Du lịch

Hội nhập "du lịch y tế"

LÊ QUÂN 11/08/2024 10:00

Xu hướng phát triển du lịch kết hợp khám chữa bệnh đang được nhiều địa phương bắt tay thực hiện. Quảng Nam không ngoại lệ khi đang từng bước vận hành mô hình này, bắt đầu từ tiêu chuẩn chăm sóc cho người nước ngoài.

Vĩnh đức
Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức đang bắt tay thực hiện nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe kết hợp du lịch. Ảnh: L.Q

Khi bệnh viện làm du lịch

Trong chuyến du lịch của mình, bà Brenda Eleanor Ingram (người Úc) không may gặp tai nạn bất ngờ. Bà được đưa vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Vĩnh Đức, được các bác sĩ chẩn đoán gãy xương đùi phải phức tạp cũng như mắc nhiều bệnh lý kèm theo về phổi, tim mạch, rối loạn chuyển hóa. Sau đó, du khách này được thực hiện phẫu thuật ngay tại bệnh viện.

Bà Brenda Eleanor Ingram cho rằng, đây có lẽ là một trải nghiệm khó quên tại đất nước Việt Nam. Và đây cũng là một trong số rất nhiều bệnh nhân người nước ngoài được BVĐK Vĩnh Đức điều trị, chăm sóc.

Mới đây, BVĐK Vĩnh Đức được Sở Y tế cấp phép công nhận là đơn vị đủ điều kiện khám sức khỏe cho người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Để tiến đến sự công nhận này, năm 2020, BVĐK Vĩnh Đức đã thành lập Đơn vị điều trị quốc tế với mục tiêu chăm sóc sức khỏe theo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với du khách cũng như các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

Từ câu chuyện tiếp nhận điều trị và chăm sóc khách quốc tế, đơn vị này đã tiếp cận dần xu thế kết hợp phát triển giữa lĩnh vực y tế và du lịch.

Không chỉ tạo thành cái tên quen trong cộng đồng người nước ngoài ở khu vực miền Trung, BVĐK Vĩnh Đức liên tục được lựa chọn là đơn vị chăm sóc y tế cho các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế tổ chức tại Quảng Nam. Đây chính là cơ hội để thương hiệu bệnh viện thêm lần nữa được định danh với người nước ngoài.

Ông Trần Công Ân - Giám đốc BVĐK Vĩnh Đức cho biết, để trở thành địa chỉ tin cậy của người nước ngoài, ngoài việc đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu của quốc tế, bệnh viện đã kết nối, tiếp cận du khách nước ngoài qua các kênh khác nhau và từ chính những phản hồi của bệnh nhân quốc tế đã làm nhịp cầu để đơn vị được đón thêm các du khách đến Việt Nam du lịch, làm việc.

“Chúng tôi đã mạnh dạn đi trước đón đầu, chủ động xây dựng các quy trình khám chữa bệnh dành riêng cho khách nước ngoài. Cạnh đó, chúng tôi cũng đưa ra các gói dịch vụ riêng biệt với giá cụ thể để tạo thuận lợi cho các du khách nước ngoài và cho các đơn vị lữ hành” - ông Trần Công Ân nói.

Đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, những năm gần đây, sản phẩm du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe bắt đầu được quan tâm đầu tư, khai thác tại Quảng Nam và tạo điểm nhấn với khách du lịch. Từ các hoạt động ở vườn sâm Tăk Ngo và một số vườn sâm tại Nam Trà My cho đến các hoạt động phục hồi sức khỏe, ngâm chân thảo dược, vật lý trị liệu, thiền, yoga.. tại Hội An và các cơ sở lưu trú ven biển...

Khai phá tiềm năng

Việt Nam được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng du lịch y tế vẫn ở dạng tiềm năng. Các công ty lữ hành chưa mạnh dạn tổ chức tour du lịch điều trị y tế cho khách hàng trong nước cũng như quốc tế về Việt Nam mà chủ yếu làm ngược lại là đưa người Việt ra nước ngoài trị bệnh với chi phí cao.

z5704327783882_8474bf9a76285e07baa33e833c472345.jpg
Phát triển du lịch kết hợp thế mạnh về y dược cổ truyền đang được Quảng Nam xúc tiến.

Tuy nhiên, từ sau dịch COVID-19, nhiều mô hình du lịch y tế đã được phát triển chuyên nghiệp tại nhiều địa phương. Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng 30 combo chương trình tour kết hợp du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe phù hợp với thị trường khách nội địa và quốc tế. TP.Hồ Chí Minh cũng tổ chức quảng bá về sản phẩm du lịch y tế với “Cẩm nang du lịch y tế” bằng 6 thứ tiếng tặng cho du khách.

Tại Quảng Nam, các chuyên gia nhận định tiềm năng để đột phá phát triển du lịch y tế rất lớn. Từ tài nguyên thiên nhiên cho đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên, cơ sở hạ tầng y tế, nhân lực, tuy nhiên “du lịch sức khỏe” vẫn chưa phát huy được.

Để tiệm cận với xu hướng phát triển “du lịch chữa lành” này, hồi tháng 5, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về triển khai Đề án phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền (YDCT) phục vụ khách du lịch đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển loại hình dịch vụ, sản phẩm YDCT phục vụ khách du lịch sẽ được hoàn thiện nhằm đưa YDCT trở thành một dòng sản phẩm du lịch chủ đạo. Từ du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch thẩm mỹ, du lịch dược liệu, du lịch khám phá đến du lịch học thuật đều dựa trên thế mạnh của YDCT.

Sự kết hợp từ ngành y tế Quảng Nam với việc xác định phát triển du lịch y tế là một trong những giải pháp nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, hiện đại hóa quy trình khám chữa bệnh trên địa bàn.

Đại diện Sở Y tế cho rằng, để du lịch y tế phát triển, ngành du lịch ngoài việc xây dựng chiến lược quảng bá cần tăng cường kết nối khách du lịch, khách sạn, các cơ sở nghỉ dưỡng với cơ sở có triển khai dịch vụ du lịch y tế đảm bảo cung ứng dịch vụ kết hợp chăm sóc sức khỏe và du lịch.

Về lâu dài, một tổng đài du lịch y tế để tiếp nhận cuộc gọi, điều phối, đáp ứng nhu cầu khách du lịch về khám sức khỏe, khám chữa bệnh... cũng nên được nghĩ tới.

LÊ QUÂN