Khi người Quảng gặp... khó
(VHQN) - Tháng 3 năm nay, trong hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ cảm nhận đầu tiên của ông: “Quảng Nam cái gì cũng có” (ý muốn nói hội đủ các điều kiện để phát triển mạnh - PV). Cũng từ hơn 20 năm trước, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng tiên đoán như vậy. Hai thời điểm, hai nhận định giống nhau, và đặc biệt, những thông điệp truyền cảm hứng ấy lại được phát đi trong bối cảnh xã hội của địa phương có những yếu tố khá tương đồng.
Sự tương đồng giữa hiện tại và ở những năm đầu tái lập tỉnh, chính là khó khăn, thách thức mà người Quảng phải đối mặt. Sau mấy chục năm phát triển với cách thức khá độc đáo, khác biệt như đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, gần đây, dư luận xã hội và trên nhiều diễn đàn, những yếu tố “ngược chiều” trở nên phổ biến.
Làm kiểu… Quảng Nam
Hyosung - một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc, với các khoản đầu tư tính đến nay tại Việt Nam lên đến hơn 4 tỷ USD.
Thông tin báo chí khá dày về Hyosung gần đây làm tôi nhớ đến câu chuyện “kéo” Hyosung về Quảng Nam hồi năm 2017, từ ông Nguyễn Văn Chúng - nguyên Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai (CIZIDCO).
“Đây là con “cá mập”. Mình đang kéo về Quảng Nam. Khó lắm. Không biết bao nhiêu lần qua Hàn Quốc, vào Đồng Nai (nơi Hyosung đang đầu tư) để tìm hiểu, bu bám, thuyết phục họ. Hyosung đặt ra rất nhiều yêu cầu, có những cái vượt quá quyền hạn và khả năng của CIZIDCO, nhưng mình… hứa đại. Lúc đó cứ nghĩ, đưa được ông này về Quảng Nam sẽ tạo ra đột phá”- ông Chúng tâm tình.
Năm 2018, Hyosung chính thức vào Quảng Nam với dự án trị giá khoảng 250 triệu USD. Nhà máy đặt trên diện tích 20ha tại Khu công nghiệp Tam Thăng, với kế hoạch tiến độ xây dựng, hoàn thành trong… 6 tháng!
Ông Chúng buộc phải thực hiện những cam kết của mình. Nhiều cái khó, nhưng khó nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Để có 20ha đất cho nhà đầu tư trong thời gian rất ngắn là chuyện không đơn giản.
Cách làm của CIZIDCO là lập phương án bồi thường song song với vận động người dân nhận tiền, bàn giao đất; cam kết chắc nịch từ ông Chúng: “Bà con vui lòng nhận tiền, sau này Nhà nước phê duyệt giá, thiếu thì công ty bù đủ. Nhà nào có lao động đủ điều kiện, chúng tôi sẽ vận động Hyosung và các doanh nghiệp tại đây nhận vào để có việc làm. Công ty cam kết sẽ làm hết sức, không để bà con chịu thiệt”.
“Mình biết có những chỗ sai về quy trình, nhưng không cách nào khác. Nếu không thì bỏ lỡ cơ hội.” - ông Chúng trần tình.
Sau thời gian thi công thần tốc, nhà máy của Hyosung đã đi vào hoạt động ổn định những năm qua, kể cả giai đoạn COVID-19 hoành hành. Tập đoàn này, sau đó cam kết đầu tư thêm 1,3 tỷ USD nữa vào KCN Tam Thăng mở rộng, nhu cầu thuê đất tổng cộng 100ha.
Gần đây, khi có thông tin các dự án của Hyosung vào TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi hỏi ông Lê Ngọc Thủy - Giám đốc CIZIDCO về cam kết của Hyosung, thì có thông tin, tập đoàn này vẫn giữ nguyên lời hứa.
“Bí bách nhất là chính sách để bồi thường đất 5% và bài toán về xác định giá đất. Họ nóng ruột muốn xây dựng tổ hợp sản xuất và từng bày tỏ ý định lấy Quảng Nam làm “đại bản doanh” tại Việt Nam”- ông Thủy thông tin.
Giải phóng mặt bằng là câu chuyện không bao giờ dễ. Mỗi giai đoạn đều có cái khó riêng. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vũ Ngọc Hoàng kể: “Hồi làm kinh tế mở, để kịp thời có đất cho ông Trần Bá Dương làm nhà máy ô tô, chúng tôi đưa anh Nguyễn Ngọc Quang - một cán bộ trẻ, có năng lực, nhiệt huyết vào làm Bí thư Huyện ủy Núi Thành, với yêu cầu tập trung cao nhất cho giải phóng mặt bằng. Lúc đó rất quyết liệt, khó đến đâu, tỉnh và huyện cùng xắn tay để xử lý.” (ông Nguyễn Ngọc Quang sau này là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - PV).
Nghĩ lớn, hành động quyết liệt
Lịch sử phát triển Quảng Nam có không ít những giai đoạn với các nốt trầm. Vùng đất này dường như có sự “mặc định” của sứ mệnh phải gánh vác và giải quyết thử thách cam go của lịch sử dân tộc. Tính cách và phẩm giá của con người xứ Quảng dường như cũng bộc lộ đầy đủ nhất, rõ nét nhất, sống động nhất trong những hoàn cảnh như thế.
Những năm 1997-1998, ông Võ Quốc Thắng - một doanh nhân trẻ có tên tuổi ở Việt Nam thời điểm đó, là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên có mặt tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc với dự án nhà máy gạch Đồng Tâm – một thương hiệu đình đám trên thị trường vật liệu xây dựng lúc bấy giờ.
Cùng thời gian, một doanh nhân người Quảng ở TP.Hồ Chí Minh, đã bán tất cả gia sản để về quê hương xây dựng một nhà máy nước giải khát tại xã Điện Thắng, Điện Bàn, theo lời mời gọi của lãnh đạo tỉnh.
Khoảng mươi năm sau, tôi gặp lại ông ở vùng quê Đại Lộc, khi ông đang thuê đất để trồng rừng, đào ao thả cá sau khi chuyển nhượng nhà máy vì thua lỗ kéo dài. Giọng của ông vẫn khảng khái: “Không hối tiếc! (về việc bán cả gia sản tại TP.Hồ Chí Minh để về quê - PV). Mình làm ăn thất bát, nhưng đã có rất nhiều doanh nghiệp đến Quảng Nam, cả những doanh nghiệp lớn. Đó là điều rất đáng mừng. Rất quý cái tình của mấy anh chị lãnh đạo tỉnh lúc đó”.
Tôi biết, “cái tình” mà ông nói, không chỉ là sự quan tâm thăm hỏi, động viên thường xuyên đối với doanh nghiệp, mà còn ở sự tâm huyết, trách nhiệm, hành động quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, kể cả rất nhiều cán bộ, công chức các cấp lúc bấy giờ.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử của xứ Quảng, các nhà nghiên cứu đã liệt kê đầy đủ những giai đoạn mà đất và người nơi đây phải đối diện. Bản lĩnh, sự sáng tạo trong tư duy và quyết liệt trong hành động với tinh thần dấn thân, đến mức sẵn sàng chấp nhận mất mát, hy sinh là nét rất nổi trội, đặc trưng trong tính cách Quảng ở những hoàn cảnh đó.
Từ những nhà tư tưởng lớn, chí sĩ yêu nước, lãnh đạo cách mạng, tướng lĩnh đến chiến sĩ, dân quân và lớp lớp con dân xứ Quảng đều thể hiện một cách thuyết phục tinh thần quả cảm và sự sáng tạo đến bất ngờ. Không chỉ “trung dũng kiên cường”, mà người Quảng cũng tiên phong mở đường, để lại những bài học và dấu ấn trong nhiều giai đoạn, hay các lĩnh vực của đời sống.
Quảng Nam phải đặt sự phát triển của mình ở tầm nhìn quốc gia, thậm chí khu vực và quốc tế mới tạo ra sự đột phá phát triển - là gợi ý của PGS-TS. Trần Đình Thiên trong lần về Quảng Nam mới đây.
Hàm ý là phải hành động quyết liệt để “kéo” các bộ ngành, tập đoàn kinh tế lớn cùng vào cuộc và lựa chọn những trọng tâm trong Quy hoạch tỉnh để làm nhanh, làm đến nơi đến chốn. “Quảng Nam hội đủ điều kiện để làm và cũng phải gánh lấy sứ mệnh đó”- ông Thiên nói.
Sáng tạo về đường hướng phát triển ở tầm quốc gia và sự quyết liệt, dấn thân trong hành động là việc Quảng Nam có nhiều kinh nghiệm và đã thành công. Tuy nhiên, với sự “chùng xuống” về kinh tế, những khó khăn, ách tắc cấp thiết cần phải xử lý, đặc biệt là “trạng thái tinh thần” ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, thì những lời thật lòng của chuyên gia Trần Đình Thiên rất đáng suy nghĩ. Làm sao để thấy, ở những thời điểm cam go, thử thách nhất, tính cách Quảng luôn tỏa sáng.