"Tượng đài ẩm thực Việt Nam"
Nước Pháp gọi “Phở” là “tượng đài ẩm thực của Việt Nam” và lựa chọn đây là món dành để phục vụ các vận động viên tại Thế vận hội Paris (Olympic Paris) 2024.
Cùng với phở, nem cuốn cũng là món ăn xuất hiện trong thực đơn được công bố trên trang chủ của Olympic Paris 2024.
Nhiều người nói, phở của người Việt ít nhiều có ảnh hưởng từ người Pháp, đó chính là thói quen ăn thịt bò. Thử lần giở lại món ăn được coi như tinh hoa ẩm thực Việt, từ cụ Vũ Bằng: “phở đối với một hạng người, không còn là một món ăn nữa, nhưng là một thứ nghiện, như nghiện thuốc lào, thuốc lá, trà tươi, thuốc phiện. Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có…
Người bán hàng đứng thái bánh, thái thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh Tàu về những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu. Trông mà thèm quá!”.
Bây giờ phở không còn của riêng đất Bắc nữa, ở đâu cũng có những hàng phở Hà Nội, phở Bắc, phở Việt. Phở cũng mang “sứ mệnh” lan tỏa văn hóa Việt, khi có riêng “Ngày của Phở” (12/12). Và phở, cũng như mỳ Quảng, đi mỗi vùng đất lại có những biến tấu để phù hợp với người bản địa.
Chúng tôi từng xì xụp tô phở bát đá giữa lòng Hà Giang se sắt với nước phở sôi sùng sục cùng hạt kỷ tử trôi lăn tăn, được bày biện như một bữa lẩu nhỏ. Chưa kể, phải có chung rượu ngô để thêm đằm vị phở Bắc.
Cách Hà Nội chưa đầy năm chục cây số, đã thấy phở Hà thành có thêm món phở dê - bởi Ninh Bình xứ sở dê núi. Phở dê cũng như món phở bát đá, được dọn ra công phu với đĩa thịt dê phay mỏng, hành phi, rau thơm, chanh, ớt, chưa kể “toping” đi kèm có cả măng muối, tiêu rừng cho át bớt mùi thịt.
Chúng tôi cũng từng xếp hàng chờ cho được tô phở Tiến bờ tre Điện Minh (Điện Bàn) với từng lát thịt bò mỏng tang đợi khách tới ăn mới xắn tay vào xắt. Đến vùng hạ du Thu Bồn này, phở lại phải kèm với đu đủ chua nhai nghe giòn rụm, cây chả vừa hai lóng tay bó chặt trong lá chuối ăn kèm.
Hay dịch chuyển đến Đà Lạt, từ tô phở chỉ có dăm sợi hành hoa đất Bắc lại thêm sú xanh cải thảo - những thức “la ghim” tươi non của vùng cao nguyên.
Mỗi miền đất lại có cách ăn phở khác nhau. Có người nói, sự đa sắc của phở, cũng như sự rộng rãi cởi mở trong thưởng thức của thực khách trăm miền đã chứng thực thêm giá trị nữa của phở - là giá trị gắn kết trong tinh thần tôn trọng sự khác biệt.
Hẳn tô phở ở Olympic Paris, cũng mang tinh thần mở của ẩm thực Việt để vừa lòng người phương xa.