khu ủy là công tác sơ tán dân khỏi Thượng Đức, nhất là công tác đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho hơn 10 nghìn dân lâu nay ở trong vùng địch, bị chúng đầu độc bằng các luận điệu chống cộng cực kỳ phản động.
Để khắc phục khó khăn này, Đặc Khu ủy quán triệt cán bộ quân dân chính tham gia đoàn công tác đặc biệt tại Mặt trận Thượng Đức nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật chiến trường, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc, tích cực phục vụ cho kế hoạch chung của toàn chiến dịch.
Chỉ đạo Ban binh địch vận chuẩn bị bài bản để vận động quần chúng cũng như chuẩn bị loa tay. Nhờ đó, khi chiến dịch nổ ra, lực lượng của Ban đấu tranh chính trị, Ban binh địch vận nhanh chóng tiếp cận nhân dân trong các khu dồn, vận động nhân dân bung về làng cũ, một bộ phận lớn được sơ tán lên vùng Thạnh Mỹ để tránh bom đạn.
Tại Thạnh Mỹ, lực lượng thanh niên Quảng Đà do đồng chí Phạm Chí Hòa - Ủy viên Đặc khu Đoàn chỉ huy tất bật lo chặt cây, đào hầm, dựng lán trại để tiếp nhận bà con từ khu dồn ra.
Những đoàn viên khỏe mạnh nhất được huy động theo con đường mới mở lên đường 559 để nhận gạo, thuốc men về để phục vụ cho hơn vạn người. Một tình huống bất ngờ xảy ra trong lúc này, đó là dịch sốt rét bùng phát tràn lan trong nhân dân lên sơ tán.
Đoàn công tác đặc biệt đã nhanh chóng huy động mọi lực lượng, thuốc men, chỉ đạo Ban dân y của Đặc khu nhanh chóng chi viện người, thuốc để nhanh chóng dập dịch, ổn định đời sống cho nhân dân...
Liên quan đến công tác chuẩn bị cho chiến dịch, vào tháng 4/1973, phái đoàn của Trung ương Đảng, Ủy ban Thống nhất Trung ương và một số cơ quan Trung ương do đồng chí Tố Hữu - Bí thư Trung ương Đảng dẫn đầu vào thăm và kiểm tra tình hình chiến trường miền Nam, cùng đi có đồng chí Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Hậu cần.
Sau khi thăm Tây Nguyên, đồng chí đã cùng đoàn theo đường 14 về lại Quảng Nam. Chứng kiến những khó khăn gian khổ, nhưng cũng đầy tinh thần anh dũng của đất và người xứ Quảng, đồng chí đã ghi lại cảm xúc của mình với hai câu thơ: “Qua Trao thì đến Bến Giằng/ Phải chăng Đất Quảng anh hùng là đây!”.