Nghề dâu tằm và truyền thừa từ vùng đất thiêng
(VHQN) - Nghề nuôi tằm - dệt lụa trên đất Duy Xuyên, đã bắt đầu từ thuở của những người Chăm xưa.
Nghề của vùng đất bồi ven sông
Người Chàm/ Chăm xưa biết trồng dâu nuôi tằm để lấy tơ dệt lụa. Trên các vùng đất bồi ven sông Vu Gia, Thu Bồn là những biền dâu xanh ngát. Họ biết trồng bông, kéo sợi, dệt vải.
Theo G. Maspero trong tác phẩm Vương quốc Champa: “Người Chàm xưa kia trồng dâu để nuôi tằm và trồng bông. Đến mùa bông nở, quả bông nở ra, bông trắng như lông ngỗng. Người ta ra rồi kéo sợi để dệt vải thô, vải thô đan chuội (luộc/ hấp) đi trông giống như vải nhỏ. Nhuộm đi, dệt thành vải ngũ sắc và vải lốm đốm”.
Khi người Việt theo chân vua Lê Thánh Tông vào vùng đất này dựng làng lập ấp, họ đã học hỏi từ người Chăm bản địa nhiều tri thức dân gian và nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề trồng dâu - nuôi tằm - dệt lụa.
Phía bên kia sông Thu, từ cách nay khoảng 300 - 400 năm, một số làng nằm ở ven sông Vu Gia như Giao Thủy, Quảng Huế, Phước Bình, Hà Nha nhờ các bãi bồi ven sông đầy ắp phù sa, bên cạnh nghề trồng rau, đậu, lúa, bắp, thuốc lá... người dân nơi đây đã chú trọng đến nghề trồng dâu nuôi tằm.
Vùng đất ven sông dù thường xuyên gặp lụt lội, nhưng bù lại một lượng lớn phù sa, là ưu thế để nuôi tằm ươm tơ và bán cho các làng dệt ở phía Duy Xuyên.
Lê Quý Đôn viết trong Phủ biên tạp lục: “Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam, vì xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa vóc đoạn lĩnh là, hoa màu đẹp khéo chẳng kém Quảng Đông...”.
Thời bấy giờ vải lụa và tơ tằm của Quảng Nam đã cung cấp cho nhu cầu nội địa và xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Ai Lao, Tây Tạng…
Thế kỷ 17, giáo sĩ Christopho Borri đến Đàng Trong truyền đạo, qua quá trình tiếp xúc, tìm hiểu đời sống người Việt, ông đã viết trong tác phẩm Xứ Đàng Trong như sau: “Nói tới y phục, họ có vô vàn tơ lụa đến nỗi tiều phu, thợ thủ công cũng dùng vải rất tùy tiện...
Họ trồng dâu trên những cánh đồng mênh mông như ta trồng gai dầu. Tằm ăn lá dâu sẽ nhả tơ rồi đem tơ đó dệt lụa… Lượng tơ tằm này phong phú đến nỗi không những đủ dùng cho dân xứ Đàng Trong mà còn cung cấp cho cả Nhật Bản và đưa sang xứ của người Ai Lao. Từ nơi đó được chuyển đi Tây Tạng, bởi vì thứ lụa này tuy không mỏng và mịn như lụa Trung Quốc nhưng lại bền hơn nhiều”.
Sức hút của tơ lụa Việt
Trong lịch sử, Cù Lao Chàm là điểm dừng chân của thương thuyền các nước. Tại đây họ có thể mua những sản phẩm nổi tiếng của xứ Champa như trầm hương, hồ tiêu, ngà voi, đồi mồi, tơ lụa...
GS-TS.Nguyễn Văn Kim khi nghiên cứu mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, cho rằng: “... trước khi Nhật Bản đặt quan hệ buôn bán chính thức với Việt Nam thì một số mặt hàng thủ công của Đại Việt đã được thương nhân nhiều nước biết đến. Từ năm 1517, khi đại diện đầu tiên của Bồ Đào Nha trên đường từ Malaca đến Trung Quốc đã mô tả về xứ Giao Chỉ: Nơi đây có những tơ lụa đẹp, hoàn hảo và cao cấp...”.
Thời bấy giờ, ở Việt Nam có các làng lụa nổi tiếng, từ Vạn Phúc (Hà Đông); Nha Xá (Hà Nam) cho đến Mã Châu, Đông Yên, Thi Lai (Duy Xuyên), trong đó lụa Vạn Phúc và Nha Xá chủ yếu cung cấp cho các thương thuyền cập cảng Vân Đồn và Phố Hiến; lụa Duy Xuyên, Điện Bàn cung cấp cho thương thuyền cập cảng Hội An.
Đến đầu thế kỷ 16, sau khi quan hệ giao thương giữa Nhật Bản và Trung Hoa bị hủy bỏ, Nhật Bản vẫn duy trì quan hệ thương mại với các nước vùng Đông Nam Á. Các cảng Vân Đồn, Hội An vẫn tiếp đón thương thuyền các nước đến buôn bán.
Tại Nhật Bản, nhu cầu sử dụng đồ tơ lụa và gốm sứ không ngừng gia tăng nhưng lại thiếu hụt hai loại hàng hóa này, bởi phần lớn trước đây được nhập từ Trung Quốc, do vậy tơ lụa và đồ gốm tráng men của Việt Nam càng được xuất cảng sang Nhật Bản nhiều hơn.
Thế kỷ 16, 17 là thời kỳ thịnh đạt của thương cảng Hội An. Thuyền buôn nhiều nước đến đây, trong đó có Châu Ấn thuyền - loại thương thuyền Nhật Bản được trang bị vũ khí, do Mạc phủ Tokugawa Ieyasu cấp giấy thông hành đặc biệt. Họ thường lưu lại Hội An từ 3 đến 4 tháng để mua gom hàng.
Để thuận lợi cho việc buôn bán, một số thương gia Nhật mở thương quán ở Hội An để buôn bán giao dịch, có người còn lấy vợ Việt…
Li Tana trong “Xứ Đàng Trong” cho biết, từ những năm 1633 đến 1637, thương thuyền Hà Lan nhiều lần đến Đàng Trong để mua tơ lụa song không cạnh tranh được với người Nhật định cư ở Hội An, bởi những người Nhật đã đến vùng sản xuất đặt mua trước cả vụ rồi.
Trải qua những biến động lịch sử, sự phát triển của công nghiệp cùng sự cạnh tranh của kinh tế thị trường… nghề tơ lụa ở Quảng Nam bị tác động nặng nề. Các làng lụa ở Duy Xuyên cũng chung tình trạng suy thoái, lụa dệt ra không bán được vì không cạnh tranh được với lụa Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường.
Gìn giữ truyền thống là cần thiết, song muốn tồn tại, phải có sự biến đổi để theo kịp những phát triển của công nghệ thế giới, đủ sức cạnh tranh với tơ lụa nhập khẩu, đồng thời phải liên kết sản xuất từ các khâu trồng dâu – nuôi tằm, ươm tơ - dệt lụa đến tiêu thụ sản phẩm để nghề tơ lụa Duy Xuyên phục hồi và phát triển bền vững…