Góc suy ngẫm

"Chiến trường ai khóc chia phôi"…

NGUYỄN ĐIỆN NAM 11/08/2024 07:30

Mỗi dịp dự lễ kỷ niệm về chiến công trong lịch sử, tự dưng lòng lại khắc khoải nhớ câu thơ của nhà cách mạng Hồ Thấu “chiến trường ai khóc chia phôi”. Dường như đó cũng là khái quát đầy thấu cảm về sự hy sinh vô bờ của dân tộc, đất nước và quê hương xứ Quảng này.

Trong những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 này, Quảng Nam diễn ra một loạt kỷ niệm từ 50 năm Chiến thắng Nông Sơn – Trung Phước (18/7), 70 năm Chiến thắng Bồ Bồ (19/7), rồi đến 50 năm Chiến thắng Thượng Đức (7/8)…

Những sự kiện lịch sử được nhắc lại với những bài học phải trả bằng xương máu chất chồng để có chiến công, kỳ tích anh hùng Quảng Nam “trung dũng kiên cường”.

Chiến trường ai khóc chia phôi nên đất này đã phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát nhất cả nước, với hơn 65 nghìn liệt sĩ; gần 31 nghìn thương binh, bệnh binh; hơn 6 nghìn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; gần 12 nghìn người hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt tù đày...

Tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Mẹ Nguyễn Thị Thứ vừa qua, lại gợi nhắc bao người nhớ đến con số 15.360 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Tổ chức lễ kỷ niệm tròn năm của các sự kiện lịch sử là việc để thế hệ hôm nay tri ân những bà mẹ, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc. Và rằng, như câu thơ tiếp theo của Hồ Thấu “khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua”, là không để lãng quên bao cống hiến máu xương cho quê hương dù thời gian cứ trôi đi, trôi qua.

Nhưng vì lịch sử là chuyện đã trải qua nên giả sử có “cỗ máy thời gian” để ngược về năm tháng xưa xa, có lẽ sẽ nhiều người ước được “viết lại lịch sử” để sửa các sự kiện không diễn ra như thế.

Chẳng hạn, nếu sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nhiều nước trên thế giới, nhất là các cường quốc, sớm công nhận nền độc lập của Việt Nam và để ta tự chủ kiến thiết giang sơn này, có lẽ đã không xảy ra chuyện binh đao thêm nữa.

Và nếu thực dân Pháp không trở lại quyết chiếm nước ta sẽ không có 9 năm trường kỳ gian khổ kháng chiến, Việt Nam phải làm thêm một Điện Biên Phủ, Quảng Nam làm một trận Bồ Bồ.

Nếu “hòa bình lập lại” thực sự với tổng tuyển cử theo Hiệp định Giơ ne vơ (1954), không có đế quốc Mỹ vào can thiệp và xâm lược, sẽ không có 21 năm chiến tranh khốc liệt để phải trả giá bằng sinh mạng 58 nghìn người Mỹ, cùng hàng triệu người Việt chết chóc thương vong khắp các chiến trường.

Và nếu cơ hội, giải pháp hòa bình năm 1973 mở ra khi người Mỹ rút quân sau Hiệp định Pari được thực thi thì đâu phải có những trận quyết chiến trên các “đỉnh máu” như Thượng Đức.

Rất tiếc là lịch sử không có những chữ “nếu”!

Đời người thích hoa hồng mà phải ôm súng lao vào khói lửa đạn bom để rồi mất mát, hy sinh, là bi kịch chiến tranh mà lịch sử đã tạo ra. Vì vậy bao thế hệ ông cha người Việt luôn mong mỏi dùng biện pháp hòa bình trong đối sách giữ nước, chỉ trừ khi kẻ thù xâm lược quyết cướp nước ta.

Thật tự hào mà cũng thật xót xa khi để làm nên một Chiến thắng Thượng Đức, máu xương của nhân dân cùng hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tham gia trận này đã biến “đỉnh 1062 chìm trong máu”, “máu nhuộm đỏ sông Vu Gia” tan hòa vào dòng sông và thấm vào lòng đất Quảng, như nhà văn Nguyễn Bảo đã viết.

Ký ức tương tự cũng đã từng dằn vặt trong nhà văn Nguyễn Chí Trung, một nhân chứng lịch sử, khi ông cảm khái nỗi niềm tại hội thảo về Chiến thắng Thượng Đức cách đây 10 năm trước, rằng:

“Con đường đột phá dài thăm thẳm
Có ai ngày ấy hôm nay trở về”.

Thật thế, đã nửa thế kỷ trôi qua mà hàng ngàn hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy trên chiến trường xưa, ở khắp các cánh rừng Trường Sơn, đến Phước Sơn, Nông Sơn, Trung Phước, Thượng Đức, Bồ Bồ…

Trong khói hương dịp lễ kỷ niệm vương khắp các đỉnh đồi, di tích lô cốt, giao thông hào, đâu đó lãng đãng bước chân tìm về của những anh linh. Họ đã hòa vào niềm nhớ thương bến bờ Vu Gia, sông Cái, sông Côn, Thu Bồn… nước non còn vọng!

NGUYỄN ĐIỆN NAM