Xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng: Ngành văn hóa xã hội nghiên cứu tham mưu cho tỉnh có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển

XUÂN PHÚ 08/08/2024 14:50

(QNO) - Sáng nay 8/8, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng làm việc với các cơ quan, đơn vị Khối văn hóa xã hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của đơn vị.

1.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đề nghị các ngành nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh cơ chế chính sách phù hợp. Ảnh: X.P

Nhiều kiến nghị

Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết một số cơ chế ban hành nhưng thiếu nguồn lực nên không được đầu tư kịp thời. Thiết chế văn hóa thể thao còn thiếu rất nhiều; quy hoạch Khu liên hợp TD-TT tỉnh mới chưa triển khai, Trung tâm văn hóa tỉnh xuống cấp.

Ngoài ra, mguồn lực con người cấp huyện thiếu và yếu; công tác xã hội hóa để phát huy thiết chế văn hóa thể thao gặp khó khăn do vướng cơ chế.

“Nhu cầu phát triển của ngành hiện nay rất lớn, nhất là cơ chế về phát triển văn hóa miền núi, du lịch. Vì vậy, thời gian tới ngành tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 13 và Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy, trong đó đầu tư tu bổ di tích, đặt tên đường. Đồng thời, sẽ xây dựng cơ chế chính sách tham mưu cho tỉnh quyết định” -ông Hồng nói.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường, quy mô giáo dục Quảng Nam thuộc tốp 15 cả nước, chất lượng đại trà ngang trung bình cả nước, chất lượng mũi nhọn tốp 20. Nhưng khó khăn hiện nay là chất lượng miền núi và đồng bằng chênh lệch khá lớn, thể hiện qua điểm bình quân tốt nghiệp THPT miền núi rất thấp, kéo theo cả tỉnh thấp.

Mạng lưới trường lớp cơ bản đáp ứng, song đầu tư cho giáo dục chưa toàn diện, cơ sở vật chất phòng học đẹp nhưng thiếu nhà đa năng, khu giáo dục thể chất nên trường học không đạt chuẩn. Điều này cần được các nhà chuyên môn quan tâm khi xây dựng, phê duyệt dự án xây dựng trường học.

‘Cả tỉnh hiện nay thiếu hơn 2.000 giáo viên (GV), đề nghị tỉnh có cơ chế thu hút, giữ chân GV công tác miền núi. Chủ tịch UBND huyện miền núi phải chiu trách nhiệm đảm bảo số lượng GV, có nguồn tuyển dụng mới cho GV chuyển công tác” - ông Tường kiến nghị.

2.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng làm việc với các cơ quan, đơn vị Khối văn hóa xã hội. Ảnh: X.P

Ngành y tế cũng gặp nhiều khó khăn về tiến độ đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị y tế, lương, công tác quản lý hệ thống y tế cơ sở và đưa ra nhiều kiến nghị. Giám đốc Sở Y tế Mai Văn Mười nói lương cán bộ y tế vừa qua đã được UBND tỉnh giải quyết một phần với 46 tỷ đồng và rất mong tỉnh tiếp tục quan tâm giải quyết 93 tỷ đồng còn lại trong thời gian tới.

Các ngành LĐ-TB&XH, bảo hiểm xã hội tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam cũng có một số kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh liên quan đến chế độ chính sách, đầu tư…

3.jpg
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: X.P

Tham mưu cơ chế, chính sách phù hợp

Sau khi nghe báo cáo của các ngành, ý kiến tham gia của đại diện Sở Tài chính, Sở KH-ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh qua đánh giá 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh phục hồi, các chính sách người có công, một số lễ hội tổ chức rất tốt. UBND tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, bước đầu tạo ra được nhiều tín hiệu tích cực từ các nhà đầu tư.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành ở lĩnh vực văn hóa - xã hội tập trung vào các việc lớn. Đó là cải cách thủ tục hành chính gọn nhẹ, phù hợp, đảm bảo thông suốt; tập trung chuyển đổi số; bộ máy phải nhanh nhạy, trách nhiệm với công việc.

Các ngành nghiên cứu tham mưu cho tỉnh có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển; tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2024. Đồng thời, phải có quan hệ tốt với các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ các nguồn lực, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng

4.jpg
Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường đề nghị tỉnh tăng cường đầu tư toàn diện cho trường lớp đạt chuẩn. Ảnh: X.P

Liên quan đến kiến nghị, đề xuất của các ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chỉ đạo ngành VH-TT&DL xây dựng đề án về chương trình mục tiêu về văn hóa để có sự đầu tư tương xứng, từ nguồn đầu tư hỗ trợ của Trung ương đến ngân sách địa phương; tham mưu xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao nhằm phục vụ văn hóa du lịch, nghiên cứu tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng.

Cho rằng thời gian qua tỉnh có sự đầu tư lớn cho ngành GD-ĐT nhưng chưa tương xứng, ông Dũng nhấn mạnh cần đầu tư mạnh hơn trong thời gian tới. Trong đó, ngành chú ý đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là miền núi; khắc phục tình trạng thiếu GV, tham mưu cho tỉnh cơ chế thu hút GV miền núi, nghiên cứu cơ chế đào tạo GV người dân tộc thiểu số, thậm chí tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo.

Đối với vướng mắc của ngành y tế, cần tính toán tham mưu trung tâm y tế cấp huyện thuộc huyện quản lý; khẩn trương đầu tư cơ sở vật chất các bệnh viện tuyến tỉnh, hoàn thiện bộ máy Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh; sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Ngành LĐ-TB&XH quan tâm chăm lo tốt đối tượng chính sách người có công, các cơ sở chăm sóc người có công. Ngành thông tin truyền thông cần nghiên cứu đẩy mạnh chuyển đổi số; vận động doanh nghiệp mở rộng vùng sâu, vùng xa, tỉnh có cơ chế hỗ trợ.

XUÂN PHÚ