Tài chính - Thị trường

Ngành thương mại Quảng Nam kết nối cung cầu hàng hóa cuối năm

NGUYỄN QUANG 15/08/2024 09:58

Thời điểm này, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuẩn bị nguồn hàng hóa đảm bảo cung ứng dịp cuối năm. Xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để kích thích tiêu dùng đặt ra cấp thiết.

kn.jpg
Khách hàng hỏi mua sản phẩm đá mỹ nghệ của Cơ sở đá mỹ nghệ Võ Dũng. Ảnh: Q.VIỆT

Kết nối để mở rộng thị trường

Ông Võ Văn Dũng - chủ Cơ sở đá mỹ nghệ Võ Dũng (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) cho biết, đã bước vào những tháng cuối năm nên tăng quy mô sản xuất và đón đầu thị trường tết. Số lượng mặt hàng tượng phúc, lộc, thọ, tượng rùa, khay đựng đồ… tăng gấp đôi so với những tháng trước.

“Tôi kỳ vọng doanh thu đạt hơn 100 triệu đồng/tháng nên tham gia hầu hết hội chợ, các cuộc kết nối giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa để mở rộng thị trường tiêu thụ” - ông Dũng nói.

Hiện nay, ông Dũng có 2 điểm bán sản phẩm đá thủ công mỹ nghệ là Hà Lam và chợ Bến Thành (TP.Hồ Chí Minh). Ông Dũng đã xúc tiến thương mại với một số đối tác ở các tỉnh miền Nam và mở điểm giao dịch hàng hóa ở Bến Thành để cung ứng hàng hóa cho cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Từ hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến đầu tư thương mại, nhiều chương trình ký kết hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm được thực hiện.

Qua tương tác giúp doanh nghiệp từng bước giải quyết khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu tăng doanh thu bán hàng, đồng thời giúp người tiêu dùng mua được hàng hóa chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.

Tại TP.Tam Kỳ, ông Ngô Tiến Hùng - chủ cơ sở trầm hương Đạt Ngô (đường Nguyễn Thái Học) cho hay, đã tìm được nhiều đối tác và ký kết thành công nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm bột trầm, nhang trầm, nụ trầm, trang sức trầm hương… cho các đại lý ở một số tỉnh, thành miền Trung, miền Bắc và miền Nam.

Nhờ tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, ông Hùng đã tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương với nhiều doanh nghiệp, đối tác lớn.

Kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại giúp ông Hùng làm quen với các doanh nghiệp, từ đó có nhiều ý tưởng mới, cách làm hay trong sản xuất kinh doanh, nhất là hoàn thiện các sản phẩm phong phú, chất lượng hơn.

“Tôi dốc toàn lực cho sản xuất kinh doanh cuối năm, dịp tết nên sẽ tham gia thêm nhiều chương trình kết nối cung cầu hàng hóa. Để khơi thông tối đa đầu ra cho các sản phẩm, tôi tận dụng phương thức giao thương trên và kỳ vọng sẽ có thêm đối tác mới, đầu tư mới” - ông Hùng nói.

Đổi mới xúc tiến thương mại

Phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã của tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, sức cạnh tranh của hàng hóa chưa cao nên cần kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để khơi thông, rộng mở đầu ra sản phẩm.

kn2.jpg
Kết nối cung cầu sẽ khơi thông đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết, từ nay đến hết năm 2024, đơn vị sẽ tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Quảng Trị; hội chợ thương mại quốc tế tại TP.Hà Nội; chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024” tại TP.Hồ Chí Minh; hội chợ quốc tế đồng bằng Bắc Bộ tại tỉnh Thái Bình…

Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các chương trình sẽ được tổ chức bài bản, nghiêm túc, đúng trọng tâm, quảng bá, khơi thông thị trường cho các sản phẩm, hàng hóa thế mạnh của Quảng Nam.

Theo ông Lê Vũ Thương - Giám đốc Sở Công Thương, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã tham gia kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố là cách giảm áp lực cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp chú trọng quảng bá hình ảnh, thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho các thị trường lân cận, tạo liên kết vùng và tạo chuỗi cung ứng khép kín, hướng đến phát triển bền vững.

Bên cạnh các hoạt động kết nối cung cầu truyền thống, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương hướng đến những điểm mới trong xúc tiến thương mại đó là một mặt hướng đến xuất khẩu, mặt khác khẳng định vị thế hàng hóa Quảng Nam đứng vững được trên “sân nhà” trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều biến động.

Qua kết nối cung cầu, Quảng Nam kỳ vọng tạo sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Quảng Nam tổ chức đoàn giao dịch thương mại sản phẩm OCOP tại thị trường Hàn Quốc, thị trường Thái Lan. Tổ chức đoàn tham gia hội chợ triển lãm Trung Quốc - Nam Á và tổ chức đoàn xúc tiến thương mại xuyên biên giới năm 2024 tại Ấn Độ.

NGUYỄN QUANG