Quảng Nam đề nghị công nhận bảo vật quốc gia hiện vật Trống đồng và Thạp đồng
(QNO) - UBND tỉnh vừa có Công văn 5868 gửi Bộ VH-TT&DL đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với 2 hiện vật Trống đồng và Thạp đồng do ông Lương Hoàng Long (trú phường Cẩm Phô, Hội An) lưu giữ.
Trống đồng Đông Sơn có đường kính mặt 49,5cm, chiều cao 35,5cm, đường kính chân 56cm. Hiện trạng cơ bản còn nguyên vẹn, tang bị thủng vài lỗ. Niên đại hiện vật thuộc Văn hóa Đông Sơn (thế kỷ thứ IV-III trước công nguyên đến thế kỷ I-II).
Đây là chiếc trống đồng Đông Sơn có hình thức độc đáo còn nguyên vẹn, có những hoa văn lần đầu tiên được các nhà khảo cổ học biết đến như hoa văn cánh buồm, hoa văn hình động vật vừa có dáng con chồn có đuôi xù, vừa có mỏ hình chim, có sừng hình hươu, đó là con vật thiêng được người cổ cách điệu hóa.
Thạp đồng Đông Sơn có dáng hình trụ, thuộc loại có nắp. Thạp có chiều cao toàn bộ (kể cả nắp) là 58cm, đường kính miệng thạp 39cm, đường kính chân đế thạp 35,5cm. Niên đại hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn (thế kỷ IV-III trước công nguyên đến thế kỷ I-II).
Đây là chiếc thạp đồng Đông Sơn có hình thức còn nguyên vẹn, hoa văn trang trí đẹp, có những hoa văn lần đầu được các nhà khảo cổ học biết đến như hoa văn chiếc xiếm, hoa văn hình con công đang đứng trên lưng con rùa, hoa văn hình người đang ngồi trên trống đồng để đánh trống da, hoa văn người bị hiến tế đang bị giam trong khoang lầu hay bị nắm tóc chuẩn bị hiến tế.
Cả 2 hiện vật trên được các thế hệ đời trước trong gia đình ông Lương Hoàng Long lưu truyền lại.
Theo UBND tỉnh, lý do 2 hiện vật trên được lựa chọn để đề nghị công nhận bảo vật quốc gia do có tính gốc và độc bản. Bởi người xưa đúc xong phải phá khuôn đất ra để lấy hiện vật, vì vậy đây là hiện vật độc bản không giống với bất kỳ hiện vật Đông Sơn nào đã phát hiện.
Hai hiện vật trên rất có giá trị trong việc nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, góp phần phục dựng lịch sử cổ đại của đất nước từ kinh tế, xã hội, đời sống tinh thần của ông cha ta; là sản phẩm đầy trí tuệ biểu hiện cho tài năng sáng tạo, sự khéo léo và tinh xảo hiếm có của tổ tiên ta đã tạo nên kỹ thuật luyện kim đồng thau bản địa, nền văn hóa đồng thau vào loại bậc nhất Đông Nam Á. Điều này cũng góp phần khẳng định trình độ văn hiến của cư dân Đông Sơn đã khá cao so với các cư dân Đông Nam Á đương thời.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ VH-TT&DL quan tâm xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với 2 hiện vật Trống đồng Đông Sơn và Thạp đồng Đông Sơn thuộc sở hữu của ông Lương Hoàng Long.