Đời sống

Đau đáu giữ nghề truyền thống xứ Quảng

VĂN TÂY 02/08/2024 12:31

Việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức, khiến nhiều người không khỏi đau đáu về tương lai của các làng nghề.

1.jpg
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Bàng hạnh phúc khi duy trì nghề của cha ông dù thu nhập không cao. Ảnh: VT

Làng nghề dệt chiếu cói Bàn Thạch đã tồn tại hàng trăm năm, gắn với cuộc sống của người dân xã Duy Vinh (Duy Xuyên). Nghề dệt chiếu cói không chỉ đơn thuần là công việc kiếm sống mà còn là niềm tự hào, là di sản văn hóa của cả một cộng đồng.

Chiếu cói Bàn Thạch nổi tiếng với độ bền, màu sắc tươi sáng và họa tiết tinh tế, phản ánh sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ. Tuy nhiên, hiện nay thị trường tiêu thụ bị thu hẹp do sự cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp giá rẻ.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cói tự nhiên cũng ngày càng khan hiếm, ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Bàng (thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) đã gắn bó với nghề dệt chiếu hơn 30 năm nay. Ông cho biết mỗi ngày vợ chồng ông dệt được từ 2 – 3 chiếc chiếu với giá bán ra chỉ 120 nghìn đồng/chiếc, nhưng tiền mua cói, thuốc nhuộm đã tốn gần một nửa. Chính vì thế, nhiều người trẻ hiện nay không còn mặn mà với nghề truyền thống này.

“Đây cũng là nỗi trăn trở của người dân chúng tôi, vì hiện nay chúng tôi duy trì nghề với mong muốn gìn giữ nét văn hóa của thế hệ đi trước. Mỗi chiếc chiếu lấy công làm lời được vài chục nghìn nhưng cũng rất vui, vì mình vừa giữ được nghề, giữ được hồn quê của người dân Bàn Thạch” – ông Bàn bộc bạch.

1(1).jpg
Làng nghề mây tre đan Phú Thịnh giờ đây không còn nhiều hộ sản xuất. Ảnh: VT

Tại huyện Phú Ninh, làng nghề mây tre đan Phú Thịnh nổi tiếng với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, từ các vật dụng gia đình như giỏ, rổ, nón đến các sản phẩm trang trí.

Nghề mây tre đan Phú Thịnh không chỉ cho thấy sự khéo léo, sáng tạo của người dân mà còn thể hiện sự gắn bó với thiên nhiên, tận dụng tài nguyên sẵn có để tạo ra những sản phẩm hữu ích.

Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm mây tre thủ công đòi hỏi nhiều công sức và thời gian, trong khi giá bán lại không cao. Điều này khiến nhiều người trẻ không muốn tiếp tục theo nghề, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động. Ngoài ra, việc bảo vệ và khai thác bền vững nguồn nguyên liệu mây, tre cũng là một vấn đề lớn đối với người dân địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thường (khối phố Thịnh Đức, thị trấn Phú Thịnh) cho biết: “Trước đây, nghề đan mây tre là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Tuy nhiên, dưới sự bùng nổ của các sản phẩm nhựa, giá rẻ và tiện lợi hơn, nhu cầu về sản phẩm mây tre ngày càng giảm khiến nghề mây tre đan Phú Thịnh đứng trước nguy cơ bị lãng quên”.

Ông Huỳnh Ngọc Lâm – Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thịnh cho rằng các hộ trong làng nghề sản xuất riêng lẻ, tự phát, cầm chừng theo một số cá nhân thu mua. Diện tích trồng tre ngày càng bị thu hẹp, có nguy cơ cạn kiệt không đủ đáp ứng cho làng nghề.

Cạnh đó, những sản phẩm làm từ mây tre rất khó để tiếp cận với các lễ hội trưng bày, không có thế mạnh đặc thù. Ngoài ra, nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ bị mai một khi thế hệ trẻ không mặn mà, không có tính kế thừa qua các thế hệ sau...

VĂN TÂY