Giáo dục - Việc làm

Tấm lòng thầy giáo vùng cao

HIỀN THÚY 08/08/2024 07:26

Hơn 26 năm làm nghề, thầy giáo Nguyễn Quốc Kỳ - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang có 16 năm cắm bản tại các điểm trường thôn. Ngoài mang đến con chữ, thầy Kỳ dành trọn tình thương yêu giúp nhiều học trò khó khăn vượt qua số phận.

950e6fd07517d0498906.jpg
Thầy giáo Nguyễn Quốc Kỳ (bên trái) trao “Học bổng gạo” cho em Pơloong Bơm. Ảnh: H.T

Thầy giáo Nguyễn Quốc Kỳ kể, năm 1997 tình nguyện tham gia giảng dạy tại điểm trường thôn của xã Dang.

Đây là địa bàn khó khăn nhất của Tây Giang, cuộc sống người dân nghèo khó, học sinh đến lớp không đảm bảo sĩ số. Thương học trò nghèo khó, mỗi kỳ nghỉ hè trở lại trường, thầy Kỳ đều mang những gói mì tôm, bánh kẹo làm quà để vận động học sinh đến lớp.

Năm 2014, thầy Kỳ được chuyển về giảng dạy trường xã và được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Tiêng. Tại đây, thầy Kỳ có cơ duyên gặp gỡ nhiều nhà hảo tâm.

Năm 2017, thầy Kỳ biết đến chương trình “Học bổng gạo” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên nhanh chóng tiếp cận và giới thiệu một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để được giúp đỡ.

Thông qua chương trình này, đến nay thầy Kỳ đã kết nối giúp đỡ hơn 60 học sinh, mỗi tháng các em đều đặn nhận 400 nghìn đồng. Tuy số tiền không lớn nhưng đã giúp rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn trang trải học tập.

Như trường hợp của Pơloong Bơm (lớp 11, Trường THPT Tây Giang) thuộc diện học sinh khuyết tật, cha mất sớm, từ nhỏ sống với mẹ dựa vào nương rẫy. Năm học lớp 6, Bơm được thầy Kỳ giới thiệu với chương trình “Học bổng gạo” nên có điều kiện duy trì việc học tập.

Bơm tâm sự: “Em và gia đình rất biết ơn thầy Kỳ và các nhà hảo tâm đã giúp đỡ hỗ trợ học bổng để mua sắm quần áo và đồ dùng học tập. Em sẽ cố gắng học tốt hơn nữa để không phụ lòng những người đã giúp, động viên trong thời gian qua”.

Hay như trường hợp Bríu Thị Mật (lớp 11, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Quảng Nam), do gia đình quá khó khăn nên năm lớp 9 em định bỏ học. Hay tin, thầy Kỳ đã kết nối, giới thiệu em Mật đến với chương trình “Học bổng gạo”.

Sau đó, em được chương trình kịp thời hỗ trợ, giúp ổn định việc học tập đến nay. Pơloong Bơm và Bríu Thị Mật là hai trong nhiều trường hợp được thầy Kỳ kết nối giúp đỡ. Đến nay, nhiều em đã tốt nghiệp THPT, tiếp tục học đại học, cao đẳng.

Bằng tinh thần của người “đi gieo chữ”, thầy Nguyễn Quốc Kỳ đã mang đến niềm hạnh phúc cho nhiều thế hệ học trò miền núi Tây Giang, kết nối giúp các em vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong học tập, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

HIỀN THÚY