“Dọc đường chinh chiến” của “đội quân nhà Phật”…
“Dọc đường chinh chiến” (NXB Đà Nẵng - 2024) là những trang ghi chép, những bài thơ, bản nhạc, bức ký họa viết vội, vẽ vội lúc dừng bước hành quân của Trầm Lợi Mến - một người lính tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia những năm 1976.
Đọc “Dọc đường chinh chiến”, tôi nhận thấy Trầm Lợi Mến viết cho mình, nhưng lại nói được bao điều về đồng đội, về người lính tình nguyện Việt Nam sống và chiến đấu ở chiến trường K. Chính vì thế, tính chân thực của “Dọc đường chinh chiến” đạt đến độ “nghĩ sao viết vậy, ngắn gọn súc tích, không rườm rà dàn trải”.
Gian khổ đời lính
Canh giữ một điểm chốt ở Svay Riêng, bữa ăn trong ngày của lính khá tươm tất: “Một ca mì xào. Một ổ bánh mì. Một cơm vắt tròn có nhân cá cơm khô”. Nhưng sống cùng với lính ở điểm chốt là… chuột!
“Chuột nơi này như đã thành tinh, to như heo con, đêm ngồi im lơ mơ là bị chúng rút ổ bánh mì chạy mất”. “Đêm chúng lôi xác chết lính Pốt ngoài đồng lên bờ giao thông hào tranh nhau thưởng thức, lính ngộp thở ngồi im chờ sáng, khi lũ chuột no nê đi ngủ, bữa tiệc bày ra một đống ngổn ngang xương thịt, nhiều ngón tay chân trắng hếu bầy nhầy” (Chốt).
Đọc “Dọc đường chinh chiến” của Trầm Lợi Mến khiến tôi lại nhớ những cánh rừng thưa khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh Krachê - Stung Treng - Kampông Thom. Đầu những năm 80, đơn vị tôi đóng quân ở đấy, hành quân truy quét chỉ gặp những toán lính Pốt nhỏ lẻ.
Tôi đâu hay biết rằng, khu vực ấy kéo dài tới Svay Riêng, trước đó, đơn vị anh từ biên giới Tây Ninh đánh sang, vấp phải sự kháng cự quyết liệt của Sư đoàn 203 lính Pốt: “… cả đại đội bị địch chặn giữa vòng vây. Cuộc chạm trán trước Sở chỉ huy Sư đoàn 203 Quân khu Miền Đông địch. Trận đánh không cân sức. Thật tàn khốc! Máy bay thả bom vào cứ điểm dọc bờ sông, quân địch vẫn ghim toàn đại đội giữa đồng trong vòng vây khép chặt, sau lưng là bức tường pháo địch chặn đường, ngăn ta rút lui và ngăn đường tiểu đoàn chi viện (…). Vòng vây địch siết dần, lớp lớp áo đen tràn lên trong tiếng gào man dại” (Trăng giáng sinh).
Có bao nhiêu trận đánh mà Trầm Lợi Mến đã trải qua “Dọc đường chinh chiến”? Tôi không rõ. Và chắc anh cũng không rõ. Bởi chỉ có những trận đánh sau đó được nghỉ ngơi, anh mới có thời gian ghi chép.
Chiến tranh. Khi đánh nhau, cả hai bên đều mất mát thiệt hại. Như trận đánh bên sông Sam Prông, đơn vị anh “chạm trán” với đơn vị nữ chiến binh khét tiếng của lính Pốt ở Quân khu Miền Đông.
Những người lính tình nguyện Việt Nam đã có một nghĩa cử cao đẹp. Khi còn sống, cô gái kia là kẻ thù của họ. Lúc chết rồi, cô gái kia xét cho cùng, cũng chỉ là nạn nhân của chế độ Kh’mer Đỏ mà thôi! Trầm Lợi Mến băn khoăn tự hỏi: “Không hiểu sao giữa những thây người, chỉ có riêng em lại tạo nỗi niềm cho lính?”.
…và những bài thơ viết vội
Những bài thơ viết vội xen kẽ trong tập “Dọc đường chinh chiến” khiến tôi lại nhớ một thời mặc áo xanh màu cỏ úa ở vùng đông bắc Campuchia. Thơ Trầm Lợi Mến vừa lạc quan yêu đời, vừa chất chứa bao tâm trạng nỗi niềm của lính.
Quang cảnh khu vực biên giới Tây Nam hiện lên trong thơ anh với câu hỏi nhói lòng: “Nắng mênh mông chiều vàng hong cỏ úa/ Hàng cây khô trụi lá đứng ven đường/ Con đường vắng xuyên qua vùng khói đạn/ Xe cứu thương chạy lạng lách cuồng ngông/ Những chiếc băng ca đưa vội qua sông/ Xe lại phóng trong mịt mù bụi đỏ/ Mắt lính mới nhìn âu lo tâm trạng/ Biết ngày mai ai về lại bến đò?” (Chiều biên giới). Khó mà đoán biết được! Bởi phận người trong bom đạn hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi hên xui.
Cũng ở biên giới Tây Nam, nơi chốt tiền tiêu, người lính cầm súng gác trong đêm: “Bầy muỗi đói vờn quanh tai ru mãi/ Điệu ru buồn nghe tê tái mênh mông/ Đưa tay vuốt máu nhầy tanh da mặt/ Mắt trừng căng nghe chuột nhảy trên đồng” (Chốt tiền tiêu). Tâm trạng người lính làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc được Trầm Lợi Mến phản ánh khá chân thực. Họ nhớ quê, nhớ mẹ cha, gia đình và những người thân yêu. Dẫu vậy, họ vẫn sống lạc quan yêu đời: “Đêm mất ngủ gầy sâu đôi mắt đỏ/ Có gì đâu sau những góc chiến hào”.
Tôi rất thích những bài thơ chân mộc của Trầm Lợi Mến trong tập “Dọc đường chinh chiến”. Nó gợi cho tôi nhớ lại một thời trai trẻ làm lính tình nguyện mặc áo xanh màu của lá. Nó không chỉ phản ánh những trận đánh tàn khốc, mà còn bộc lộ tâm trạng người lính viễn chinh thiếu đủ thứ, trừ nụ cười trên môi.
Gấp tập “Dọc đường chinh chiến” của Trầm Lợi Mến, tôi nhẩm lại 47 bài viết và 40 bài thơ, bồi hồi nhớ lại một thời trận mạc ở vùng đông bắc Campuchia. Cảm ơn anh Trầm Lợi Mến đã viết tập “Dọc đường chinh chiến” một cách chân thực đến trần trụi khiến người đọc rưng rưng xúc động về một thời “đội quân nhà Phật”...