Tác phẩm, tác giả

Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Thị Tường Vi: “Tôi không chủ đích trở thành nhà sản xuất”

LÝ ĐỢI (thực hiện) 09/08/2024 13:00

(VHQN) - Nhìn ở khía cạnh phòng vé, top 10 phim điện ảnh (tính luôn phim ngoại nhập) có doanh thu cao nhất tại Việt Nam đã có đến 6 phim Việt. Trong đó, 2 phim ở vị trí số 1 và số 3 đều có sự tham gia sản xuất của một cô gái xứ Quảng.

tuong-vi-2(1).jpg
Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Thị Tường Vi. ảnh: NVCC

Nguyễn Hữu Thị Tường Vi (quê ở huyện Quế Sơn) - nhà sản xuất cấp cao của CJ HK Entertainment, cũng là nhà sản xuất của 2 phim “Mai” và “Nhà bà Nữ” - hai bộ phim có doanh thu cao nhất tính đến thời điểm này.

Nghề chọn người

• Xin lỗi phải hỏi lại câu kiểu “lý lịch” này: Được biết bạn đã làm vài việc trước khi đến với công việc sản xuất phim. Điều đó đã diễn ra như thế nào?

- Mọi việc bắt đầu từ đam mê viết, đam mê kể chuyện của mình. Cho nên khi tìm việc, tôi luôn tìm những vị trí có liên quan đến việc viết. Khi vào công ty CJ ENM Việt Nam (tiền thân của CJ HK), tôi làm chuyên viên phát triển dự án phim.

Công việc lúc đó là xem phim, đọc sách và đọc kịch bản để tìm ra dự án tiềm năng. Tôi miệt mài làm việc đó trong hai năm mới tìm ra dự án Chàng vợ của em - cũng là dự án đầu tiên tôi phụ trách sản xuất.

vi-va-paul.jpg
Tường Vi và ông xã - nhà sản xuất, đạo diễn Paul Brenner trên thảm đỏ một sự kiện phim. ảnh: NVCC

Không chủ đích trở thành nhà sản xuất, đến khi bộ phim thành công, tôi chính thức chuyển qua vai trò nhà sản xuất.

Nhạy cảm với câu chuyện là điều đầu tiên, nhưng nhạy cảm với thị trường, xây dựng được niềm tin ở nhà đầu tư, vun đắp mối quan hệ với các đạo diễn, diễn viên và người trong nghề là vô cùng quan trọng để đi đường dài trong ngành này.

• Nhìn lại hành trình làm sản xuất của bản thân, đến lúc nào thì bạn chắc chắn rằng mình đã chọn đúng nghề sản xuất?

- Như đã nói ở trên, từ đầu tôi không chọn cũng như không hướng đến công việc của nhà sản xuất phim mà tôi mong muốn làm nhà biên kịch. Tuy nhiên, công việc đem lại cho tôi vai trò sản xuất phim và đến bây giờ thì tôi thấy thích thú với công việc này. Nhà sản xuất là người ở vị trí bao quát nhất, từ đầu đến cuối một bộ phim, và điều này giúp tôi nâng cao tầm nhìn, có được sự thấu đáo về toàn cảnh của ngành phim.

vi-thanh-2(1).jpg
Tường Vi và Trấn Thành trên phim trường “Mai”. ảnh: NVCC

Điều này như là một quá trình nhận thức về bản thân - tức là chưa chắc mình làm tốt ở cái mình thích nhưng một khi mình làm tốt cái gì đó, chắc chắn là mình có năng lực. Chỉ là mình chưa biết rõ về chính bản thân mình thôi. Đến giờ này, tôi thấy vui về sự khám phá này đối với bản thân, còn sau này có phát hiện được thêm tiềm năng hay tài năng nào nữa rồi có chuyển đổi công việc hay không thì chưa biết.

• Nghề này theo cách nhìn từ bên ngoài, là nhiều áp lực, cần sức khỏe, phải làm việc xa nhà khá lâu... Còn nhìn từ bên trong, những khó khăn là gì?

- Khó khăn đầu tiên luôn bắt đầu ở việc tìm đâu ra một câu chuyện hay, một kịch bản tốt. Bởi mọi dự án phim bắt đầu từ kịch bản nhưng tỷ lệ kịch bản hay ở Việt Nam quá ít. Nhiều khi tôi hay nói đùa là đọc mù mắt nhưng chưa thấy câu chuyện nào ổn cả.

Sau đó là đến việc kêu gọi nhà đầu tư. Vì mỗi bộ phim cần một khoảng tiền lớn đến vài chục tỷ đồng nên tìm nguồn đầu tư bền vững là điều không dễ. Rồi đến khâu tìm nhân sự, từ đạo diễn đến diễn viên, đến các bộ phận khác của đoàn, thực sự chúng ta không có nhiều sự lựa chọn.

Tiếp đến là sản xuất sao cho không bị vượt mức kinh phí đã dự tính mà vẫn đảm bảo được chất lượng tốt, kịp tiến độ đã hoạch định. Sau đó là chiến lược marketing - phát hành sao cho mới lạ, hiệu quả. Sau cùng là bán phim cho đối tác nào ở quốc tế để không bị lừa và thu tiền về nhanh nhất, nhiều nhất.

vi-charlie.jpg
Tường Vi và đạo diễn Charlie Nguyễn trong một lần đi chọn cảnh. ảnh: NVCC

Làm việc theo nguyên tắc minh bạch

• Bạn là một phụ nữ xứ Quảng, ít nhiều mang cá tính Quảng trong người, lại rành luật pháp, đây có phải là một ưu thế để bạn cãi có lý, vì sản xuất là nghề rất cần nhiều tình lý để thuyết phục?

- Là ưu hay nhược thì còn tùy góc độ người đón nhận. Ví dụ như khi nhìn thấy điểm chưa hợp lý ở hợp đồng, hoặc cách đối xử ở công ty, ở đoàn phim thì tôi phân tích và thuyết phục những bộ phận liên quan chỉnh sửa, cải tiến. Điều này đôi khi có lợi cho công ty, cho các nhân sự bên dưới của mình nhưng ở góc độ người nhận phản hồi thì chưa chắc họ vui. Vì, đôi khi đòi hỏi của mình khiến họ phải thay đổi, chỉnh sửa. Và tùy vào cách đón nhận vấn đề của họ mà họ trở nên cởi mở hơn trong trao đổi hay e dè vì sợ bị bắt lỗi.

Có điều tôi luôn hành động theo nguyên tắc minh bạch, trung thực, vì lợi ích chung của dự án nên cuộc “cãi” nào cũng nhằm để các bên hiểu nhau và làm việc hiệu quả hơn và tối đa hóa được nguồn lợi cho các bên.

phim-truong.jpg
Tường Vi trên phim trường, quay đêm. ảnh: NVCC

• Vậy có khi nào bạn phải tìm cách hãm bớt tính cãi của quê xứ mình không?

- Khi trưởng thành rồi thì tôi kỹ lưỡng trong các mối quan hệ, từ công việc đến cuộc sống. Tôi biết chọn những người hợp với mình để làm cùng, chơi cùng, thành ra việc “cãi” ít diễn ra. Tôi cũng không có xu hướng “cãi” để thỏa mãn cái tôi, hoặc áp đặt ai đó.
Tuy nhiên, mỗi khi gặp vấn đề với bất cứ đối tác hoặc nhân sự nào, bất kể cấp bậc, thì tôi cũng biết “cãi” như thế nào cho người ta tâm phục khẩu phục, có thể chuyển từ “cãi” bằng ngôn ngữ nói sang ngôn ngữ viết - vốn là thế mạnh của mình.

• Bạn từng viết kịch bản cho phim truyền hình Có lẽ nào ta yêu nhau, Sự thật vô hình, phim điện ảnh Chàng vợ của em… Kinh nghiệm này hẳn giúp ích khá nhiều cho công việc sản xuất phim phải không?

- Đa số dự án điện ảnh tôi làm nhà sản xuất thì tôi đều tham gia quá trình phát triển kịch bản và đôi khi cùng viết với biên kịch. Với góc độ nhà sản xuất, việc có kiến thức lẫn những trải nghiệm thực tế giúp mình thấy rõ được tiến độ, chất lượng cũng như những điểm mạnh - yếu của mỗi câu chuyện lẫn người viết, từ đó mình biết cần thêm hoặc bớt yếu tố nào trong cả quy trình tiếp sau đó.

• Các phim sắp tới mà bạn dự kiến tham gia sản xuất là gì?

- Bên cạnh những dự án với các đạo diễn tên tuổi, tôi có kế hoạch làm việc với những đạo diễn mới, có câu chuyện và góc nhìn tươi trẻ, khác lạ.

• Một câu hỏi hơi riêng tư: Được biết ông xã người Úc của bạn cũng ở trong giới làm phim, đây có phải là kết quả của một bộ phim mà bạn tham gia ê-kíp sản xuất?

- Chính xác là từ một dự án chạy bộ thiện nguyện xuyên Việt, Pole to Pole Vietnam, giữa Úc và Việt Nam, nhằm mục đích cải thiện nguồn nước.

• Bạn có nghĩ đến một ngày nào đó ông xã sẽ quay phim, hoặc đạo diễn một phim do bạn viết kịch bản hoặc sản xuất? Nếu có, thì câu chuyện phim sẽ về điều gì?

- Đây là điều có trong kế hoạch của tụi mình. Vẫn là câu chuyện về con người, gia đình, tình yêu và những điều mới lạ ở Việt Nam thôi, vì thị trường chính của bộ phim đó vẫn là Việt Nam mà.

• Cảm ơn bạn.

LÝ ĐỢI (thực hiện)