ASEAN ra mắt nền tảng ngăn ngừa dịch bệnh
(QNO) - Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) vừa khởi động sáng kiến nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa dịch bệnh tại khu vực, đặc biệt đối với bệnh lao.
Ngày 7/8 vừa qua, các nhà lãnh đạo ngành tế của các quốc gia thành viên ASEAN chính thức ra mắt nền tảng chung nhằm giải quyết vấn đề ngày càng gia tăng về các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do lây truyền qua không khí, đặc biệt đối với bệnh lao.
Theo đó, ASEAN đẩy mạnh hợp tác, tăng cường khả năng phòng ngừa đại dịch trên khắp khu vực trong việc giải quyết các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do lây truyền qua không khí. Nền tảng nhận được hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Theo ước tính có hơn 2,4 triệu người trên khắp ASEAN bị ảnh hưởng bởi bệnh lao. Trong đó, 5 quốc gia ASEAN gồm Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam nằm trong danh sách bệnh lao có gánh nặng cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Đáng chú ý, đại dịch COVID-19 tác động đến các chương trình phòng ngừa và điều trị bệnh lao quốc gia khi nhân sự và nguồn lực được chuyển hướng từ bệnh lao sang COVID-19, dẫn đến ước tính tăng thêm gần nửa triệu ca tử vong do bệnh lao từ năm 2020 đến năm 2022.
Trong đại dịch COVID-19, việc phát hiện các trường hợp mắc bệnh lao giảm, tỷ lệ lây truyền bệnh lao trong hộ gia đình tăng, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng lao giảm, khả năng tiếp cận thuốc và xét nghiệm bệnh lao giảm.
WHO dẫn chứng, ước tính có 10 nghìn người được chẩn đoán mắc bệnh lao với tỷ lệ 138 trên 100 nghìn dân gồm 1.000 ca tử vong tại Lào vào năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Y tế Lào Bounfeng Phoummalaysith phát biểu: "COVID-19 tác động đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ đại dịch và chuẩn bị tốt hơn cho bất kỳ tình huống tương tự nào trong tương lai. Hệ thống y tế ASEAN đang phát triển và chúng ta cần tạo ra một hệ thống mạnh mẽ và kiên cường hơn".
Theo ông Bounfeng Phoummalaysith, chương trình phòng chống lao gồm một số nguyên tắc quản lý có thể áp dụng cho bất kỳ bệnh lây truyền qua không khí nào, như các công cụ sàng lọc nhanh, theo dõi tiếp xúc, hệ thống kỹ thuật số, cộng đồng và hệ thống cảnh báo sớm.
Bởi vậy, ASEAN cần đầu tư vào các công nghệ nền tảng và tạo ra cơ sở hạ tầng có thể triển khai cho các đại dịch lây truyền qua không khí trong tương lai.
Phó Giám đốc Cục Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Lào Viengsavanh Kittiphong cho biết, bệnh lao là một trong những mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe cộng đồng ở Lào. Lào đang sử dụng công nghệ mới như GenExpert để phát hiện bệnh lao, chụp X-quang kỹ thuật số và các công cụ chẩn đoán sớm.
Do đó, Lào sẽ chia sẻ thông tin với các quốc gia thành viên ASEAN khác để xây dựng năng lực phòng xét nghiệm, hỗ trợ phát hiện và chẩn đoán sớm, đồng thời tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu.