Siết quảng cáo thực phẩm chức năng
“Loạn” quảng cáo thực phẩm chức năng với việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng hay thổi phồng các chức năng của sản phẩm... ngày càng tăng trên các kênh thông tin. Yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các nội dung quảng cáo sản phẩm này được đặt ra.
Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là “trá hình” thực phẩm chức năng (TPCN).
Tiền mất, tật mang
Đã có nhiều trường hợp người dân phải nhập viện vì sử dụng TPCN không rõ nguồn gốc. Từ các quảng cáo thuốc gia truyền trị bệnh trĩ, tiểu đường, đau khớp... cho đến các loại thuốc tăng cân, giảm cân, hầu như đều xuất hiện rất nhiều ở các video đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Không chỉ lợi dụng người nổi tiếng, các quảng cáo TPCN còn sử dụng hình ảnh danh nghĩa các cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ. Đặc biệt, báo động tình trạng quảng cáo TPCN sai sự thật trên mạng xã hội như các website, Facebook, Zalo... .
Đại diện Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tại tọa đàm “Đạo đức trong quảng cáo TPCN” cho biết, thực trạng nhức nhối trong ngành TPCN hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân ung thư.
“Hiện tượng sai phạm trong quảng cáo TPCN không chỉ gây ra hậu quả “tiền mất, tật mang” cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của ngành TPCN, làm lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả” - PGS-TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phát biểu.
Kiểm soát từ quảng cáo
Khó kiểm soát nội dung quảng cáo TPCN trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, dù việc quảng cáo thực phẩm đã được quy định tại Luật Quảng cáo năm 2012.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ thương mại điện tử, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh, quảng cáo trên các sàn và nền tảng mạng xã hội gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra nội dung quảng cáo.
Nhìn nhận từ Bộ Y tế, nhiều sản phẩm quảng cáo TPCN hiện chưa có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Trong khi quy định theo Nghị định số 15/2018 của Chính phủ về thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, tất cả sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành...
Mặc dù hiện nay đã có chế tài đầy đủ trong việc xử phạt vi phạm quảng cáo nhưng việc thực thi còn khó khăn. Điều khó cho cơ quan quản lý là nơi phát hành quảng cáo đó thường có máy chủ ở nước ngoài.
Bộ Y tế cho biết, bộ này đã làm việc trực tiếp với Công ty Meta (trước đây là Facebook Inc) để thông báo các quy định pháp luật của Việt Nam về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và yêu cầu phối hợp xử lý các trang Facebook vi phạm.
Tại Quảng Nam, ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, Quảng Nam đã có nhiều văn bản yêu cầu các cấp ngành phối hợp giám sát việc quảng cáo TPCN, giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu TPCN theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu TPCN như thuốc chữa bệnh...
Sở Y tế cũng đề nghị Sở TT-TT cũng như các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm đối với các website, mạng xã hội; các cơ quan phát hành quảng cáo quản lý nội dung trong các chương trình tương tác, quảng bá cho doanh nghiệp để không vi phạm quy định về quảng cáo TPCN.
Không phát hành quảng cáo khi chưa có thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chi cục không tiếp nhận hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo nào. Đơn vị cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra tại 4.665 cơ sở, trong đó có 738 cơ sở vi phạm về các điều kiện quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.