Văn hóa

Lễ hội đình Chiên Đàn: Tôn vinh truyền thống “uống nước nhớ nguồn”

TÂM THƯ 17/08/2024 10:35

(QNO) - Từ sáng sớm 17/8, đông đảo người dân xã Tam Đàn (Phú Ninh) và các xã lân cận… đã kéo về tham gia lễ hội văn hóa truyền thống đình Chiên Đàn.

Tưởng nhớ công ơn tiền nhân

Lễ hội tại ngôi đình cổ Chiên Đàn - cái nôi văn hoá vùng Tam Kỳ - Hà Đông xưa được tổ chức vào ngày 14 tháng 7 Âm lịch hằng năm.

img_8228.jpeg
Xem bài chòi tại lễ hội. Ảnh: T.T

Mọi người quây quần trong sân đình cổ tham gia hội bài chòi truyền thống của Câu lạc bộ bài chòi xã Tam Đàn.

Lễ cúng cổ truyền tại đình được tổ chức với đầy đủ nghi lễ truyền thống. Trong không khí trang nghiêm, các vị bô lão, ban trị sự đình và người dân đã thành kính dâng hương, đảnh lễ tưởng nhớ công đức tiền nhân.

img_8221.jpeg
Hội bài chòi tại sân đình Chiên Đàn. Ảnh: T.T

Ông Nguyễn Đình Khôi - Đại diện Ban trị sự Đình Chiên Đàn cho biết: “Hằng năm cứ vào lễ hội tôi tưởng chừng như có bóng dáng ông bà tổ tiên mình đang thấp thoáng đâu đây về với chúng ta, về với đình Chiên Đàn… Tôi nghĩ về với lễ hội Đình làng Chiên Đàn cũng là hồi tưởng đến các bậc tiền nhân của mỗi chúng ta"

Trân trọng quá khứ chính là thắp lên ngọn đuốc sáng cho tương lai. Ngọn lửa Chiên Đàn là đốm than hồng đang rực cháy mà bất cứ một ai trong chúng ta cũng muốn nhuốm lên ngọn lửa thiêng ấy. Đó là ngọn lửa của tình yêu thương, yêu hòa bình, yêu giống nòi, Tổ quốc với tinh thần đoàn kết một lòng vì quê hương.

Tin rằng ngọn lửa thiêng Chiên Đàn sẽ mãi mãi rực sáng trong con tim của mỗi người dân làng Chiên Đàn.

Ngôi đình in bóng thời gian

img_8246.jpeg
Chuẩn bị cho lễ cúng đình. Ảnh: T.T

Đình Chiên Đàn - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia là một trong những công trình kiến trúc đình làng cổ nhất Quảng Nam. Chiên Đàn xưa thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, có bề dày lịch sử gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất Chiên Đàn.

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thành lập Thừa tuyên Quảng Nam, huyện Hà Đông ra đời. Để tưởng nhớ công ơn những vị tiền nhân, tiền hiền đã có công khai đất lập làng, trong khoảng từ 1471 - 1473, nhân dân xã Chiên Đàn xưa cùng nhau xây dựng một ngôi đình với tên gọi Chiên Đàn. Tương truyền, khi xây đình, các cụ chức sắc trong làng cùng người dân đã huy động và đóng góp 350 mẫu công điền, 250 mẫu công thổ và 15 mẫu hương điền.

img_8249.jpeg
Bắt đầu lễ cúng. Ảnh: T.T
img_8247.jpeg
Trang trọng lễ cúng tiên hiền. Ảnh: T.T

Hằng năm nhân dân làng Chiên Đàn làm lễ cúng đình vào ngày đầu xuân và tổ chức lễ hội linh đình vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch để tưởng nhớ công ơn những vị tiền nhân, tiền hiền đã có công khai sơn phá thạch, đồng thời giáo dục con cháu đạo lý “uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây”, khơi dậy tinh thần yêu nước, vun đắp tình làng nghĩa xóm...

Lễ hội này đã trở thành nét văn hóa truyền thống từ bao đời nay của người dân làng Chiên Đàn.

img_8245.jpeg
Trang nghiêm trong lễ cúng truyền thống đình Chiên Đàn. Ảnh: T.T

Đình Chiên Đàn còn có giá trị văn hoá lịch sử truyền thống hết sức đặc sắc. Theo dòng chảy của lịch sử, nơi đây đã in đậm dấu chân của những anh hùng trung liệt, các khoa bảng, chí sĩ và danh nhân xứ Quảng và gắn liền với những sự kiện quan trọng của dân tộc.

Năm 1782, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc khi ngang qua địa phận huyện Hà Đông, tại đình Chiên Đàn, ông đã tập hợp và thành lập một lực lượng nghĩa binh lớn với tên gọi “Tiền Cơ Trung Nghĩa” trong đó cụ Kiều Phụng người Chiên Đàn được phong chức Đô đốc phụ trách hải thuyền, cụ Đống Công Trường được phong chức Cai cơ thống lĩnh đạo quân Hà Đông.

Năm 1885 - 1887, khi chí sĩ Trần Văn Dư lãnh đạo Nghĩa hội Quảng Nam hưởng ứng chiếu Cần Vương, đình Chiên Đàn là nơi tuyển quân, thu nhận quân lương khí giới do các cụ Tú tài Võ Đức Mậu, Cử nhân Trần Hoán, cụ Võ Bang, Võ Lệ, Xã Xước chỉ huy.

img_8253.jpeg
Người dân Chiên Đàn dâng hương. Ảnh: T.T

Năm 1904 - 1908, trong Phong trào Duy tân, các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đã diễn thuyết tại đình Chiên Đàn và Văn thánh Chiên Đàn (Trường THCS Trần Phú ngày nay), lãnh đạo nhân dân trong huyện đấu tranh đòi xin xâu, giảm thuế.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, đình Chiên Đàn là trụ sở của UBND lâm thời xã Chiên Đàn đến năm 1949. Đình còn ghi dấu đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công), người con ưu tú của đất Quảng Nam, đã tổ chức các cuộc họp quần chúng và cán bộ cốt cán trong những ngày đầu thành lập Đảng bộ Tam Kỳ.

Năm tháng trôi qua, nhưng các giá trị kiến trúc nghệ thuật, nét đẹp lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ hội Đình làng Chiên Đàn vẫn luôn được các thế hệ giữ gìn và phát huy. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của người dân Phú Ninh mà còn là niềm tự hào của mỗi người dân đất Quảng.

Ông Nguyễn Hữu Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho rằng: “Để tiếp tục bảo lưu và phát huy giá trị Di sản kiến trúc nghệ thuật và Lễ hội văn hóa truyền thống Đình Chiên Đàn trong thời gian đến, tôi đề nghị ngành văn hoá thông tin huyện phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

Đề nghị bà con nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung tay gìn giữ và phát huy giá trị của di tích, qua đó nhằm giáo dục thế hệ con cháu mai sau nhận thức sâu sắc giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, từ đó cố gắng phấn đấu rèn luyện và học tập, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Trong sáng nay, Ban khuyến học đình Chiên Đàn trao 85 suất học bổng cho con em địa phương học giỏi.

TÂM THƯ