Giáo dục - Việc làm

Nâng cao năng lực đào tạo, chất lượng cán bộ Quảng Nam

PHẠM THANH TUẤN 16/08/2024 09:14

(QNO) - Từ yêu cầu đòi hỏi phải tiếp cận với xu hướng đào tạo mới, thời gian qua, Trường Chính trị Quảng Nam đã kết hợp giữa lý luận với thực tiễn trong nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị. Nhờ đó, chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp ở tỉnh ngày càng được nâng cao.

z5721527917720_9c2baa27ca8f3221e4726ea15462f97d.jpg
Ngoài bồi dưỡng lý luận chính trị, Trường Chính trị tỉnh còn linh hoạt tổ chức cho học viên trải nghiệm thực tế, với nhiều chuyến đi "Về nguồn".

Đưa lý luận vào cuộc sống

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII nhấn mạnh: “Nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng phù hợp với tình hình thực tế tại Quảng Nam. Đồng thời, nhấn mạnh việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập các chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, và tinh thần phục vụ của cán bộ, đảng viên”.

Với phương châm “đối tượng nào, giáo án ấy”, Trường Chính trị tỉnh đã áp dụng hiệu quả “học đi đôi với hành”, “giảng đúng, liên hệ trúng, vận dụng hay” trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị.

Theo Tiến sĩ Lê Minh Đức - Hiệu trưởng nhà trường, việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cần coi trọng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, với mục tiêu trang bị đầy đủ kỹ năng cho cán bộ để áp dụng lý luận vào thực tiễn công việc một cách hiệu quả. Ông nhấn mạnh rằng đổi mới nội dung và phương pháp trong đào tạo, bồi dưỡng không chỉ là yêu cầu đối với giảng viên mà còn là trách nhiệm của người học.

Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định sự cần thiết của việc cải tiến trong đánh giá kết quả học tập và quản lý học viên. Việc thu thập và phản hồi thông tin từ người học và giảng viên cần được tiến hành thường xuyên để kịp thời điều chỉnh và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

"Thực tiễn không chỉ giúp tăng cường tính ứng dụng của lý luận, biến các khái niệm trừu tượng thành công cụ hữu ích trong công việc, mà còn giúp củng cố và làm sâu sắc hơn kiến thức lý luận đã học" - Tiến sĩ Lê Minh Đức nói thêm.

z5732583911134_2229c5b39c03a8149c31dcf4672bc25b.jpg
Học viên lớp Trung cấp lý luận chính trị K18 nghiên cứu thực tế tại Bắc Trà My.

Học viên Trần Thanh Trà, lớp Trung cấp lý luận chính trị K18 chia sẻ, khi lý luận được minh họa bằng các tình huống thảo luận, ví dụ thực tế, sẽ thuyết phục học viên hơn, đồng thời giúp người giảng dạy truyền đạt các ý tưởng mới lạ, lôi cuốn người nghe. Cạnh đó, việc liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng thông qua trải nghiệm thực tiễn sẽ giúp học viên linh hoạt thích nghi với những thay đổi không ngừng của môi trường làm việc và xã hội.

"Chìa khoá" nâng cao chất lượng đào tạo

Cũng theo Tiến sĩ Lê Minh Đức, thời gian qua, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo giảng viên thường xuyên cập nhật các nội dung mang tính thời sự, bám sát thực tiễn ở cơ sở, và bổ sung các vấn đề mới, cấp bách vào bài giảng. Đồng thời, nhà trường cũng tăng cường áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực như thảo luận, nghiên cứu tình huống, học tập trải nghiệm, nhằm khuyến khích người học chủ động tiếp cận kiến thức, vận dụng lý luận vào giải quyết các vấn đề thực tế.

z5732584997441_03b6dc9fd7966590c94fc35844b746c4.jpg
Trường Chính trị tỉnh luôn đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật các nội dung mang tính thời sự, bám sát thực tiễn ở cơ sở, bổ sung các vấn đề mới vào bài giảng.

Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, am hiểu thực tiễn và có kỹ năng sư phạm tốt. Thêm vào đó, việc tuyển chọn các giảng viên thỉnh giảng từ những cán bộ lãnh đạo, quản lý giàu kinh nghiệm, có kỹ năng sư phạm tốt và đam mê nghiên cứu, giảng dạy cũng đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trường.

Để làm phong phú thêm kiến thức thực tiễn, nhà trường sử dụng nhiều hình thức như đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tập huấn; cử giảng viên tham dự các kỳ họp của HĐND tỉnh, tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nghiên cứu – khảo sát thực tế và nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường, cấp tỉnh.

Tiến sĩ Lê Minh Đức - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh

Trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay, Trường Chính trị tỉnh đã triển khai 16 đề tài nghiên cứu khoa học và tổ chức 12 hội thảo, tọa đàm cấp trường; phát hành 7 số Bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn; hơn 37 bài viết của giảng viên tham gia hội thảo khoa học cấp tỉnh và cuộc thi chính luận về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; 56 báo cáo nghiên cứu thực tế của giảng viên; cử 15 lượt giảng viên tham dự các kỳ họp của HĐND tỉnh...
Ngoài ra, nhà trường còn thực hiện 1 đề tài, 2 đề án và 3 hội thảo khoa học cấp tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2023, trường có 2 giảng viên đạt danh hiệu “Giảng viên dạy xuất sắc” tại Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lần thứ 8 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Ông Hà Phước Phú - Phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam (nguyên là học viên Trung cấp lý luận chính trị) cho hay, để tăng tính thực tiễn, nhà trường cần thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận, trao đổi, nghe báo cáo thời sự để giảng viên, học viên có thể chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cho nhau, cũng như vận dụng lý luận vào để giải quyết các vấn đề cụ thể. Ngoài ra, cần đổi mới hình thức nghiên cứu thực tế đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng thực tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, kết hợp với việc nắm bắt tình hình triển khai các chỉ thị, nghị quyết, cũng như cơ chế đặc thù của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Cùng với đó, là các hoạt động dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm tại các khu di tích, tìm hiểu lịch sử địa phương, các hoạt động thiện nguyện. Những hoạt động này không chỉ giúp người học kết nối lý luận với thực tiễn, mà còn nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, củng cố niềm tin và lòng biết ơn sâu sắc đối với các lãnh tụ, thế hệ lãnh đạo, cùng những hy sinh, mất mát của đồng bào trong quá trình đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

z5732583821375_cce7ae6a6d8667ea71fd125e67b5b488.jpg
Nhà trường tổ chức cho các lớp học tham gia nhiều chuyến trải nghiệm "Về địa chỉ đỏ".

Việc đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo theo hướng gắn kết chặt chẽ với thực tiễn, kết hợp lý thuyết với thực hành, cùng với việc tạo dựng môi trường làm việc thuận lợi để cán bộ áp dụng kiến thức vào thực tế, sẽ góp phần tạo ra những đột phá trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Qua đó, xây dựng được đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, có đủ năng lực và phẩm chất để lãnh đạo, quản lý, đóng góp vào sự phát triển của Quảng Nam, hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh khá vào năm 2030.

PHẠM THANH TUẤN