Xã hội

Trở lại với đất mẹ Quảng Nam

BÍCH LIÊN 09/08/2024 07:58

Những văn nghệ sĩ, cán bộ khoa giáo Khu 5 thời chống Mỹ vừa có dịp quay về chiến trường xưa xứ Quảng, nơi ấy, biết bao đồng đội đã ngã xuống, ký ức về thời hoa lửa vẫn vẹn nguyên...

can cu lom bau binh
Tham quan di tích lịch sử Căn cứ lõm Bàu Bính, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình. Ảnh: BÍCH LIÊN

Có thể là “lần trở về cuối cùng”!

Hành trình trở về với đất mẹ Quảng Nam, thăm chiến trường xưa lần này, với bao người con ưu tú Khu 5 thời chống Mỹ ngày ấy, chan chứa ân tình.

Họ là những nhà báo, nhà văn, nhà biên kịch, nhà quay phim, biên đạo múa, diễn viên múa, cán bộ khoa giáo, họa sĩ… từ Hà Nội và miền Bắc nói chung, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa dấn thân vào chiến trường Quảng Đà, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Họa sĩ Giang Nguyên Thái (82 tuổi, quê Hà Nội) - Trưởng đoàn, tâm sự: “Ban đầu, nghe được vào Quảng Nam anh chị em rất phấn khởi, đăng ký đông lắm, hơn 60 người bởi cảm giác được trở về với “con đường của tuổi trẻ”.

Nhưng rồi đến ngày đi, vì sức khỏe không đảm bảo, chỉ còn gần 30 người đủ sức lên đường”. Có lẽ, nhiều người trong số họ cũng xác định đây là “chuyến trở về cuối cùng” trong đời.

Giữa cái nắng rát của những ngày đầu tháng 8, những cựu chiến binh già lặn lội đến viếng hương Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, viếng hương tại các Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, Bình Dương (Thăng Bình), Tượng đài chiến thắng Thượng Đức… Tuổi già, sức yếu, song ai nấy cũng cố gắng dành chút ân tình bên những đồng chí, đồng đội kề vai sát cánh một thời.

Dưới chân tượng đài liệt sĩ Điện Bàn. Ảnh: BÍCH LIÊN
Tưởng nhớ liệt sĩ, đồng đội cũ. Ảnh: BÍCH LIÊN

Họa sĩ Giang Nguyên Thái chia sẻ, năm 1969, ông học xong trường mỹ thuật ở Hà Nội là vào chiến trường Quảng Đà, Kon Tum, lúc đó đã ngoài 30 tuổi. Suốt 5 năm ở chiến trường, ông đã vẽ 200 ký họa, trong đó có nhiều bức ký họa về chiến trường Quảng Đà.

“Chuyến trở về lần trước của tôi cách đây 10 năm rồi. Tôi với anh em Quảng Nam rất thân tình. Trở về Quảng Nam đối với tôi như trở về quê hương của mình vậy. Năm 1972 - 1973 là những năm tôi vẽ được nhiều nhất.

Tôi từng mang tranh triển lãm ở Hà Nội và Slovakia, nhưng rất tiếc là chưa được triển lãm ở Quảng Nam. Nếu có cơ hội và sức khỏe cho phép, tôi sẽ mang tranh triển lãm tại Quảng Nam” - họa sĩ Giang Nguyên Thái tâm sự.

Ngày đó, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông và nhiều thanh niên ở Hà Nội nói riêng, miền Bắc nói chung đã tình nguyện lên đường đi B.

“Lần trở về này có lẽ cũng là chuyến đi đặc biệt, vì có thể sẽ là lần trở về cuối cùng. Nên được thăm đồng đội, thắp nén nhang tưởng niệm cũng ấm lòng. Xin được cảm ơn những con người Quảng Nam trung dũng, kiên cường, chan chứa yêu thương đã chở che cho chúng tôi ngày ấy”… - họa sĩ Giang Nguyên Thái bồi hồi.

Kỷ niệm khó phai

Đoàn văn nghệ sĩ, cán bộ khoa giáo Khu 5 lần này đã trở về viếng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn, thăm mộ phần đồng đội là những nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ đã anh dũng nằm lại với chiến trường.

Đoàn tham quan các hiện vật chiến tranh ở bảo tàng tại Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: BÍCH LIÊN
Đoàn tham quan các hiện vật chiến tranh ở bảo tàng tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: BÍCH LIÊN

Bên nấm mộ liệt sĩ Võ Thị Phương Thảo, mọi người đều xúc động: “Phương Thảo ơi, hôm nay chúng tôi đã trở về bên cạnh em, người con gái Quảng Nam đẹp người, đẹp nết”.

Nhà điêu khắc Phạm Hồng (quê Hà Đông, Hà Nội, hiện sống tại Đà Nẵng) tâm sự: “Phương Thảo cùng đơn vị với tôi nhưng tôi vào năm 1967, Phương Thảo vào trước - năm 1966. Tôi đang đi chiến trường thì nghe tin Phương Thảo hy sinh. Trong ký ức chúng tôi, Phương Thảo là người con gái đẹp người, đẹp nết, múa giỏi, là hoa khôi của đoàn, được nhiều người yêu quý. Phương Thảo nằm lại với chiến trường ở độ tuổi rất đẹp khiến nhiều đồng đội tiếc nhớ, xót xa”.

Viếng hương mộ phần liệt sĩ - nhà thơ Nguyễn Ngọc Anh, tác giả
Viếng hương mộ phần liệt sĩ - nhà thơ Nguyễn Ngọc Anh, tác giả bài "Bóng cây kơ-nia". Ảnh: BÍCH LIÊN

Dòng người đến thăm mộ liệt sĩ Nguyễn Hồng. Bên đĩa hoa quả đặt trước mộ liệt sĩ Nguyễn Hồng, đồng đội không quên mang theo lon sữa bò như một kỷ niệm nhắc nhớ một thời tuổi trẻ thiếu ăn, thiếu mặc nhưng đậm nghĩa tình.

Nhà văn Nguyễn Bá Thâm kể về kỷ niệm giữa cái đói, cái rét ở chiến trường khốc liệt. Ba người lính, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Hồng vô tình nhặt được lon sữa bò bị rơi bên đường, từng người chia nhau lon sữa mà ấm lòng. Ghé thăm mộ phần nhà thơ Nguyễn Ngọc Anh, tác giả bài “Bóng cây kơ-nia”, những người lính già trào dâng bao niềm thương nhớ.

Nhà văn Nguyễn Bá Thâm chia sẻ: “Chiến trường Quảng Đà bấy giờ, nhất là vùng đất Điện Bàn, có rất nhiều văn nghệ sĩ đã vĩnh viễn nằm lại như: Văn Cận, Nguyễn Trọng Định, Võ Thị Phương Thảo, Ngọc Anh, Nguyễn Hồng… Chúng tôi may mắn còn sống sót trở về, vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến cho quê hương”.

Trong lần gặp mặt văn nghệ sĩ, cán bộ khoa giáo Khu 5 thời chống Mỹ mới đây do Tỉnh ủy tổ chức, đồng chí Nguyễn Đức Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh, năm 1967, có 160 đại diện là các nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, nghệ sĩ múa… đã lên đường vào Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Các nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đã dùng lời ca, tiếng hát, những tác phẩm hội họa phục vụ chiến trường, cổ vũ tinh thần kháng chiến. Đó là nguồn động viên to lớn, đóng góp vào sự thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam xin được tri ân sâu sắc sự cống hiến của thế hệ đi trước vì hòa bình, độc lập dân tộc.

BÍCH LIÊN