Xã hội

Lãnh đạo thị xã Điện Bàn đối thoại người dân phường Điện Ngọc: Dai dẳng bức xúc của người dân trong vùng dự án

KHÁNH LINH 16/08/2024 10:37

(QNO) – Những vấn đề về đời sống dân sinh, kết nối hạ tầng, dự án treo… được người dân phường Điện Ngọc quan tâm, phản ánh trực tiếp đến lãnh đạo thị xã Điện Bàn trong buổi đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã với người dân phường Điện Ngọc diễn ra hôm qua 15/8.

to1.jpg
Người dân kiến nghị nhiều vấn đề tại buổi đối thoại. Ảnh: K.L

Thiệt thòi quyền lợi trong vùng "dự án treo"

Câu chuyện được người dân phản ánh kiến nghị nhiều tại buổi đối thoại là dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Mặc dù được công bố quy hoạch từ năm 1997 nhưng đến nay qua 27 năm dự án vẫn chưa thể triển khai, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân trong vùng dự án.

Một người dân đặt câu hỏi: “Đề nghị các cấp ngành thị xã thông tin dự án Làng Đại học liệu có được triển khai hay không?" Trả lời vấn đề này, lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn cho biết, theo quy hoạch chung thị xã Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 656 ngày 31/3/2023 đã cập nhật toàn bộ Quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng tỷ lệ 1/2000 vào trong đồ án điều chỉnh. Đồng thời, định hướng thêm việc phát triển giáo dục tại vùng Tây Điện Bàn, cụ thể là xã Điện Tiến.

Theo hồ sơ điều chỉnh quy hoạch phân khu (1/2000) Đại học Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 9/7/2020, trong phạm vi dự án trên địa phận tỉnh Quảng Nam giữ lại dân cư hiện trạng khoảng 30ha dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo (ĐT607) để chỉnh trang đô thị.

Đến nay, hồ sơ Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) của dự án tại khu vực thành phố Đà Nẵng đã được Đại học Đà Nẵng trình UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt (tại Quyết định số 5080/QĐ-UBND ngày 24/12/2020). Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) của dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn chưa được Đại học Đà Nẵng hoàn thành công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện.

Lãnh đạo thị xã Điện Bàn thừa nhận, dự án Làng Đại học Đà Nẵng đã kéo dài 27 năm, gây bức xúc trong chính quyền địa phương và nhân dân khi người dân không được thực hiện các quyền về đất đai, xây dựng, nhân khẩu theo quy định của pháp luật... Địa phương đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét, có kế hoạch phân bổ vốn để thực hiện, trước tiên là phân bổ nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư để có cơ sở thực hiện việc giải tỏa trắng 170ha tại khu vực Làng Đại học như chủ đầu tư đề xuất.

to6.jpg
Nhiều dự án vùng Đông Điện Bàn trong đó có phường Điện Ngọc chậm triển khai khiến người dân bức xúc. Ảnh: K.L

Trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ nay đến năm 2025, đề nghị UBND tỉnh cần tiếp tục kiến nghị Bộ KH-ĐT chủ trì, cùng với Bộ GD-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch phân khu (1/2000) để tập trung thực hiện trên phần diện tích khoảng 50ha; phần diện tích còn lại loại ra khỏi ranh giới dự án để UBND tỉnh Quảng Nam lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân tại khu vực; hình thành khu đô thị vệ tinh phục vụ Làng Đại học Đà Nẵng.

Bức xúc hạ tầng giao thông

Ông Huỳnh Mua, khối phố Tứ Ngân (phường Điện Ngọc) phản ánh, mặc dù đã lên phường 9 năm nhưng nhiều tuyến đường vẫn chưa có điện, nhân dân phải tự đóng góp kéo điện thắp sáng, kể cả nguồn nước sạch cũng chưa có, phải sử dụng nước ngầm không đảm bảo vệ sinh, ô nhiễm. Đặc biệt, các tuyến đường giao thông đều bị xuống cấp, hoặc không được đầu tư suốt nhiều năm qua.

Cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị các cấp ngành liên quan đầu tư khớp nối các tuyến đường giao thông như ĐH7, nâng cấp mở rộng đường Phạm Như Xương (Tứ Câu đi ngõ tư Điện Ngọc), tuyến đường Dũng sĩ Điện Ngọc (ngã 3 cây Xoài đi Viêm Đông)…

Theo ông Lê Tự Mạnh, khối phố Ngân Hà, hiện tại các tuyến đường bê tông trong khối phố đã xuống cấp cần được sửa chữa để người dân đi lại an toàn. Trong đó, các tuyến đường dẫn ĐH7 chưa hoàn thiện gây trở ngại đi lại, nhất là vào mùa mưa.

“Đề nghị nhà nước làm đường dẫn dưới chân cầu ĐH7 phía khối phố Ngân Giang để người dân lưu thông qua cầu ĐH7 giúp giảm lưu lượng qua cầu sắt đã xuống cấp và mùa mưa trơn trượt” – ông Mạnh đề xuất.

to.jpg
Buổi đối thoại thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: K.L

Tại buổi đối thoại có 9 ý kiến phản ánh trực tiếp và 14 ý kiến bằng văn bản gửi đến hội nghị. Ngoài dự án Làng Đại học kéo dài dai dẳng, hạ tầng giao thông xuống cấp, ngập úng cục bộ…, nhiều ý kiến cũng phản ánh những khó khăn trong sửa chữa, xây mới, tách thửa đất vùng dự án… nên mong muốn được lãnh đạo thị xã quan tâm hoặc kiến nghị cấp trên xem xét giải quyết dứt điểm.

Tiếp thu những ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, lãnh đạo thị xã Điện Bàn khẳng định, những bức xúc của người dân là có thật. Trong chức trách quyền hạn của địa phương, thị xã sẽ chỉ đạo các phòng ban liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của tỉnh và trung ương, Điện Bàn sẽ kiến nghị, đôn đốc cấp trên xem xét giải quyết trong thời gian tới.

KHÁNH LINH