Ghé mắt trông ngang
Cơn mưa dông ào xuống, vài đoạn phố trên tuyến Phan Châu Trinh (Tam Kỳ) ngập cục bộ. “Hông can chi mô. Chút tạnh mưa là chảy hết á mà” - giọng Huế nhỏ nhẹ của chị bán hàng rong trú mưa ở hiên của căn nhà đóng cửa. Sau lưng chị, tấm bảng giấy treo xiêu vẹo trên cánh cửa sắt “Nhà cho thuê”.
Chỉ đoạn đường ngắn chưa đầy cây số từ ngã tư Phan Châu Trinh - Trần Cao Vân đến ngã tư Phan Bội Châu – Nguyễn Du, có đến hơn 20 bảng chữ đỏ như vậy. “Bán nhà”, “Nhà cho thuê hoặc bán”,“Cho thuê mặt bằng lâu dài”, “Nhà cho thuê nguyên căn”.
Những tuyến phố sầm uất lâu nay của Tam Kỳ như Huỳnh Thúc Kháng, Hùng Vương, Tôn Đức Thắng… cũng đầy những bảng “quảng cáo buồn” hoặc dán lấp ló hoặc chủ cố ý phóng thật lớn phía mặt tiền.
Tưởng nhanh thôi, mà lâu không tưởng. Đó là lời than của chủ doanh nghiệp nhỏ. Bạn có cửa hàng bán hàng gia dụng ở gần chợ. Dịch COVID-19 tràn qua như cơn bão, bạn tự tin rồi sẽ gượng dậy nhanh thôi. Như xứ này bão lũ thường xuyên có sá gì. Sau bão cây lại chồi lên mạnh ù. “Mạnh ù” là chữ của dân Quảng khi nói về sức sống mãnh liệt không gì cản nổi.
Nhưng rồi hậu quả của COVID không như hình dung của những người như bạn, như tôi. Trầy trật mãi, trụ không nổi bạn đành trả mặt bằng, đại hạ giá thanh lý hàng, còn bao nhiêu gom chất hết chở về quê. “Về bám ruộng với ông bà già. Chắc 2-3 năm nữa thị trường mới trở lại. Lúc đó tui lại ra phố!” - bạn hẹn.
Sáng nay Facebook nhắc chuyện 3 năm trước, hiện lại văn bản ban hành ngày 1/8/2021 về việc tăng cường quản lý người ra, vào khi TP.Đà Nẵng thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Đó là đoạn thời gian người người khốn đốn vì dịch bệnh. Giờ thì người ký văn bản này đang thụ án. Còn các loại chi phí (như chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị; chế độ, chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch; việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh) đến nay vẫn chưa được thanh toán. Những văn bản kiến nghị từ huyện đến tỉnh ra trung ương và ngược lại cứ tiếp tục đi lòng vòng.
Không như Đà Nẵng náo nhiệt và ồn ào đến tận khuya; vốn dĩ, những cửa hàng ở phố tỉnh lẻ này thường đóng cửa sớm. Đận buôn bán ế ẩm hai năm nay, phố đêm càng thưa người bán kẻ mua. Bật lịch trên điện thoại dòm thử. Ngày 4/7 âm lịch là lập thu. Hèn gì cơn mưa dông chiều nay kéo dài.
Lướt thướt trong mưa, ghé mắt trông ngang những bảng hiệu sáng đèn, lại tưởng nghe rõ tiếng thở dài của ai đó, khi cất dỡ đi một bảng hiệu cho thuê nhà…