Người Quảng Nam

Người Quảng và phim tài liệu

TRƯƠNG VŨ QUỲNH 09/08/2024 14:41

(VHQN) - Tôi là người mê phim tài liệu. Và mối duyên với thể loại này bắt đầu từ những người anh gốc Quảng sắc lẹm.

465428af-584b-4778-911b-02c594d0b4de.jpg
Tác giả (người cầm máy quay) trong một lần tác nghiệp.

Người Quảng sắc lẹm

Khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, cả cơ quan tôi chỉ có mấy đạo diễn phim tài liệu gồm Đoàn Huy Giao, Trí Trung, Hồ Trung Tú… Toàn mấy ông Quảng, ông nào cũng gai góc, ngang phè và sắc lẹm.

Cũng từ các bậc đàn anh này mà ra được nhiều thế hệ sau này. Dĩ nhiên, trước tiên là chủ trương đào tạo nguồn từ các đời giám đốc cũng mê phim tài liệu: chú Phạm Đình Hải, rồi anh Nguyễn Trung Thiện, anh Đặng Xuân Thu sau này…

Cái thời khó khăn, đội ngũ còn thiếu thốn mà Đài TH Đà Nẵng lúc đó đã mời các nghệ sĩ gạo cội như các đạo diễn Bành Châu, Lê Mạnh Thích, Trần Văn Thủy, nhà quay phim Trần Trung Nhàn… về đứng lớp. Các ông dạy rồi đi, mỗi bác Lê Thuấn, Đạo diễn của Đài TH Việt Nam cứ Hà Nội - Đà Nẵng quần ra quần về. Lại là một ông Quảng Nam rặt…

Buổi sáng, tôi lóp ngóp đến Đài, bác Thuấn đã đứng ở cửa: “Tau thèm mỳ Quảng quá mày ơi!”. Là đứa con xứ Quảng ra Bắc, bác ấy ăn mỳ Quảng từ trong ký ức: “Tau thèm mỳ Quảng, thứ mỳ Quảng hay bưng ra ruộng, ngồi bệt ở bờ cỏ, tay xoa sạch đất rồi bốc mỳ và rau bỏ vô bát, chan nước và rắc hành lá, đậu phụng lên trên. Không muỗng, một tay bát một tay đũa, cứ thế mà lùa vào miệng…”.

Ôi, đó là thứ mỳ Quảng ngày mùa mà những người dân quê ngày xưa thường ai cũng nếm trải. Chưa hết, có hôm nổi hứng còn cố đi tìm các mẹ bán mỳ trong Phú Chiêm có nồi nước nhưn nấu bằng tôm đất giã nát, vừa xắn quần vừa hốt rau…

Đó là một người Quảng Nam thứ thiệt, nói và làm, chân chất nhưng quyết liệt, rốt ráo. Chính đạo diễn Lê Thuấn là người cầm tay chỉ việc, nhen ngọn lửa lên và rủ rê cả bọn chụm vào hà hơi, che gió, thổi hiu hiu ngọn lửa từ từ cháy lên thành đốm, thành vùng…

Miệt mài với dòng lịch sử

Trưởng phòng Chuyên đề khi ấy là anh Huỳnh Hùng. Anh vừa từ Điện Bàn ra đã làm thành một “cặp bài trùng” với đạo diễn Trí Trung. Mới bước vô nghề đã “trình chánh” một “Trang đời huyền thoại” về mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, mang về nhiều giải thưởng. Cũng mon men với đạo diễn Trí Trung, chúng tôi làm “Làng Chồ”, “Chị Sáu”, “Chúng em đi học”, “Mẹ rừng”… mang đi các cuộc thi và gặt hái được nhiều khích lệ…

b24eb0eb-7420-4ed8-ab96-ed74444e2252.jpg
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê (trái) cùng hành trình làm phim nhiều dấu ấn.

Anh Huỳnh Hùng làm quản lý như một nghề, xuyên suốt từ ấy đến lúc nghỉ hưu. Nhưng trong anh, con người nghệ sĩ cứ quẫy đạp, chẳng chịu ngồi yên.

Năm nào cũng dành thời gian làm phim, mà phim nào cũng gây ấn tượng tốt. Trách nhiệm công dân của một người nặng lòng với lịch sử, quê hương dẫn anh đi một lối riêng.

Anh trở lại luận bàn cốt cách một trí thức Hồ Nghinh trong “Nho cốt cách, Mác tinh thần”; anh đi tìm những ngang khuất sau cuộc đời Phan Khôi thi sĩ trong “Con mắt còn có đuôi”; anh lắng đọng, chiêm nghiệm về cái chết nghĩa trung của Tổng đốc Hà thành Hoàng Diệu trong “Người giữ thành Hà Nội”…

Không chấp nhận tư duy một chiều, anh nhìn lại các biến cố lịch sử trong sự so sánh, đối chiếu, nỗ lực tìm kiếm những chi tiết điển hình, có khả năng làm lay động lòng người. Và bằng tiếng nói của người làm phim, gửi các thông điệp có ý nghĩa cho hôm nay và mai sau.

Bản sắc riêng

Từ NSND Huỳnh Hùng, với tư cách Chủ tịch Hội Điện ảnh Đà Nẵng, các khóa đào tạo Varan Việt Nam được mở. Một thế hệ sau anh, bắt đầu tiếp cận điện ảnh trực tiếp và cũng là thế hệ người Quảng làm phim tài liệu với một hành trình mới.

Ngoài Dương Mộng Thu với “Chiếc chiếu của bà Bứa” đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc ở Liên hoan phim Nhật Bản, đạo diễn Đoàn Hồng Lê là gương mặt gây chú ý của thế hệ làm phim điện ảnh tài liệu trực tiếp của Việt Nam hiện nay.

Đoàn Hồng Lê là người chịu khó quan sát, ghi chép những chuyển động xảy ra trong xã hội. Chị soi chiếu những xung đột giữa quá khứ và hiện tại, tìm kiếm đằng sau ký ức cá nhân những gì liên quan đến tinh thần của thời đại mà mình đang sống để lưu giữ lịch sử theo cách của mình…

Với những đồng nghiệp ở Đài PTTH Quảng Nam, không có hẳn một đội ngũ tập hợp riêng để làm phim tài liệu, nhưng họ vì mê thể loại này cũng đã có cách đi riêng.

Đâu chừng hơn 10 năm trước, các đạo diễn trẻ như Vinh Quang, Ngọc Kết, Duy Hiển, Phước Trịnh, Xuân Lộc… đã tiếp xúc dần với các thế hệ làm phim tài liệu đàn anh và kiên trì tìm kiếm cơ hội làm nghề.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục trên những dặm đường phiêu lưu sáng tạo của mình đã có đúng một thời điểm chín muồi để tạo ra cú hích quan trọng và tập hợp những bạn trẻ này. Dự án series phim tài liệu “Mẹ Thu Bồn” ra đời, bắt đầu đẩy những con thuyền say nghề ngược nước.
Từng tập phim thực hiện trong sự chắt chiu của cả một nhóm anh em mà tình yêu với phim tài liệu như “gió mới đầu mùa”… Bây giờ, tuy khó khăn về kinh phí, mỗi năm công chúng cũng được xem các phim về đề tài danh nhân, văn hóa đất Quảng mà Đài PTTH Quảng Nam duy trì sản xuất, như một cách giữ nghề…

Chất Quảng trong phim

Nhìn lại chặng đường cùng những gương mặt gắn liền với phim tài liệu của xứ Quảng, có lúc tôi tự đặt câu hỏi: Chất Quảng trong phim và trong tính cách người làm phim là gì? “Quảng Nam hay cãi” - phẩm chất này giúp ích gì cho một người làm phim?

Phim tài liệu là thể loại chú trọng sự thật và sự thật thì thường không đơn giản, một chiều. Lựa chọn phim tài liệu là lựa chọn con đường đi tìm sự thật. Những người làm phim tài liệu không có cách nào khác ngoài nỗ lực đi tìm sự thật đến cùng…

Đậm hay nhạt, bằng cách này hay cách khác, giữa những lựa chọn, họ đã nhận về phía mình sự thô ráp, đôi chút cực đoan, gai góc với khao khát phản biện, tranh luận những vấn đề đặt ra từ cuộc sống… khi tác nghiệp và theo đuổi tác phẩm của mình.

Thật khó quên hình ảnh một Nguyễn Miên vác máy quay chạy trên cát trắng không cần ăn trưa khi nghĩ rằng hình ảnh mình quay có thể giúp người dân vùng bị khai thác cát trái phép đỡ khổ hơn.
Một Đoàn Huy Giao gặp nhau sang sảng chuyện làm nghề mà mỗi câu chuyện ngược xuôi của anh đều có thể lẩy ra thành tác phẩm.
Một Huỳnh Hùng đã tin điều gì thì bám vào để đi theo đến khi gặp được mới thôi.

Một Hồ Trung Tú luôn suy tư đi tìm câu trả lời theo chất rất riêng từ việc giọng Quảng đến từ đâu cho đến việc tại sao người ngoài trái đất không muốn nói chuyện với chúng ta.

Một Đoàn Hồng Lê luôn loay hoay đi tìm cách diễn đạt riêng cho mỗi câu chuyện của mình…

Bây giờ mọi thứ dễ hơn, nhưng câu chuyện của chúng ta đang nhắc nhiều về những năm trước đó, khi mọi người chưa biết đến internet, không biết đến thế giới bên ngoài có những cách làm phim mới mẻ nào, chỉ có tính cách đó đánh vật với công việc hàng ngày. Nhưng cũng nhờ tính cách đó - như ngọn đèn dẫn dắt người ta dò dẫm đi, cũng là nền tảng cho thế hệ làm phim sau này: cá tính và quyết liệt khi được tiếp xúc với kiến thức…

Quảng Nam, đất của sáng tạo, cởi mở. Lịch sử và văn hóa đất Quảng luôn là nguồn đề tài bất tận. Bên cạnh văn chương, hội họa, âm nhạc, điện ảnh - trong đó có phim tài liệu, luôn dựa trên đất ấy mà sinh thành, phát triển.

TRƯƠNG VŨ QUỲNH