Chính quyền - đoàn thể

Quảng Nam tạo chuyển biến trong công tác cán bộ người dân tộc thiểu số

ĐĂNG NGUYÊN 08/08/2024 09:16

Quảng Nam được đánh giá là một trong số các địa phương làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm việc tại các sở, ban ngành và địa phương miền núi của tỉnh...

Các đại biểu tham dự buổi làm việc. Ảnh: A.N
Các đại biểu tham dự buổi làm việc giữa Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội với UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Đó là nhận định được đưa ra tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội với UBND tỉnh Quảng Nam liên quan hoạt động giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2023, với sự tham dự của các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, Quàng Văn Hương; Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Lê Văn Dũng.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng

Theo báo cáo của UBND tỉnh, những năm qua Quảng Nam luôn quan tâm xây dựng cán bộ người DTTS, thông qua các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.

Cụ thể như Nghị quyết số 21 và Kế hoạch số 133 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; các Nghị quyết số 09 và số 11 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ luân chuyển, điều động cán bộ và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS từng bước được nâng lên, đảm bảo tính kế thừa và sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 658 cán bộ công chức, viên chức người DTTS công tác tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh/10.215 biên chế được giao, đạt tỷ lệ 6,4%. Trong số 3.751 cán bộ công chức, viên chức người DTTS toàn tỉnh, có 307 cán bộ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Theo bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ, qua đánh giá, sau thời gian đào tạo và bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ người DTTS có bước trưởng thành về mọi mặt. Tỷ lệ người DTTS tham gia vào hệ thống chính trị ngày càng cao, nhiều cán bộ được tin tưởng giao trọng trách lãnh đạo cao trong các cơ quan, tổ chức và địa phương.

“Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch, tập trung ưu tiên lựa chọn cán bộ người DTTS có triển vọng phát triển tốt để cử đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức pháp luật...

Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng tại địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tham gia để đạt chuẩn theo quy định” - bà Hoa cho biết.

434181399_7149726121805362_2670360702902883247_n.jpg
Quảng Nam kiến nghị, việc chăm lo cán bộ DTTS cần bắt đầu từ các chính sách ưu tiên phát triển giáo dục tại các trường dân tộc nội trú. Ảnh: ĐINH THẾ

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, Quảng Nam luôn quan tâm đến công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ người DTTS, xem đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần làm tốt các mục tiêu đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ DTTS theo tinh thần lãnh đạo của Đảng.

“Quảng Nam có Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh đặt tại Hội An, là nơi tạo nguồn cán bộ rất hiệu quả cho các huyện miền núi. Để tập trung cho đào tạo cán bộ, nhiều năm trước, Quảng Nam xây dựng Đề án 500.

Cùng với Đề án 600 của Trung ương, nhiều cán bộ trong Đề án 500 của tỉnh, sau khi hoàn thành khóa học đã trở về địa phương công tác, đa số đều làm tốt nhiệm vụ chuyên môn” - ông Lê Văn Dũng chia sẻ.

Cải thiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho hay, công tác cán bộ người DTTS ở Quảng Nam cơ bản đáp ứng theo các tiêu chí, nhiệm vụ trong quy định chung về công tác cán bộ hiện nay.

Ngoài chăm lo công tác đào tạo, hỗ trợ chính sách ưu tiên, việc bố trí cán bộ DTTS theo tỷ lệ dân số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh cao hơn so với tiêu chí được quy định tại Quyết định số 402 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới.

img_3464(1).jpg
Thời gian tới, Quảng Nam cần tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ người DTTS có đủ năng lực vào các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, để công tác cán bộ người DTTS được triển khai hiệu quả hơn, đề nghị Quảng Nam tiếp tục quan tâm đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm chức danh quản lý, lãnh đạo cán bộ người DTTS. Đồng thời tạo điều kiện bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, chính trị cho đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đồng bào DTTS một cách đồng đều giữa các thành phần dân tộc...

“Thời gian qua, Quảng Nam là một trong số địa phương rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS. Tuy nhiên, hiện nay đối với cơ sở vẫn còn 25% tỷ lệ đại biểu HĐND chưa có trình độ sơ cấp lý luận chính trị, hơn 42% đại biểu HĐND cấp xã có trình độ cao đẳng và có 62,5% đại biểu cấp xã có trình độ tiểu học. Đây là một trong những vấn đề mà tỉnh cần định hướng, có sự quan tâm trong việc bồi dưỡng cán bộ cơ sở trong thời gian tới.

Riêng đối với cán bộ DTTS giữ vị trí lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban ngành rất ít, mới đạt tỷ lệ 2% (2 người); trưởng, phó phòng các phòng chuyên môn cấp tỉnh chỉ đạt tỷ lệ 0,6% (2 người). Vì thế, thời gian tới cần có các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác cán bộ người DTTS ở cấp tỉnh” - bà Trần Thị Hoa Ry nhấn mạnh.

ĐĂNG NGUYÊN