Chuyện đầu tuần

Đừng để doanh nghiệp nản!

PHAN HOÀNG 12/08/2024 08:22

Dự kiến chiều nay 12/8, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.

Quảng Nam đang thực sự vào cuộc quyết liệt để gỡ khó cho doanh nghiệp (DN). Hồi đầu tháng 3, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với Hiệp hội DN tỉnh, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam để nắm tình hình hoạt động của cộng đồng DN.

Giữa tháng 4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị chuyên đề bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Giữa tháng 7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, gặp gỡ các DN phía Nam.

Những động thái này của lãnh đạo tỉnh, đã phần nào tác động đến niềm tin của DN. Không phải những người trách nhiệm không biết lý do vì sao mấy năm gần đây, rất nhiều cuộc tiếp xúc DN định kỳ hằng tháng của lãnh đạo tỉnh bị hoãn, hủy vì… không có DN nào đăng ký, hoặc có đăng ký nhưng rồi không đến. Bởi, rất nhiều kết luận từ các cuộc tiếp không được thực thi. Trách nhiệm các bên thì như đèn cù xoay tít mù.

Với hành động từ lãnh đạo tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình có khá hơn. Cùng với việc DN gửi đề xuất, kiến nghị, lãnh đạo tỉnh cũng đã chủ động tổ chức nhiều cuộc họp cũng như đến làm việc trực tiếp tại các DN. Thông điệp đồng hành, quyết liệt thực hiện các giải pháp để giúp DN trong sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho DN hoạt động được tái khẳng định một cách thực chất hơn.

Dễ thấy nhất là giữa DN và UBND tỉnh đã có sự cởi mở hơn (mới nhất, tại buổi tiếp xúc DN định kỳ ngày 6/8, có 4 doanh nghiệp tham gia). Tuy nhiên, điều đáng nói, là làm sao để DN đừng nản?
Khó khăn, vướng mắc thuộc về chính phủ, các bộ ngành trung ương, nằm ngoài phạm vi của tỉnh thì đôi khi lực bất tòng tâm. Nhưng khó khăn, vướng mắc thuộc về sở ban ngành cấp tỉnh, các địa phương có thể vào cuộc giải quyết lại dường như đang là rào cản rất lớn.

Thử nhìn từ văn bản kiến nghị mới nhất của Hiệp hội DN tỉnh.
Đó là, công tác giải phóng mặt bằng đang gặp vô vàn khó khăn, xuất phát từ năng lực của cơ quan làm công tác bồi thường, công tác quản lý hiện trạng và sự quyết liệt của địa phương. Có những dự án một số trường hợp vướng mắc đã được chính quyền địa phương và đơn vị làm công tác bồi thường họp giải quyết rất nhiều lần, thậm chí có những sự việc có đến 5 thông báo kết luận chỉ đạo của lãnh đạo địa phương nhưng vẫn không giải quyết được.

Về xác định nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất, dù UBND tỉnh đã chia việc xác định nghĩa vụ tài chính thành 3 nhóm dự án. Và nội dung này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhưng thực tế đến nay vẫn chưa có dự án nào được tiếp tục xác định nghĩa vụ tài chính.

Đơn giá cho thuê đất trả tiền hằng năm tính quá cao so với mặt bằng chung của địa phương và khu vực, DN không đồng ý đơn giá, chưa ký hợp đồng thuê đất, khiếu nại để làm lại đơn giá nhưng vẫn bị tính nợ thuế, bị cưỡng chế hóa đơn, cưỡng chế tài khoản, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các Sở TN-MT, Sở Tài chính xem xét giải quyết nhưng đến nay vẫn không có tiến triển.

Chỉ đơn cử vài kiến nghị như vậy để thấy, DN sẽ nản, niềm tin lại tuột đi nếu không ra thời hạn giải quyết và chế tài xử lý đi kèm đối với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong phạm vi quyền hạn nhưng không giải quyết khó khăn cho DN. Có như vậy tinh thần chỉ đạo “Lúc DN khó khăn thì cần vào cuộc, tránh tình trạng né tránh, tránh tình trạng giữ mình an toàn từ phía cơ quan nhà nước, tạo rào cản đối với DN” của Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết mới được thực thi, chứ không chỉ dừng ở kết luận tại một cuộc họp.

Có lẽ, cần cơ chế giám sát thực thi kết luận từ các cuộc tiếp DN đủ mạnh. Điều này góp phần tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư cũng như khuyến khích DN quay lại thị trường và mở rộng quy mô sản xuất. Đừng để DN nản!

PHAN HOÀNG