Môi trường

"Mật ngữ" từ rùa biển

Ghi chép của LÊ VĂN CHƯƠNG 10/08/2024 08:16

Rùa biển nhiều lần xuất hiện trên các bãi cát dọc dải miền Trung. Câu chuyện “trở về trái đất” của loài sinh vật này, liệu có mang theo những “mật ngữ”?

Một chú rùa con in dấu chân trên cát trước khi xuống nước. Ảnh Văn Chương
Một chú rùa con in dấu chân trên cát trước khi xuống nước. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Ốc đảo rùa

“Những vệt lạ kéo dài trên bờ cát ở Mũi Cồn, bãi cát Hòn Khô và bãi Hà Giang là dấu chân rùa, không phải bọn biệt kích, lính dù”- thông tin này được chia sẻ với những người lính an ninh vũ trang bảo vệ Tỉnh ủy Bình Định hồi trước những năm 1975.

Rùa biển ở xã Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) từng ồ ạt lên bờ tại một địa bàn được con người xếp vào diện “rất nguy hiểm”.

Cựu chiến binh Lê Duy Ứng (SN 1940), từng là cán bộ Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) kể lại, năm 1980, khi đi công tác qua khu vực rất hẻo lánh thì gặp bãi rùa đẻ. Rùa lên bờ rất nhiều để sinh sản. Dấu vết chân rùa mẹ in trên cát gây rất nhiều sự chú ý đối với những người lính thời bấy giờ.

Trước năm 1975, bán đảo Phương Mai trong đó có xã Nhơn Hải nằm trong khu vực căn cứ khu đông của Tỉnh ủy Bình Định, được chính quyền Sài Gòn đánh dấu là “vùng mất an ninh”.

Bà Huỳnh Thị Gái, 83 tuổi, cư dân địa phương cho biết, 50 năm trước, xóm này thưa thớt dân, chỉ còn một ít bám trụ, số còn lại chạy sang Quy Nhơn, hoặc vào khu dồn. Vì dân quá ít nên rùa vô đẻ từng lớp ở ngoài Mũi Cồn, người càng ít thì rùa càng nhiều, có đêm có cả chục con bò lên đẻ trứng.

Sau năm 1975, cư dân xã Nhơn Hải quay trở về quê. Bãi Cồn bắt đầu in dấu chân người. Thời hoang vắng đi qua, ốc đảo rùa bắt đầu rì rầm âm thanh của xuồng chèo, thuyền máy. Rùa vẫn tiếp tục kéo về đẻ, tuy nhiên số lượng giảm dần.

Những năm tháng đói nghèo, người dân chưa có ý thức bảo vệ động vật hoang dã, vì vậy thỉnh thoảng lại có chú rùa mẹ bị làm thịt và được gọi là bò biển; ổ rùa bị đào lấy trứng để làm thức ăn.

Ông Phan Văn Mười (64 tuổi) kể, sau năm 1975 ông nhiều lần chứng kiến rùa đẻ. Ông Mười kể lại: “Mỗi ổ ít nhất là 90 quả, không bao giờ có dưới, nhiều nhất thì cũng không quá 110 quả”.

Trước năm 2008, khi cầu Thị Nại vượt biển dài gần 7km chưa được xây dựng, Nhơn Hải vẫn là một ốc đảo xanh, hoang vu với những ngư dân sống cuộc đời lặng lẽ, không có điện, không có đường.

Cụ bà Huỳnh Thị Gái nhớ lại, có rất nhiều cây bún mọc sà sà ra mặt biển, trẻ nhỏ, người lớn cứ ngồi đánh đu trên cành cây nhìn ghe chở cá được ngư dân chèo từ đây qua cửa Quy Nhơn rồi chở gạo, chở rau quay về.

Ngồi trên cành cây đong đưa, thỉnh thoảng người ta lại nhìn thấy những vết chân rùa. Nhìn vết chân có chiều ngang lên tới gần 1 mét là người ta lại ồ lên vì đó là con rùa nặng cả trăm ký.

Thời đó vì thiếu thông tin và lo cho cái ăn trước mắt luôn dồn dập, vì vậy một số người vẫn nhăm nhe món trứng rùa lùi tro bếp trước khi được luộc chín.

Ngày 18/7 vừa qua, ngư dân xã Tam Tiến, huyện Núi Thành đã thả một con rùa nặng khoảng 200 kg về biển. Ngư dân Võ Quang Tưởng, thuyền trưởng tàu cá QNa 90179 TS cho biết, con rùa này bị mắc lưới ở tọa độ cách bờ biển khoảng 10 hải lý. Trong các nền văn hóa trên thế giới, rùa đều liên quan đến thần thoại, là cột chống trời, đỡ ngọn núi trung tâm vũ trụ...

Phản chiếu số phận nhân loại

Năm 2021, khung cảnh ở Bãi Cồn đột nhiên trở lại như thời trước năm 1975 - trên bãi cát không còn dấu chân người. Bóng người ra vào bãi biển cũng thưa thớt, những chiếc đò ngược, tàu cá cũng thôi phát ra âm thanh, lườn tàu đóng đầy rêu xanh, hàu bám.

Các bảng thông báo ổ trứng rùa
Các bảng thông báo ổ trứng rùa tại Mũi Cồn. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Cả làng chài quay cuồng với đại dịch COVID-19. Trạm Kiểm soát Biên phòng Nhơn Hải nằm ngay trước Mũi Cồn nên việc kiểm soát càng chặt, tàu thuyền dừng đi biển, ai ở đâu thì yên đấy.

Và cũng từ tháng 6 đến tháng 9 năm đó, trên bãi cát Mũi Cồn xuất hiện dấu vết của rùa biển trở về. Những vết chân rùa kéo dài từ mép nước vào sâu trong khu dân cư.

Có vài người già chợt nhớ đến khung cảnh xưa và nhóp nhép nhắc đến “mùi trứng rùa lùi tro bếp” mấy chục năm trước. Suy nghĩ này lập tức nhận được lời cảnh báo của người thân và cả cộng đồng: -Bữa nay mà ăn một quả trứng rùa là đi tù mọt gông.

Cũng năm 2021, nhà sinh thái học người Mỹ là Carl Safina xuất bản cuốn sách ký sự về loài rùa, một sinh vật đã sống sót từ cuối Kỷ Phấn Trắng - chương cuối trong thời đại Khủng Long cách đây 85 triệu năm và tồn tại tới ngày hôm nay.

Cuốn sách được Nhà xuất bản Henry Holt and Co ấn hành đã gây chú ý. Câu chuyện về loài sinh vật tồn tại xuyên qua thảm họa của Trái Đất khiến độc giả liên tưởng tới sự tồn vong của nhân loại trước cơn bão đại dịch. Rùa là biểu tượng tâm linh của người Maya, Akupara hóa thân thành thần Vishnu của người Ấn Độ, thần Kim Quy thời An Dương Vương…

Có 3 bãi biển rùa về ở Quy Nhơn. Mũi Cồn nằm trước xóm chài có lẽ thu hút rùa biển hơn bãi Hà Giang và Hòn Khô - vì cát ở đây được dịch chuyển theo mùa nên tơi xốp, rùa dễ sử dụng 2 vi trước để đào hố đẻ trứng.

Vào mùa gió nam, Mũi Cồn được bồi đắp dài ra tới 300 mét, biến thành một dải đường ngầm cho người dân lội qua Hòn Khô. Tới mùa gió bấc, cồn cát lại giật trở về và đắp sang hướng Tây Bắc.

Vị thần tâm linh

Cuối tháng 7/2024, làng chài Nhơn Hải nhộn nhịp hơn vì khách du lịch mỗi ngày một tăng lên. Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, một “bà đỡ của chị rùa” ngồi cạnh bãi biển và nhìn về ánh đèn đêm vẫn bật sáng khắp làng. Tiếng nhạc karaoke phát ra âm thanh thập thùng, lấn át cả tiếng sóng, tiếng gió biển.

“Chờ ngớt tiếng nhạc thì rùa mẹ sẽ lại lên bờ” - anh Sáng nói và đưa ra nhận định chắc chắn. Tôi nhận ra, anh nhập tâm về sứ mệnh phải bảo vệ rùa.

Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng đang hỗ trợ cho rùa con về biển. Ảnh Văn Chương
Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng đang hỗ trợ cho rùa con về biển. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Nhiệm vụ của anh và Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải là luôn theo sát tình hình rùa trở về. Anh cho biết, từ tháng 6 đến tháng 9/2021, tổng cộng 5 lượt rùa mẹ lên đẻ 476 quả trứng rồi lại về biển. Kết quả có 3/5 ổ trứng nở thành công, tỷ lệ nở đạt 54% với 150 chú rùa con trở về biển.

Sở dĩ số liệu được nắm khá rõ, vì ở đây, cả người dân lẫn chính quyền đều xem rùa như báu vật của làng chài, cần được bảo vệ. Anh Sáng còn được ngành thủy sản giao 1 xâu số hiệu đánh dấu rùa. Anh nhắc đi nhắc lại chuyện đã kịp bấm vào vi một chị rùa số hiệu VN 1078.

Anh nói: “Khi bấm hết xâu số này thì chắc đời tui cũng không còn, bởi rùa mẹ vô đẻ 2-3 đợt thì 30 năm sau nó mới trở về để sinh sản lần tiếp theo; hiện nay có 3 ổ rùa và sẽ nở vào cuối tháng 7, đầu tháng 8”.

Đêm rùa con ngoi lên mặt đất để bò ra mép nước, các ngư dân nhìn ra biển đêm và nhắc “mẹ nó đang vờn ngoài đó để đón con; tỷ lệ rùa con sống sót sẽ cao hơn trước đây vì cá mú, cá nhồng (chuyên ăn rùa con) bây giờ đã bị đánh bắt gần hết”.

Dấu chân của rùa con in trên cát có đường nét giống chữ cổ của dân tộc sống trên dãy Hymalaya - nơi rùa được tôn thờ là vị thần tối cao giúp nhân loại vượt qua ngày tận thế.

Ghi chép của LÊ VĂN CHƯƠNG