Văn hóa

Người Quảng... "bạo nói"

LƯU ANH RÔ 05/08/2024 09:00

(VHQN) - Hàng trăm năm trước, Quốc Sử quán triều Nguyễn đã nhận xét về cốt cách con người xứ Quảng: “học trò chăm học hành, nông phu chăm đồng ruộng, vui làm việc nghĩa, sốt sắng việc công”; “sĩ phu có khí tiết cứng cỏi, bạo nói”, “hay cãi”…

dai-hoi-du-kich-chien-tranh-quang-da-nam-1972.jpg
Đại hội du kích chiến tranh Quảng Đà năm 1972.Ảnh tư liệu

“Đại Nam nhất thống chí”, “Đồng Khánh dư địa chí” và nhiều bút ký người nước ngoài chép về Quảng Nam đều ghi nhận sự thông minh, chăm chỉ, cần cù của người Quảng.

“Vui làm việc nghĩa, sốt sắng việc công”

Từ lòng yêu nước, người Quảng có tinh thần dấn thân. Nhân sĩ, trí thức và dân chúng người Quảng khi dấn thân vào đại cuộc, vì quốc gia, xã tắc thường sẵn sàng nhận về mình những hiểm nguy, kể cả là tính mạng như: Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài, Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường... Điều này cũng lý giải vì sao xứ Quảng có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng và liệt sĩ nhất cả nước…

Tinh thần vui làm việc nghĩa, sốt sắng việc công thể hiện rõ qua việc Phạm Phú Thứ tâu xin vua Tự Đức cho quan lại gốc Quảng về quê để cùng nhân dân đánh Pháp (1858-1860).

Cũng từ đó, hàng loạt quan lại người Quảng đột ngột “cáo ốm”, “từ quan” để về quê nhằm bí mật tham gia phong trào Cần vương như Trần Văn Dư, Đỗ Đăng Tuyển…

Trong chống ngoại xâm và xây dựng đất nước, hàng chục ngàn thanh niên xứ Quảng tình nguyện lên đường giết giặc, “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tiêu biểu là phong trào “Thanh niên tình nguyện thoát ly - Nguyễn Văn Trỗi”. Chỉ trong năm 1965, có đến 5.100 thanh niên bí mật lên căn cứ. Cạnh đó, người Quảng đã góp 52kg vàng cho phong trào “Tuần lễ vàng” (1946) do Cụ Hồ phát động. Hàng chục ngàn thanh niên tham gia phong trào làm cho “Phú Ninh mình con đập dài thêm” tại công trình “đại thủy nông Phú Ninh”…

sinh-vien-hoc-sinh-da-nang-xuong-duong-nam-1966.jpg
Sinh viên, học sinh Đà Nẵng xuống đường chống Thiệu - Kỳ năm 1966 . Ảnh tư liệu

Sĩ phu có khí tiết cứng cỏi, bạo nói, nóng nảy và hay cãi

Chính tinh thần nghĩa khí, cương cường nên người Quảng Nam thường sẵn lòng lao vào nguy khó để phò vua, giúp nước.

Tinh thần “sốt sắng việc công”, “cứng cỏi”, “bạo nói” cho thấy người Quảng - nhất là tầng lớp trí thức dường “không biết sợ” - đúng ra là dám nói lên suy nghĩ của mình với kẻ trên và người quyền thế.

Tính “hay cãi” là “không dễ chấp nhận sự áp đặt một chiều, luôn tôn trọng thực tế cuộc sống và tôn trọng sự độc lập trong tư tưởng” (Nguyên Ngọc - “Tìm hiểu con người xứ Quảng”). Có lẽ vì tính cách đó nên qua mấy trăm năm thời phong kiến, số lượng người Quảng làm quan "đầu triều" chỉ đếm đủ trên bàn tay!

Tính “hay cãi” của người Quảng, xuất phát rõ nhất từ nhãn quan trị nước của các vua Nguyễn. Họ thiếu niềm tin vào “sĩ dân đất Quảng”, nghi ngờ rằng dân Quảng Nam có đến ngót 25 năm hợp tác với “ngụy triều” Quang Trung và “phải tội” liên đới trong việc để Ðông cung Nguyễn Phúc Dương bị Tây Sơn bắt ở Ô Gia (thuộc huyện Ðại Lộc) và bị Nguyễn Huệ giết ở Vĩnh Long.

Vì vậy, từ vua Gia Long đến Tự Đức, các quan chức gốc Quảng đều “được” cử trấn nhậm ở những nơi rừng thiêng nước độc, lam chướng nghìn trùng để “phòng xa”. Họ muốn sống thì phải “cãi tới cùng” mỗi khi bị vu oan, giá họa!

“Kỳ tích” tính cách Quảng

Người Quảng có ưu điểm là dám nói thẳng, nói thật, dám làm và có óc sáng kiến, canh tân. Vì lẽ đó nên những cống hiến của họ đã đi vào lịch sử dân tộc với nhiều cung bậc khác nhau.

Tính cương cường, công - tư rõ ràng, ghét tính a dua và nịnh hót, thấy điều gì có lợi cho quốc kế, dân sinh là bắt tay vào làm ngay hoặc ủng hộ hết mình. Vì thế, họ thường không chú ý đúng mức đến tính nguyên tắc, dễ mắc lỗi về “vương pháp”, dễ bị đối phương vin vào đó để “đàn hặc” (buộc tội) với triều đình.

Tuy nhiên, trong những tình thế hiểm nghèo, nhất là trước họa ngoại xâm, nếu được sử dụng đúng lúc, người Quảng thường xử lý rất quyết liệt và hiệu quả, điển hình như Ông Ích Khiêm, Huỳnh Thúc Kháng…

Tầng lớp trí thức Quảng, nhất là những người “làm quan, ăn lộc nước” thường có kiến thức sâu rộng, uyên thâm, nhạy bén với thời cuộc. Họ nhanh chóng phát hiện những khiếm khuyết của chính sách, sai lầm của cấp trên và sẵn sàng “cãi” hoặc tìm cách làm khác đi để khỏi thiệt dân, hại nước.

Ông Ích Khiêm dám lên án triều đình việc “Đến khi có giặc lại thuê Tàu”. Thượng thư Phạm Phú Thứ can gián vua Tự Đức đến nỗi bị tước hết chức tước, cho đi làm thủy lợi. Phan Châu Trinh chỉ ra “thất điều” cần phải chém vua Khải Định.

Gần hơn, đồng chí Võ Chí Công biết chớp lấy thời cơ để phát động “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh” để kết thúc chiến tranh trên quê hương. Hồ Nghinh khéo léo “né” chủ trương “bài trừ mê tín dị đoan” để giữ lại Mỹ Sơn và phố cổ Hội An…
Về sau, chính tinh thần “sốt sắng việc công”, dám nghĩ, dám làm đã tạo ra các trung tâm công nghiệp Chu Lai, Tam Kỳ, Điện Ngọc; tạo nên một Đà Nẵng “đáng sống”... Đó thật sự là kỳ tích của “tính cách Quảng”.

Hơn lúc nào hết, có lẽ, thời điểm này, người Quảng cần phát huy truyền thống “nông phu chăm chỉ”, “học trò chăm học”, “sốt sắng việc công”, “vui làm việc nghĩa”, “bạo nói” của mỗi người dân...

LƯU ANH RÔ