Nhìn sâu vào "điều khó chịu" của người Quảng...
Có ý thức phản kháng cao, chịu khó, cần cù làm việc, có ý tưởng và biết tùy cơ ứng biến… Nhưng, ở phía ngược lại, người Quảng cũng đồng thời gặp những khó chịu từ phía người xứ khác...
Ăn nói bộc trực quá mức đến cực đoan, hay lý sự, tranh cãi, ít tham vọng, tính cạnh tranh không cao, có ý tưởng nhưng lại dễ bỏ dở, thường không theo đuổi được những công việc dài hơi… Đó cũng là tính cách Quảng được lý giải rằng có nguyên nhân từ trong lịch sử.
“Quân tử hổ thẹn việc bôn cạnh”
Sách “Đại Nam nhất thống chí” khi viết về con người Quảng Nam, đã nhấn mạnh: “Tiểu nhân khí khái mà hay kiện tụng”, còn “quân tử thì giữ phận mà hổ thẹn việc bôn cạnh”.
“Bôn cạnh” ở đây được hiểu là tranh giành, chạy chọt. Rõ ràng, đây là một lời khen, theo quan niệm đạo đức Nho giáo. Nhưng nếu xét trên nhiều mặt thực tiễn của cuộc sống (nhất là cuộc sống hiện đại), chính sự “khí khái” và cái bệnh “hay cãi” của người Quảng Nam thường dễ đưa họ tới chỗ cực đoan.
Sự cực đoan ấy nhiều khi thể hiện ra trong cả cung cách ứng xử. Còn “hay kiện tụng” thì dễ gây mất đoàn kết. Bởi nhiều khi kiện tụng phát sinh từ sự bảo thủ, cố gắng - bằng mọi cách – bảo vệ cho bằng được ý kiến của mình, đến độ chẳng còn chịu nghe ai. Lắm khi người ta đi đến chỗ tuyệt giao chỉ vì cứ khư khư cho ý kiến của mình là đúng, hoặc là cãi nhau theo cái kiểu “cối xay cùn”.
Còn “quân tử hổ thẹn việc bôn cạnh” thì quả là tốt rồi, nhưng mặt trái của tính cách này cũng nhiều khi nảy ra mặt tiêu cực. Vì trong cuộc sống, nghĩ cho cùng, đây chính là biểu hiện của con người không có tham vọng. Mà trong nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội, tham vọng không hẳn là điều xấu. Người không có tham vọng thì khó thành công, hay nói đúng hơn là khó đạt được những thành tựu lớn lao.
Với sự chuyên cần, chăm chỉ (và cả sự thông minh), học sinh của chúng ta có thể đạt được một số kỹ thuật hay, tinh vi, nhưng lại hoàn toàn thiếu năng lực sáng tạo. Điều này đã khiến cho sinh viên người Việt chúng ta (mà sinh viên Quảng Nam, sống trong một vùng đất nghèo thì lại càng chịu tác động sâu hơn) về số đông - khó học cao và khó có những công trình mang tính sáng tạo.
Khơi “ý thức phê phán tự giác”
Tôi nghĩ có một số lý do làm nên “những khó chịu” trong tính cách người Quảng.
Thứ nhất, sự tác động của điều kiện địa lý tự nhiên. Quảng Nam ở chính giữa của khúc ruột miền Trung, thời tiết nóng, độ ẩm cao, và cả những trận lũ lụt kinh hoàng.
Theo các nhà nhân chủng học, con người sinh ra trên những vùng đất như vậy thường không có điều kiện để theo đuổi một công việc dài hơi. Điều kiện sống của xã hội ở những vùng khí hậu này cũng là một trở ngại cho sự phát triển của con người: mức sống thấp, độ dinh dưỡng không cao, thể lực kém.
Thứ hai, người Quảng, rộng hơn là cả người Việt, chịu tác động rất lớn của tư tưởng tam giáo Nho – Phật - Lão. Điều này tạo nên cách nghĩ, cách sống chỉ biết chấp nhận lẽ trời, luôn muốn thuận mệnh, vô vi… Về việc học hành, ông cha chúng ta được dạy, được học theo khuôn khổ của đạo Nho, tri thức chỉ được quy vào đạo lý Khổng Mạnh.
Con người và lối xử thế, con người và hành động chính nhân quân tử đều dựa vào những cuốn sách xưa (Luận ngữ, Mạnh tử, Kinh thi). Sở học ấy chỉ dùng được trong việc học để thi đỗ, ra làm quan, chí ít là làm thầy; rồi cứ thế mà rập khuôn từ đời này qua đời khác.
Ngay cả cái sở trường làm thơ phú, viết văn tế cũng phải theo nhưng khuôn mẫu nhất định, những niêm luật đã có sẵn. Vì thế, khả năng sáng tác cũng bị gò bó trong luật định của lối hành văn.
Từ sau năm 1945, cái học xưa theo Nho giáo không còn nữa, nhưng giáo dục của chúng ta – cho tới tận bây giờ - vẫn nặng từ chương, học thuộc lòng là chính.
Nếu phải bắt buộc đi vào những suy luận mang tính sáng tạo thì lập tức lúng túng, thấy khó khăn. Nhiều thế hệ vẫn chấp nhận cách học lặp lại những gì đã có, đã quen thuộc và tuân thủ theo một lối diễn giải cố định, đã biến thành thể chế.
Cạnh những ưu điểm vượt trội, trong tính cách của con người Quảng Nam, nếu nhìn từ phía phản diện, cũng bày ra những nhược điểm rất rõ ràng, như đã phân tích.
Tính cách của mỗi cá nhân, cũng như tính cách của cộng đồng người ở mỗi vùng đất không bao giờ là hoàn hảo. Nhìn ra mặt yếu để có thể khắc phục chính là một cách tu học cần thiết, cũng là cách để mỗi con người và cộng đồng càng tiến bộ, hoàn thiện hơn. Đó là việc làm cần thiết và tâm lý học ngày nay thường gọi là “ý thức phê phán tự giác”.