Văn hóa - Văn nghệ

Có tiếng thoi đưa bên sông Hoài

HỨA XUYÊN HUỲNH 04/08/2024 11:47

Đôi khi, tiếng thoi trở đi trở lại trong một không gian thực cảnh có sức gợi nhắc, là lời thì thầm của ký ức mù xa nhưng cũng rất đỗi thân quen…

img_0014.jpeg
Cô gái ngồi bên khung cửi, hình ảnh khởi đầu màn 1 “Sinh mệnh” trong show thực cảnh bên sông Hoài

Âm thanh từ khung cửi

Tiếng thoi đưa lách cách và hình ảnh cô gái ngồi bên khung cửi đã khởi động “Sinh mệnh” - màn đầu tiên của “Ký ức Hội An”. Show diễn bắt đầu với những âm thanh đó, thứ “âm thanh từ khung cửi ký ức, từ mảnh đất đã bắt đầu vũ điệu cuộc sống từ ngàn năm trước” như lời giới thiệu về show diễn thực cảnh này.

Ngồi ở cồn Hến ở Cẩm Nam phía hạ nguồn Thu Bồn trong một đêm trăng hạ huyền tháng 7, tôi cứ bị tiếng thoi lách cách níu kéo. Cuối con đường ánh sáng được tạo nên bởi 5 vệt sáng kéo dài, có cô gái mặc áo dài đang ngồi dệt. Và tiếng thoi đều đặn vang lên. Tiếng thoi như gợi nhớ về quãng thời gian ngót nửa thế kỷ trước, ở chính dãy phố cổ này, phía bờ bắc.

Ở phố Hội quãng sau năm 1975, một “thị xã dưỡng già” như có người từng hình dung, cư dân vẫn chưa quên cảnh cả khu phố chẳng khác công trường dệt may. Lúc ấy, lãnh đạo địa phương tất tả tìm kiếm ngành nghề và kết nối thị trường để người dân phổ cổ có kế sinh nhai.

Sau giải phóng, các ngôi nhà cổ gần như bỏ trống, kinh doanh buôn bán chưa kịp phục hồi. Cuối cùng, nghề gia công dệt may xuất khẩu sang các nước Đông Âu được lựa chọn. Thế là mỗi nhà đặt vài ba khung dệt, lách cách sớm hôm.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, kể rằng thời ấy ngoài dệt may còn có thêm các nghề gia công khác như thêu ren, mành trúc, sơn mài…

Ông bảo, những nghề gia công ấy đã ít nhiều giúp người phố cổ có hàng thủ công mỹ nghệ để xuất bán, có thu nhập mua lương thực (thông qua tem phiếu). Mãi đến khoảng năm 1992, thị trường thu hẹp dần rồi bế tắc, hàng không xuất bán được, chỉ còn vài ba khung dệt…

Và hôm nay, tiếng thoi trong show thực diễn bên sông Hoài lại bắt nhịp dưới đêm trăng, gợi nhắc về những ngày chưa xa.

Thoáng hiện xứ xưa

Vệt âm thanh ở hạ nguồn Thu Bồn cũng nhắc nhớ về nghề xưa cũ, về những biền bãi ở thượng nguồn, về không gian nghề dệt cổ truyền và cả những cây dâu cổ thụ đang trồng ở Làng lụa Hội An.

Nhiều người đến Làng lụa Hội An, khi nhìn thấy những cây dâu cao lớn, thường có chút phân vân, cảm giác vừa lạ vừa quen. Lạ, nếu so với những nương dâu xanh mướt ven sông Thu Bồn. Quen, bởi loài cây ấy dường như tỏa bóng qua những trang sách cách đây ngót 4 thế kỷ.

Giáo sĩ người Ý C.Borri từng viết trong “Xứ Đàng Trong năm 1621” rằng người ta hái lá từ những cây dâu cao lớn để nuôi tằm, những cây dâu ấy được trồng ở thửa ruộng rộng lớn như cây gai bên Ý và mọc lên rất nhanh chóng.

Chính C.Borri cũng “hơn một lần rất thích thú” khi thấy đàn ông, đàn bà khuân vác đá, đất, vôi và những vật liệu tương tự mà không hề sợ rách hay bẩn áo. Đơn giản vì lụa xứ này quá dư thừa, người Đàng Trong không chỉ đủ dùng riêng mà còn bán cho Nhật Bản và gửi sang nước Lào để rồi đưa sang Tây Tạng.

Cũng vào quãng đầu thế kỷ 17, ở một nơi tập hợp thương khách các nước như Hội An, đã thấy xuất hiện nghề dệt. Trong biên khảo “Phong trào Duy tân”, nhà văn Nguyễn Văn Xuân dẫn tư liệu về y phục người Việt qua các thời đại để nhắc về cảnh nhộn nhịp của phố Hội.

Lúc bấy giờ, vài công nghệ trong xứ bắt đầu phát triển, đáng lưu ý nhất là nghề dệt các hàng quý như thái đoan, sa lăng, cẩm trừu cùng các loại hàng có hoa. Viễn tổ của các phường dệt nổi tiếng thuở đó là người phủ Thăng Hoa, thuộc Quảng Nam dinh…

Lắng đọng câu ca

Tiếng thoi khởi đi từ màn 1 rồi gần như xuyên suốt cả 4 màn trình diễn thực cảnh kế tiếp trong show diễn bên sông Hoài: Đám cưới, Thuyền và biển, Bến bờ, Áo dài. Tiếng thoi chỉ tạm ngưng để nhường chỗ cho những hoạt cảnh sinh động, màu sắc khi xuất hiện đám cưới Huyền Trân công chúa hồi đầu thế kỷ 14, các cảnh sóng nước khơi xa và nỗi mong ngóng của người vợ, những vòng xe đạp qua mô hình chùa Cầu…

Tiếng thoi ấy như gợi nhớ hình bóng Bà chúa Tàm tang Đoàn Quý Phi hồi đầu thế kỷ 17, và sau này in dấu vào lễ hội tháng 3 âm lịch hằng năm ở xứ Quảng. Bát ngát ca dao xứ Quảng cũng nhắc đến con tằm, cây dâu, ươm tơ, dệt lụa.

Những câu ca “đã nói lên sinh hoạt quen thuộc ở trấn Quảng Nam thuở ấy”, như nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc nhận xét trong cuốn “Người Quảng Nam”. Thử dẫn một vài câu được tác giả Lê Minh Quốc sưu tầm:

Một nong tằm là năm nong kén
Một nong kén là chín nén tơ
Bạn phỉnh ta chín đợi mười chờ
Linh đinh quán sấm, dật dờ quán sen…

Sang cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, có nhà nghiên cứu người Pháp ghi nhận Quảng Nam là một nơi thích hợp về dâu tằm, dọc châu thổ sông Vu Gia cho đến gần cửa khẩu ở Faifo (Hội An).

Tiếng thoi như vọng động về thời hoàng kim với hàng ngàn khung cửi ở Bảo An, La Thọ, Thanh Quýt, Bàn Lãnh, Phú Bông, Xuân Đài, Gò Nổi, Đông Yên, Lang Châu, Mã Châu…

Từng có nhà máy ươm tơ, hấp kén của Công ty tơ tằm Delignon đặt tại Giao Thủy, giữa vùng trồng dâu nuôi tằm Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên hồi đầu thế kỷ 20. Rồi chiến tranh, nhiều người dân làng nghề phiêu dạt...

*
* *

Lại nhớ mấy lời nhận xét trong sách “Đại Nam nhất thống chí” về xứ Quảng: “Nam lực nông tang, nữ tu tàm chức” (Đàn ông thì lo việc cày ruộng, đàn bà chăm lo nuôi tằm dệt lụa). Nghề xưa, người xưa tưởng mất hút theo thời gian, giờ dần tìm thấy lại nơi những làng nghề xứ Quảng kể từ ngày du lịch thức giấc, đôi khi, chỉ với hình ảnh khung cửi kèm tiếng thoi bày biện bên sông.

HỨA XUYÊN HUỲNH