Hội thi trình diễn cây nêu của đồng bào vùng cao Nam Trà My
(QNO) - Hôm nay 2/8 diễn ra hội thi trình diễn cây nêu trong khuôn khổ Lễ hội sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My lần thứ VI - năm 2024. Hội thi là không gian văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo du khách đến xem, cổ vũ.
Cây nêu gắn liền các dịp Tết máng nước, lễ cúng lúa mới, đâm trâu huê, đám cưới... của đồng bào Ca Dong, Xơ Đăng, Mơ Nông. Để được xem đồng bào dựng nêu cúng thần thật sự không dễ, bởi hầu hết lễ dựng nêu chỉ tổ chức trong mỗi làng nhỏ, không có sự tham gia của người ngoài.
Tại hội thi lần này, đồng bào Mơ Nông ở xã Trà Leng mang đến một cây nêu "Rang" rực rỡ sắc màu và tái hiện lễ đâm trâu huê. Cây nêu sử dụng vật liệu tự nhiên như lồ ô, nứa, cây tung, dây mây... Đoạn sát đế trụ các nghệ nhân bố trí dây mây vòng cung để buộc cổ trâu.
Thân nêu "Rang" trang trí nhiều họa tiết, màu sắc, hoa văn bằng dây lát đan xương cá, vỏ cây tung đập ra sợi tơ màu trắng… tượng trưng cho sự vững mạnh của đại gia đình và xóm làng.
Trên thân nêu còn có phần lộc bình, mang ý nghĩa về giàu sang, sung túc; một con chim én gọi ở giữa thân cây, cánh diều và 3 ché hứng tài lộc. Ngọn nêu chia làm 3 nhánh: nhánh chính giữa cao nhất tượng trưng cho chồng, hai nhánh phụ là vợ và các con.
Họa tiết trên cây nêu phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt, lao động của người Mơ Nông; đồng thời thể hiện ước vọng của người dân về một cuộc sống ấm no, sung túc, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở.
[VIDEO] - Trình diễn cây nêu trong phần tái hiện lễ đâm trâu huê của đồng bào Nam Trà My:
Trong khi đó, đồng bào Xơ Đăng ở các xã Trà Nam, Trà Linh mang đến cây nêu được trang trí họa tiết với gam màu đen, trắng chủ đạo. Các đường nét, hoa văn trên thân cây nêu đầy đủ các hình khối vuông, tròn, chữ nhật...
Người Xơ Đăng trang trí cây nêu thật sặc sỡ với mong muốn thần núi, thần nước thấy được lòng thành của dân làng, ban cho làng một mùa vụ ấm no, cây cối đâm chồi nảy lộc, ban sức khỏe, hạnh phúc cho mỗi người dân trong làng.
Người Ca Dong các xã Trà Tập, Trà Mai, Trà Don... quan niệm cây nêu là chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh, là nơi để dân làng tế lễ tạ ơn trời đất, dẫn lối cho tổ tiên, những người đã khuất được về với cõi vĩnh hằng; đồng thời kết nối con người với con người, nhà này với nhà khác, làng này với làng khác, tạo nên một cộng đồng cùng chung sống đoàn kết, ấm no.
Thông thường, cây nêu của người Ca Dong được làm từ lồ ô, nứa hoặc gỗ cây chò, biểu tượng sự mạnh mẽ, dẻo dai. Cây nêu thường cao khoảng 13-15m, được nối với nhau bằng những sợi dây rừng và trang trí hoa nứa rất khéo léo.
Trên cây nêu, là những họa tiết trang trí rất ấn tượng bằng 5 màu (ngũ sắc), các màu này được giã ra từ vỏ cây rừng, hoặc bã trầu trộn với nhọ nồi, vôi. Mỗi hoa văn là một câu chuyện. Người Ca Dong cho rằng, cây nêu càng sặc sỡ, cao, đẹp và lạ mắt bao nhiêu thì càng chứng tỏ tay nghề khéo léo của nghệ nhân trong làng bấy nhiêu.
Trong không gian lễ hội, 10 xã trên địa bàn huyện Nam Trà My mang đến những cây nêu theo tiêu chuẩn của ban tổ chức. Cây nêu nổi bật giữa nền trời xanh, bên dưới là đám trai gái nhảy múa trong lời cúng bái của già làng, tái hiện nghi thức đâm trâu huê.