Ba mươi mùa hội diễn " hoa phượng đỏ"
Với mùa thứ 30 diễn ra từ ngày 6 - 9/8, Hội diễn Tiếng hát hoa phượng đỏ TP.Hội An là sân chơi âm nhạc bền bỉ nhất trong các sân chơi dành cho thiếu niên, nhi đồng.
Tâm huyết với phong trào văn nghệ
Còn nhớ, cuối những năm 1970, Đài Phát thanh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng bắt đầu khởi động chương trình hội thi “Tiếng hát Hoa phượng đỏ” dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng trên toàn tỉnh. Chương trình này được phát đi trên sóng phát thanh của đài. Ban đầu, ngoài TP.Đà Nẵng ít có địa phương tham gia dự thi chương trình này.
Mãi đến năm 1984, Đài Truyền thanh, Nhà Văn hóa và Phòng Giáo dục Hội An mới phối hợp tổ chức cho các cháu tập trung phát triển kỹ năng ca hát.
Những người có kỹ năng âm nhạc đều nhiệt tình tham gia hỗ trợ, như nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, Trần Dũng, Nguyễn Hoàng, Phạm Quang Trung, nhà thơ Phùng Tấn Đông, piano La Vĩnh Hoàng, các giọng ca Huỳnh Ngọc Châu, Mỹ Phương, Trầm Bồi Tú…
Ông Võ Phùng - nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TT TP.Hội An, nhớ lại: “Thời đó còn khó khăn, nhưng quan điểm của thị xã là phải ưu tiên tạo được sân chơi dành riêng cho trẻ em để nuôi dưỡng và kế thừa truyền thống âm nhạc. Đặc biệt, chị Đặng Thị Kim Năm - Trưởng Đài Truyền thanh Hội An lúc đó rất tâm huyết, nhiệt tình hỗ trợ”.
Đến năm 1991, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Liên hoan Nhà Thiếu nhi toàn quốc lần thứ I, tại Hà Nội có tên là “Búp Sen Hồng”. Lúc này, phong trào và nhân lực Hội An đã đủ mạnh để được tỉnh chọn tham gia.
Kết quả, đoàn Hội An đoạt được giải khuyến khích; riêng ca khúc “Con yêu mẹ” do nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ sáng tác, được bé Đông Vân trình bày đã đoạt được giải B toàn quốc.
Cô bé Đông Vân ngày ấy, bây giờ tuổi đã tứ tuần nhớ lại: “Cả ba chị em Xuân Vân, Thu Vân, Đông Vân nhà mình đều lần lượt tham gia các mùa hội diễn “Hoa phượng đỏ” và các chương trình văn nghệ dành cho thiếu niên tại Hội An với sự dẫn dắt của các cô chú.
Nhớ nhất vẫn là lần mình đoạt giải B toàn quốc cho hạng mục đơn ca, sau khi nhận giải còn vinh dự được gặp bác Cao Hồng Lãnh và bác Võ Chí Công”.
Từ kết quả đạt được, ông Võ Phùng và đồng nghiệp quyết tâm tạo ra một sân chơi âm nhạc thường niên cho trẻ em tại Hội An. Phải đến 4 năm sau, Hội diễn Tiếng hát hoa phượng đỏ mới được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1995.
Tham dự chương trình lần đó đã gợi lên cho ông Lê Hoàng Linh lúc đó là Phó Giám đốc Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng, ý tưởng tổ chức chương trình hội diễn “Tiếng hát Hoa phượng đỏ” trong phạm vi toàn tỉnh. Chương trình này được tổ chức thường niên trong tỉnh và kéo dài đến năm 1997. Tuy nhiên, tại Hội An chương trình vẫn được nuôi dưỡng mãi cho đến bây giờ.
Miệt mài duy trì sân chơi bổ ích
Năm nay, Hội diễn Tiếng hát hoa phượng đỏ TP.Hội An bước vào mùa thứ 30, diễn ra từ ngày 6 - 9/8, thuộc khuôn khổ chương trình “Hoạt động hè” của Ban chỉ đạo hoạt động hè TP.Hội An.
Hội diễn gồm 53 tiết mục văn nghệ của 13 đội từ các xã, phường trong thành phố đăng ký tham gia. Trong hội diễn, Ban tổ chức yêu cầu mỗi đội tham gia phải bảo đảm đăng ký đủ 4 nhóm, thể loại gồm: đơn ca, độc tấu (tấu hài, tấu nói…); biểu diễn nhạc cụ dân tộc hoặc hiện đại; song ca, tam ca, hợp ca, tốp ca, hát múa, đồng dao, hoạt cảnh, múa (tập thể); hát dân ca, bài chòi.
Ông Phạm Văn An - Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An, cho biết, nhằm khuyến khích, bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca truyền thống, các đội phải đăng ký ít nhất một tiết mục dân ca Việt Nam, có thể là dân ca truyền thống hoặc cải biên. Khuyến khích các sáng tác ca khúc mới, đặc biệt các sáng tác lời mới dân ca, bài chòi phù hợp với độ tuổi.
Thời gian qua, nhiều xã phường trong toàn thành phố đã tổ chức hội diễn cấp cơ sở để chuẩn bị và lựa chọn các tiết mục tốt nhất tham gia hội diễn lần này như: Cẩm Hà, Sơn Phong, Cửa Đại, Tân An, Cẩm Châu, Cẩm Thanh...
“Từ lúc ra mắt lần đầu tiên đến nay, hàng năm vào dịp hè chúng tôi vẫn luôn kết hợp với ban chỉ đạo hè của các xã, phường trong toàn thành phố tổ chức Hội diễn Tiếng hát hoa phượng đỏ tại cấp cơ sở, tạo điều kiện cho các đội có thể công diễn tại các địa phương.
Qua đó, chúng tôi có cơ sở xây dựng đội hình để tham gia cấp thành phố, lựa chọn các tiết mục xuất sắc, đầu tư thêm để tham gia dự thi Liên hoan “Giai điệu Tuổi thần tiên” tỉnh Quảng Nam được tổ chức thường niên.
Ngoài mong muốn tạo được nhiều sân chơi khác nhau cho các em thiếu niên trong dịp hè, chúng tôi còn nhân đây phát hiện, đào tạo thêm những giọng ca, tay múa bổ sung vào phong trào văn nghệ Hội An trong tương lai” - ông An cho hay.