Thiếu hụt nhân tài ngành bán dẫn tại Mỹ
(QNO) - Tình trạng thiếu hụt lao động có thể khiến các nhà cung cấp khó theo kịp nhu cầu ngày càng tăng về chip, đặc biệt khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục bùng nổ.
Công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey cho biết ngành bán dẫn Mỹ có thể đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động từ 59 nghìn đến 140 nghìn công nhân gồm kỹ thuật viên và kỹ sư vào năm 2029, kìm hãm sự phát triển của ngành.
Chất bán dẫn, còn được gọi là chip và mạch tích hợp, cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ điện thoại thông minh, máy tính, lò vi sóng và ô tô cho đến vũ khí quân sự và các ứng dụng AI khác.
Do đó, Đạo luật CHIPS và khoa học của của Mỹ cung cấp gần 53 tỷ USD để thúc đẩy sự phát triển của ngành chip tại nền kinh tế số một thế giới.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Biden ký dự luật vào tháng 8/2022, các gã sản xuất chip như TSMC, Intel và Samsung nhận hàng tỷ USD đầu tư của liên bang để xây dựng các nhà máy mới và mở rộng hoạt động trên khắp nước Mỹ, góp phần tạo ra hơn 115 nghìn việc làm trong ngành sản xuất và xây dựng.
Nhưng nếu không có đủ số lượng lao động trên, các nhà máy sẽ không thể hoạt động hết công suất. Bởi vậy, các nhà sản xuất sẽ kém năng suất hơn và có thể làm tăng giá các thiết bị tiêu dùng.
Ông Bill Wiseman - đối tác cấp cao của McKinsey nói rằng các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới đang đặt cược vào việc Mỹ trở thành một trung tâm sản xuất.
Việc thiếu hụt lao nghiêm trọng có thể khiến Mỹ khó cạnh tranh hơn trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Mỹ hiện nhập khẩu phần lớn chip từ Đài Loan và khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan leo thang, hoạt động sản xuất và vận chuyển chip đến Mỹ có khả năng bị đình trệ.
Nếu điều đó xảy ra, các công ty có thể không sản xuất được các thiết bị cần chip. Một số chuyên gia cho rằng điều này có thể gây tổn hại đến nền kinh tế và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Vì thế, các chương trình đào tạo nghề trong lĩnh vực chip tại Mỹ đang phát triển. Các tổ chức học thuật hợp tác với các cơ quan công và tư có nhiều nỗ lực để mở rộng lực lượng lao động bán dẫn của Mỹ.
Ví dụ, Đại học Purdue dẫn đầu SCALE - chương trình học thuật do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ nhằm mục đích đào tạo sinh viên tại 22 trường đại học trở thành kỹ sư vi điện tử, nhà thiết kế phần cứng và chuyên gia sản xuất.
Đối với kỹ thuật viên, Cao đẳng Cộng đồng quận Maricopa ở Arizona hợp tác với Intel và TSMC cung cấp cho sinh viên các kỹ năng cần thiết để chế tạo, bảo trì và thử nghiệm thiết bị trong các nhà máy sản xuất chip.
Theo McKinsey, các chương trình tập trung vào người trẻ đặc biệt quan trọng hiện nay khi gần 1/3 lực lượng lao động bán dẫn của Mỹ sắp nghỉ hưu.