Giáo dục - Việc làm

Ngữ liệu đề văn không còn giới hạn từ sách giáo khoa

PHÚC QUÂN 11/08/2024 11:22

Quy định mới của Bộ GD&ĐT về việc tránh sử dụng các văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu trong các đề kiểm tra định kỳ môn ngữ văn đang gây ra nhiều lo lắng trong cộng đồng giáo dục.

Xây dựng trường chuẩn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: X.P
Cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phương pháp giáo dục trước khi thay đổi về cách ra đề. Ảnh: XUÂN PHÚ

Gần đây dư luận bức xúc vì hàng loạt đề thi văn dẫn ngữ liệu không phù hợp như: đề thi trích sai ngữ liệu “lúa gạo vàng trắng”; đề thi văn dẫn ngữ liệu “đại tiện” làm người ra đề bị kiểm điểm; đề thi dẫn ngữ liệu so sánh công việc của nhà văn với nghề “đóng gạch”…

Việc quy định ngữ liệu ngoài sách giáo khoa được cho là có thể giúp tăng tính khách quan và đa dạng cho đề thi, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi năng lực và hiểu biết sâu rộng từ người ra đề.

Một xu hướng ra đề khác đang nổi lên trong thời gian gần đây là sử dụng các chủ đề “hot” hoặc “bắt trend” làm ngữ liệu. Người ra đề cố đưa vào các hiện tượng mới nổi, lời bài hát, trào lưu... Bên cạnh tranh cãi lớn nhất về tính phù hợp trong việc đánh giá năng lực người học, thì dạng đề này đang gây ra sự thiếu công bằng trong giáo dục.

Không phải học sinh nào cũng quan tâm đến những xu hướng mới nhất, hoặc có đủ khả năng tiếp cận thông tin từ smartphone và internet. Hơn nữa, người ra đề chỉ có chuyên môn về văn học nhưng nhiều khi không thực sự nắm bắt được các vấn đề thời sự, đặc biệt là về công nghệ.

Không như các tác phẩm kinh điển được nghiên cứu và giảng dạy thống nhất, các “trend” này tùy theo nhân sinh quan và độ tuổi lại có cách tiếp nhận khác nhau. Cùng một vấn đề chưa chắc học sinh đã chung suy nghĩ với người ra đề.

Việc thay đổi cách ra đề là cần thiết để khắc phục tình trạng “học tủ”, tuy nhiên cần phải bắt đầu từ gốc rễ, không chỉ dừng lại ở đề thi.

Sự chênh lệch lớn về trình độ giáo viên cũng là đặc điểm quan trọng của nền giáo dục Việt Nam. Với quy định mới, các thầy cô dạy văn lớp 9 và lớp 12 sẽ gặp “khó” bởi họ đã quen với việc dạy và ra đề thi theo chương trình 2006. Điều này dễ dẫn đến bối rối cho giáo viên và có thể sinh ra các cách làm đối phó để bảo đảm thành tích hay để học sinh không bị điểm liệt.

Môn Ngữ văn đóng vai trò không thể thay thế trong nền giáo dục hiện đại. Nó không chỉ giúp học sinh phát triển khả năng ngôn ngữ, kỹ năng viết và đọc hiểu, mà còn mở rộng tầm nhìn và hiểu biết về văn hóa, lịch sử, và xã hội.

Văn học khuyến khích tư duy phản biện, khả năng phân tích và sự sáng tạo, đồng thời nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ của thế hệ trẻ. Nó cũng là cầu nối để học sinh hiểu và trân trọng ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, và từ đó phát triển lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm xã hội.

Quy định mới của Bộ GD&ĐT về việc không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa trong các đề thi định kỳ là một bước đi đúng hướng nhằm cải thiện chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để quy định này thực sự hiệu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng thời phải xem xét và giải quyết các vấn đề liên quan đến cách ra đề, sự công bằng trong giáo dục và năng lực của giáo viên.

PHÚC QUÂN