Hành trình đến tự do của những người tù yêu nước
Thời gian qua, di tích Nhà lao Hội An đón nhiều đoàn khách đến tham quan hoạt động trưng bày chuyên đề “Khát vọng tự do” với những câu chuyện chân thực về hành trình tìm đến tự do của các chiến sĩ cách mạng trong các nhà tù thực dân, đế quốc.
Nguồn tư liệu quý
Hoạt động trưng bày chuyên đề “Khát vọng tự do” được Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An tổ chức tại di tích Nhà lao Hội An với 35 pa nô ảnh và tư liệu về những người tù yêu nước ở các nhà lao như Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Phú Quốc, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Nhà lao Hội An.
Nội dung trưng bày được chia làm 3 phần “Xiềng xích”, “Tung cánh giữa màn đêm” và “Dấu ấn vượt thời gian”. Qua đó, làm nổi bật khí phách kiên cường của những chiến sĩ cách mạng, không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân, đế quốc, quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục táo bạo để trở về với cách mạng, với nhân dân. Trong hành trình vượt ngục, những hiểm nguy, gian khó không thể ngăn được những trái tim khát khao tìm đến tự do.
Trong phần trưng bày chủ đề “Xiềng xích”, phơi bày cuộc sống cùng cực của người Việt Nam dưới chế độ đô hộ của thực dân, đế quốc. Đặc biệt là hệ thống các nhà tù được xây dựng trải khắp đất nước Việt Nam.
Thực dân, đế quốc đã xây dựng bộ máy ác ôn, thực hiện những âm mưu thâm độc, dã man để cai trị tù nhân cách mạng. Trong hoàn cảnh đó, các chiến sĩ cách mạng vẫn quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục táo bạo.
Phần thứ hai của nội dung trưng bày có chủ đề “Tung cánh giữa màn đêm”. Trong đó, nổi bật là những cuộc vượt ngục của những người tù yêu nước tại Nhà tù Hỏa Lò - một trong những nhà tù thực dân kiên cố nhất Đông Dương, là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội”.
Tại đây đã diễn ra những cuộc vượt ngục “thần kỳ” năm 1932, 1945, 1951. Đặc biệt, cuộc vượt ngục của hơn 100 tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò vào tháng 3/1945 được coi là cuộc vượt ngục quy mô và thành công nhất trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Trong phần ba của nội dung trưng bày, với chủ đề “Dấu ấn vượt thời gian”, đã giới thiệu một số đóng góp của 9 chiến sĩ cách mạng sau khi thoát khỏi các nhà tù thực dân, đế quốc.
Bằng niềm tin bất diệt, những người con quả cảm sau khi vượt ngục thành công đã tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Đó là đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Trân, Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Huỳnh Đắc Hương.
Hoạt động ý nghĩa
Nhà lao Hội An là một trong những nhà lao lớn nhất nằm trong hệ thống nhà tù ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên do thực dân Pháp lập đầu thế kỷ 20. Sau đó, đế quốc Mỹ và tay sai sử dụng làm nơi giam cầm, đày ải cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước.
Dù vậy, những chiến sĩ cách mạng vẫn tổ chức vượt ngục và phối hợp với bộ đội địa phương giải phóng nhà lao năm 1954, 1967 và vượt ngục ngày 17/1/1964.
Bà Võ Thị Hóa - Anh hùng LLVT nhân dân, một nữ tù yêu nước từng bị địch giam cầm tại Nhà lao Hội An chia sẻ: “Tôi thấy hoạt động trưng bày lần này rất có ý nghĩa. Đây sẽ là dịp để thế hệ hôm nay hiểu hơn về sự cống hiến, hy sinh của các cô, các chú. Từ đó, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương”.
Bà Đào Thị Huệ - Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Để thực hiện cuộc trưng bày này, hai đơn vị chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp thực hiện từ rất sớm. Qua hoạt động trưng bày, chúng tôi mong muốn góp phần tuyên truyền về những giá trị của lịch sử, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh”.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, hoạt động trưng bày “Khát vọng tự do” sẽ góp phần làm cho di tích Nhà lao Hội An thêm nhiều giá trị và trọng trách mới.
Đó là một bảo tàng lịch sử ghi dấu chứng tích tội ác của địch và cuộc đấu tranh kiên cường của những người tù yêu nước, là biểu tượng về lòng tri ân, đền ơn đáp nghĩa của các thế hệ hôm nay và mai sau với đồng bào, chiến sĩ cách mạng đã hiến dâng cuộc đời vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
“Hoạt động trưng bày lần này mở ra hướng tiếp cận đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn trong nghiên cứu, giới thiệu về di tích Nhà lao Hội An gắn kết với những tư liệu, nội dung liên quan từ các nhà lao khác. Đồng thời làm cho hồi ức của những nhân chứng lịch sử gần gũi và đầy đủ hơn, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương đối với thế hệ trẻ hôm nay” - ông Nguyễn Văn Lanh nói.