Để người khuyết tật ở Quảng Nam có cuộc sống tốt hơn
Thời gian qua, dự án nâng cao vị thế cho người khuyết tật đã mang lại sự hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng người khuyết tật tỉnh Quảng Nam cả về vật chất lẫn tinh thần.
Nhiều hoạt động hỗ trợ
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) cho biết, với mục đích tăng cường việc thực thi chính sách về người khuyết tật (NKT), 3 năm qua, đơn vị đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH triển khai dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho NKT.
Qua đó đạt được nhiều kết quả về ban hành các văn bản liên quan đến chính sách và phát triển các mô hình hỗ trợ NKT tại các địa phương của Quảng Nam.
Dự án đã lắp đặt các thiết bị hệ thống âm thanh, màn hình… cho 10 xe buýt nhằm tăng cường tính năng tiếp cận của NKT đi xe buýt.
Đồng thời thiết kế, giám sát và lắp đặt các tính năng tiếp cận cho 2 nhà chờ xe buýt cạnh Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (Núi Thành) và Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Điện Bàn).
Dự án cũng tiến hành tập huấn cho 79 lái xe, phụ xe, người quản lý của các đơn vị vận tải hành khách công cộng về kỹ năng hỗ trợ NKT tham gia giao thông...
“Các hoạt động trên góp phần tác động tới nhận thức của cộng đồng về giao thông tiếp cận đối với NKT, thúc đẩy nhận thức và hành động của các bên liên quan tại địa phương nhằm tăng cường việc áp dụng các chính sách về giao thông tiếp cận cho NKT” - bà Lan Anh cho biết.
Đặc biệt dự án đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về sống độc lập, hòa nhập khuyết tật và tiếp cận vật lý cho các những các bộ chuyên trách để họ xây dựng các kế hoạch và tập huấn lại cho NKT và gia đình. Qua đó thiết thực hỗ trợ NKT trong hoạt động hằng ngày, chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Cũng theo bà Lan Anh, dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của các nhóm tư vấn, NKT hoặc hộ gia đình có NKT đã được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước hoặc các chương trình, dự án đang triển khai tại khu vực nơi sinh sống như hỗ trợ sinh kế để chuyển đổi nghề; được duyệt hỗ trợ sửa chữa nhà bằng nguồn ngân sách nhà nước; được điều chỉnh mức trợ cấp…
Dự án cũng rất chú trọng đến công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và NKT trong việc xây dựng chính sách, tạo điều kiện để NKT vươn lên trong cuộc sống.
Hiệu quả mang tính bền vững
Ông Trần Văn Tỉnh (quê Núi Thành) cho biết: “Tôi vốn là NKT đặc biệt nặng, việc đi lại phải dùng xe lăn. Thông qua dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho NKT”, tôi dần vượt qua mặc cảm và từ đó tham gia công tác hội, tuyên truyền cho những người khác đồng cảnh ngộ sống độc lập và hòa nhập cộng đồng”.
Còn ông Trần Văn Hải (quê Tiên Phước) vốn là NKT nặng, song thông qua dự án, ông đã trở thành giảng viên nguồn về hòa nhập, sống độc lập cho NKT. Và nhiều trường hợp khác nữa, từ là NKT nặng đã mạnh dạn tham gia công tác hội, hỗ trợ giúp đỡ nhiều người đồng cảnh ngộ vươn lên.
Ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội NKT Quảng Nam nói: “Các hoạt động của dự án hết sức thiết thực, nhân văn, đã trợ giúp NKT khó khăn bằng hiện vật cũng như phương tiện sinh kế.
Đồng thời, giúp NKT nhận thức được vấn đề khuyết tật và giải tỏa tự ti để tham gia sống tích cực, từng bước hòa nhập cộng đồng xã hội.
Với kết quả đạt được, chúng tôi mong muốn dự án được duy trì thêm thời gian thực hiện để nhiều NKT có cơ hội được tham gia, được xây dựng năng lực, kỹ năng, hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống...”.
Các cơ quan liên quan cấp tỉnh, cấp huyện cũng như NKT hưởng lợi từ dự án đều đánh giá cao tính hiệu quả của các hoạt động dự án.
Bà Đoàn Thị Hoài Nhi - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, nhiều mô hình của dự án đã đem lại tác động tích cực đối với địa phương.
Nhiều NKT đã được cải thiện sức khỏe, tinh thần, kỹ năng và tạo cơ hội để tham gia hòa nhập với gia đình và xã hội. Các cơ quan liên quan tại địa phương cũng được nâng cao nhận thức, kỹ năng nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người khuyết tật. Tính bền vững của dự án được thể hiện qua một số mô hình được địa phương duy trì và phát triển như mô hình sống độc lập, giám sát tiếp cận.
Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật (NKT), giai đoạn II” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID Việt Nam) tài trợ 4,6 tỷ đồng đã được Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp Sở LĐ-TB&XH triển khai trên địa bàn Quảng Nam trong 3 năm qua (2021 - 2024).
ACDC đã phối hợp với các cơ quan liên quan của Quảng Nam thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ tiếp cận của hàng trăm công trình công cộng (tập trung vào các công trình y tế và giao thông) đối với NKT trên địa bàn Tam Kỳ, Quế Sơn, Hiệp Đức, Núi Thành, Điện Bàn, Phú Ninh.
Kết quả cho thấy ngày càng nhiều công trình bố trí một số hạng mục dành cho NKT như lối vào có tay vịn hoặc đường dốc, gạch chỉ dẫn cho người khiếm thị, cửa nhà vệ sinh tiếp cận cho người sử dụng xe lăn…