Nông nghiệp - Nông thôn

Hiệu quả chuyển đổi từ cây keo sang trồng cau ở Tiên Phước

ĐÌNH HẢI - THÚY HIỀN 15/08/2024 16:33

(QNO) - Nhiều diện tích vườn đồi trồng keo ở vùng bán sơn địa Tiên Phước nhiều năm qua đã chuyển đổi sang trồng cây cau đến nay cho giá trị kinh tế cao, nông dân phấn khởi.

1(1).jpg
Tiên Phước đẩy mạnh mô hình chuyển đổi cây keo sang trồng cau. Ảnh: H.H

Điểm sáng chuyển đổi
Vườn cau rộng hơn 1,4ha của chị Võ Thị Hiệp (SN 1984, thôn 1, xã Tiên Lãnh) đang bước vào đợt thứ 4. Cách đây 20 năm, khu đất này là rừng keo bạt ngàn, trồng 5 năm mới thu về được hơn 100 triệu đồng. Khi chuyển đổi từ keo sang trồng cau và trồng một ít thanh trà, chị Hiệp cho biết đến độ thu hoạch, mỗi năm bán được 5-10 tấn cau.

img_0528.jpg
Chị Võ Thị Hiệp, xã Tiên Lãnh thu về hàng trăm triệu đồng từ cau mỗi năm. Ảnh: H.H

“Keo vừa tốn công chăm trồng, vừa cho giá trị thấp. Thanh trà mùa đầu thu hoạch ổn, nhưng sau đó do đất hoặc hạn chế kỹ thuật, bị nấm mốc cũng gặp rủi ro sản xuất, thiếu bền vững. Thế là gia đình tôi chuyển cả rừng sang trồng cau cách đây 7 năm rồi, thu nhập khá hơn nhiều" - chị Hiệp nói.

Cũng theo chị Hiệp, giống cau có sẵn do gia đình tự ươm 8.000 - 10.000 cây/năm, vợ chồng chị tự bỏ công chăm bón, tưới tiêu. Năm giá cau lên hơn 90.000 đồng/kg, chị thu về hơn 600 triệu đồng. Khoảng 3 năm trở lại đây, gia đình chị thu được gần 10 tấn cau mỗi năm. Riêng trong năm nay, qua 3 đợt hái bán, chị đã có hơn 150 triệu đồng.

e.jpg
Am hiểu kỹ thuật ươm giống cau, chị Hiệp tạo nguồn cây con chất lượng, góp phần mở rộng diện tích trồng và nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ bán giống cau con. Ảnh: H.H

Từ năm 2018 đến nay, xã Tiên Lãnh chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng từ keo sang cau và đạt hiệu quả. Hơn 200/1.500 hộ dân trồng cau với quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao. Riêng năm 2023, xã Tiên Lãnh thu được 41.164 tạ cau trên diện tích 412ha. Tính từ đầu mùa cau đến nay, với giá bán trung bình 50.000 đồng/kg, địa phương đã thu về hơn 50 tỷ đồng từ cau.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Lãnh

Cũng chuyển đổi từ keo sang cau, ông Đỗ Đình Long (SN 1979, thôn 1, xã Tiên Ngọc) phấn khởi thu hoạch quả từ 4.000 cây cau đang mùa lên giá. Cuối năm 2017, khi Đề án 03 của UBND huyện Tiên Phước được ban hành, ông Long chớp thời cơ chuyển 3ha đất keo sang trồng cau.

img_0585.jpg
Ông Đỗ Đình Long (xã Tiên Ngọc) phấn khởi khi cau năm nay đạt giá cao. Ảnh: H.H

Ông Long cho biết, gia đình chỉ mất khoản đầu tư giống cau 100 triệu đồng, còn lại Nhà nước đã hỗ trợ nước tưới, bể nước 40 khối, và mỗi héc ta được 6 triệu đồng, tổng nhận 18 triệu đồng. Bây giờ cau phát triển mạnh, trái sum xuê, thu về mỗi năm 3-4 tấn.

"Trồng keo vừa vận chuyển xa xôi, tốn phí vừa tốn công trồng và thu hoạch, giá thành lại rẻ, chu kỳ 5 năm mới thu được 150 triệu đồng. Trong khi đó, cũng chu kỳ thời gian trồng như nhau, nhưng cau thu hoạch nhiều lần trong năm, liên tiếp nhiều năm sau đó nữa, giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần cây keo" - ông Long so sánh.

h.jpg
Tiên Phước không ngừng mở rộng diện tích trồng cau nhờ các cơ chế chính sách của tỉnh và huyện Ảnh: H.H

[VIDEO] - Người dân Tiên Phước chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ keo sang cau:

Cuối năm 2017, nhận thấy cây cau có giá trị kinh tế cao, tranh thủ cơ chế hỗ trợ từ Đề án 548 của UBND huyện Tiên Phước và sau đó là Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh Quảng Nam, người dân Tiên Ngọc chuyển đổi mạnh từ keo sang trồng cau, hầu như nhà nào cũng trồng cau. Trong 302ha đất vườn, đã có trên 50% diện tích đất trồng cau và hơn 200/634 hộ dân phát triển kinh tế nhờ cau. Năm 2023, xã Tiên Ngọc thu được 11.088 tạ cau trên diện tích 185ha.

Ông Trần Văn An - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Ngọc

Động lực từ chính sách

Theo Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, hiện địa phương trồng phân tán cau trên diện tích 800ha, tập trung nhiều nhất tại 2 xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc. Cạnh đó, huyện có 12 cơ sở sơ chế cau, chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Năm giá cau thấp nhất đạt 50 tỷ đồng, năm cao nhất đạt trên 200 tỷ đồng. nhờ ưu thế cây lâu năm, dễ trồng, ít chi phí chăm sóc, nông dân Tiên Phước tiếp tục chuyển từ keo sang cau và mở rộng diện tích trồng xen cây cau với các cây trồng khác.

img_0617.jpg
Những cây cau được trồng xen kẽ với cây keo, sau 5 năm thu hoạch keo thì người dân chuyển đổi hoàn toàn sang trồng cau. Ảnh: H.H

Năm 2023, diện tích kinh doanh cau đạt hơn 545ha, thu hoạch hơn 104,6 tấn cau. Trong 6 tháng đầu 2024, diện tích trồng cau đến tuổi khai thác cũng không biến động.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Phước, địa phương thực hiện hiệu quả Đề án 548 của huyện, sau đó có Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh ban hành tiếp tục hỗ trợ nên nhiều nông dân đã nhân rộng phát triển kinh tế vườn, trang trại. Tập trung phát triển một số cây chủ lực, trong đó có cây cau.

Tuy nhiên, vướng mắc nhất là nhiều hộ gia đình đăng ký thực hiện mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại sản xuất trên đất rừng sản xuất theo quy hoạch 3 loại rừng. Theo quy định, người dân phải phải làm thủ tục chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang đất trồng cây lâu năm nhưng thủ tục pháp lý phức tạp, rườm rà khó thực hiện.

[VIDEO] - Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Phước chia sẻ:

Ông Thắng chia sẻ thêm, bên cạnh nguồn lực tài chính, hệ thống nước tưới, phân bón, nguồn giống được nhà nước hỗ trợ, chính quyền các cấp thường xuyên tuyên truyền, giải thích cho người dân hiệu quả từ mô hình, tạo điều kiện tốt nhất để người dân hưởng các quyền lợi, chính sách hỗ trợ nông nghiệp.

f.jpg
Cây cau cho trái nhiều đợt giúp thu hoạch liên tục, khẳng định giá trị kinh tế bền vững. Ảnh: H.H

Theo ngành nông nghiệp huyện, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, đáp ứng được nguồn nguyên liệu chuẩn xuất khẩu, nông dân cần đầu tư chăm bón bằng phân hữu cơ vi sinh và chọn được giống cau bản địa trồng trọt mới.

ĐÌNH HẢI - THÚY HIỀN