Văn học - Nghệ thuật

Chưa thể triển khai phục dựng Dinh trấn Thanh Chiêm

VĨNH LỘC 11/08/2024 17:06

(QNO) - Dù được HĐND thị xã Điện Bàn phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 5/2021, tuy nhiên đến nay dự án phục dựng Dinh trấn Thanh Chiêm (phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn) vẫn chưa thể triển khai thực hiện được.

dt1.jpg
Vị trí quy hoạch phục dựng Dinh trấn Thanh Chiêm. Ảnh: V.L

Khu công viên Dinh trấn Thanh Chiêm giai đoạn 1 được UBND thị xã Điện Bàn phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 16956/UBND ngày 23/10/2017, với quy mô khoảng 1,16ha.

Tháng 5/2020, dự án Khu công viên Dinh trấn Thanh Chiêm (giai đoạn 1) đã triển khai thi công hoàn thiện. Tổng mức đầu tư 8,8 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục giải phóng mặt bằng, san nền toàn bộ dự án (cao độ bằng đường ĐH2 hiện trạng), xây dựng hệ thống kè chắn đất; gia cố mái taluy và trồng cỏ, đầu tư hệ thống mương thoát nước dọc đường ĐH2.

Ngày 4/9/2020, dự án được UBND thị xã Điện Bàn phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành giai đoạn 1 (Quyết định 7991).

Ngày 6/5/2021, dự án Công viên Văn hóa lịch sử Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ (giai đoạn 2) đã được HĐND thị xã Điện Bàn phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 04/NQ-HĐND (tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách thị xã). Tổng diện tích đầu tư 2 giai đoạn khoảng 1,98 ha (bao gồm khu dinh trấn giai đoạn 1,16 ha và sân vận động 0,82 ha).

Cụ thể, giai đoạn 2 dự án sẽ tiếp tục thực hiện các hạng mục như san nền, giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh cảnh quan và những khu chức năng trong công viên (khu vườn tượng, hồ nước, bia - phù điêu, nhà trưng bày dinh trấn, tượng đài chữ Quốc ngữ, nhà trưng bày chữ Quốc ngữ, thư viện, hội trường và các hạng mục khác có liên quan)... Dù vậy đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai.

dt3.jpg
Dự kiến giai đoạn 2 của dự án sẽ mở rộng không gian bao gồm diện tích Trường THCS Nguyễn Du đối đối diện. Ảnh: V.L

Theo lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn, địa phương sẽ phải điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của giai đoạn 2 dự án (hoặc có thể làm lại quy hoạch) theo hướng mở rộng không gian (có thể lấy luôn diện tích trường THCS Nguyễn Du).

UBND thị xã đã giao Phòng Quản lý đô thị và Phòng VH-TT làm việc, phối hợp đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch thi tuyển ý tưởng quy hoạch, thiết kế kiến trúc tái hiện Công viên Dinh trấn Thanh Chiêm nhằm trưng cầu ý tưởng tối ưu nhất về dinh trấn trước khi tiếp tục triển khai dự án phục dựng. Hiện tại, tỉnh cũng đã thống nhất kế hoạch tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch, thiết kế kiến trúc tái hiện Công viên Dinh trấn Thanh Chiêm. Trong đó, việc quy hoạch phải kết nối hạ tầng, điểm đến, làng nghề… trên địa bàn phường Điện Phương nhằm phát huy giá trị Dinh trấn Thanh Chiêm theo hướng du lịch.

“Trước mắt phải có ý tưởng thiết kế, quy hoạch, tổng mức đầu tư… Điện Bàn mới tính được. Nếu tỉnh có nguồn hỗ trợ thì tốt, còn giao về cho địa phương đầu tư thì thị xã cũng sẽ cố gắng tìm nguồn. Tuy nhiên, trong tình hình nguồn thu khó khăn như hiện nay thì chưa thể chắc chắn bao giờ dự án có thể triển khai thực hiện được”, vị lãnh đạo này cho biết.

Trước đó, trong báo cáo số 102 ngày 23/5/2024 trả lời ý kiến cử tri Điện Bàn, UBND tỉnh cho biết, di tích quốc gia Dinh trấn Thanh Chiêm thuộc nhiệm vụ quản lý của UBND thị xã Điện Bàn. Theo phân cấp nhiệm vụ tại Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 của HĐND tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển giữa ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND ngày 23/1/2024 của HĐND tỉnh). Theo đó, cấp huyện có trách nhiệm đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn thuộc cấp huyện quản lý.

[VIDEO] - Không gian quy hoạch phục dựng Dinh trấn Thanh Chiêm

Ngoài ra, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 về Quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025, di tích Dinh trấn Thanh Chiêm không có danh mục hỗ trợ đầu tư của Nghị quyết. Vì vậy, thị xã Điện Bàn cần xem xét đánh giá khả năng cân đối nguồn vốn, sự cần thiết đầu tư, chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách thị xã để đầu tư di tích theo phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư.

Theo sử liệu, Dinh trấn Thanh Chiêm ra đời gắn với việc Chúa Tiên Nguyễn Hoàng sai con là Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ dinh Quảng Nam năm 1602 và cắt vùng đất nam Hải Vân (vốn thuộc huyện Điện Bàn xưa) nhập vào dinh Quảng Nam (1604). Từ vùng đất “ngoài biên ải”, Quảng Nam trở thành trung tâm chính trị, kinh tế lớn - kinh đô thứ hai ở Đàng Trong, sau thủ phủ Phú Xuân, góp phần cùng thủ phủ Phú Xuân giữ yên mặt bắc, phòng thủ mặt đông và mở cõi về phương Nam.

Đặc biệt, không chỉ quán xuyến hoạt động kinh tế ở vùng đất Quảng Nam, Dinh Chiêm còn là nơi điều hành hoạt động của Tuần ty và quan thủ ngự cai trị vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Trải qua bao thăng trầm, thời gian đến nay, Dinh trấn Thanh Chiêm chỉ còn là phế tích.

VĨNH LỘC