Kết nối sản phẩm OCOP Quảng Nam với nhà phân phối Đà Nẵng
(QNO) – Hơn 70 chủ thể OCOP đã được Sở NN&PTNT 2 địa phương Quảng Nam và TP.Đà Nẵng tổ chức gặp gỡ các nhà phân phối thông qua Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu, hệ thống siêu thị. Sự kiện vừa diễn ra sáng nay 17/8 tại TP.Đà Nẵng.
Đây được xem như cơ hội để các chủ thể OCOP Quảng Nam tiếp cận trực tiếp nhà phân phối, các siêu thị, cửa hàng đặc sản vùng miền, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm đưa sản phẩm OCOP Quảng Nam vươn xa hơn ra thị trường quốc tế.
Tăng cường kết nối
Ông Tống Phước Tuấn – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp chế biến và kinh doanh tổng hợp Phước Tuyên (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) chia sẻ, Tiên Phước có rất nhiều nông sản nổi tiếng như lòn bon, tiêu, măng cụt… Nhiều năm nay ông luôn khao khát đưa sản phẩm quê hương ra thị trường.
Hiện tại, HTX Phước Tuyên có 2 sản phẩm chủ lực gồm rượu vang lòn bon và muối tiêu Tiên Phước, tất cả được chế biến và lên men tự nhiên. Trong đó, sản phẩm rượu vang lòn bon đã cấp chứng nhận 4 sao (2021).
“Tôi có 2 yêu cầu, đầu tiên mong muốn kết nối nhiều nhà phân phối để tiêu thụ sản phẩm. Thứ hai, doanh nghiệp nào có thể giúp chúng tôi thiết kế chai lọ cho sản phẩm với logo nổi trên chai, nhằm tạo ra sự mới lạ cho mẫu mã vừa giúp sản phẩm không bị làm giả” – ông Tuấn nói.
[VIDEO] - Bà Nguyễn Thị Thu Tâm - Hộ kinh doanh Đại Bình Xanh phát biểu:
Quảng Nam là số ít địa phương trong cả nước có nhiều sản phẩm OCOP. Hiện toàn tỉnh có 407 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP (61 sản phẩm đạt 4 sao, 346 sản phẩm đạt 3 sao) của 325 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (43 doanh nghiệp, 118 tổ hợp tác, HTX, 164 hộ sản xuất).
Đặc biệt sản phẩm OCOP Quảng Nam đa dạng chủng loại. Cụ thể, có 302 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 32 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, dược liệu, 24 sản phẩm từ dược, 47 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Theo bà Lưu Thị Thu – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Quý Thu (xã Quế Xuân, Quế Sơn), trước khi nghĩ đến việc đưa hàng ra thị trường thế giới hãy làm tốt thị trường trong nước. Thời gian qua, sản phẩm bánh dừa nướng Quý Thu đã vào một số hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, bà Thu vẫn mong muốn được đưa sản phẩm của mình vào nhiều siêu thị hơn nữa.
“Sản phẩm tôi bán ở thị trường Đà Nẵng rất tốt, doanh số cao nhất so với các tỉnh nhưng tôi vẫn muốn khai thác nhiều hơn nữa thị trường này. Vài năm nay tôi cũng chào hàng đến một số siêu thị như Lotte nhưng chưa được, nên mong muốn các cấp ngành hỗ trợ để bánh dừa nướng Quý Thu vào hệ thống siêu thị Đà Nẵng trước khi đưa ra thị trường thế giới” – bà Thu đề xuất.
Với khoảng 8 ý kiến đề xuất tại hội nghị, hầu hết đều mong muốn sản phẩm hàng hóa được kết nối thị trường ngày càng mạnh mẽ.
Bà Nguyễn Thị Thu Tâm - Hộ kinh doanh Đại Bình Xanh (xã Quế Trung, Nông Sơn) cho rằng, để đưa sản phẩm OCOP Quảng Nam đi xa cần tập trung vào 3 yếu tố. Đầu tiên, bố trí một không gian trưng bày sản phẩm OCOP tại TP.Đà Nẵng, đồng thời kết hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng chương trình đưa vào phục vụ du khách tham quan mua sắm. Đặt gian hàng trong hệ thống siêu thị với những sản phẩm đặc trưng của các chủ thể OCOP. Cuối cùng, tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trên nền tảng số vì đây là loại hình phát triển rất mạnh.
“Tôi thường theo dõi những phiên livestream rao bán sản phẩm OCOP của nhiều tỉnh thành, phần lớn rất thành công, nhất là khi có sự tham gia của các CEO hoặc những người nổi tiếng. Tôi nghĩ Quảng Nam và Đà Nẵng có thể kết hợp mời những người nổi tiếng về livestream thì việc quảng bá sản phẩm OCOP sẽ hiệu quả” - bà Tâm nói.
Cải tạo nhãn mác bao bì
“Ăn bằng mắt” đã trở thành một tiêu chí trong sản xuất sản phẩm OCOP. Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng sản phẩm dù có ngon nhưng mẫu mã không bắt mắt, ấn tượng, hấp dẫn cũng sẽ khó thu hút khách hàng tiêu dùng.
Bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng phân tích, nếu các chủ thể OCOP chỉ quan tâm đến chất lượng mà không quan tâm đến mẫu mã hàng hóa thì sẽ thua trên thị trường. Với các sản phẩm OCOP hướng vào thị trường du lịch thì mẫu mã còn rất quan trọng.
[VIDEO] - Ông Lê Quang Thanh - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng phát biểu:
Theo đại diện Co.opmart Đà Nẵng, siêu thị dù luôn mong muốn có nhiều sản phẩm OCOP vào trưng bày, tiêu thụ, nhưng thực tế gặp một số vấn đề như sản phẩm không có đầy đủ giấy tờ liên quan. Ngoài ra, bên cạnh nhãn mác, đòi hỏi sản phẩm phải có mã QR Code, đây là điều quan trọng nhất vì để hàng vào siêu thị bắt buộc mình phải đăng ký mã QR Code, nhưng hầu như rất nhiều nhà cung cấp không làm việc này.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, nếu Quảng Nam có dồi dào tiềm năng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP thì tiềm năng du lịch của Đà Nẵng cũng rất lớn. Do đó, sản phẩm OCOP Quảng Nam sẽ có 3 kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa gồm nhà phân phối, hệ thống siêu thị. Kênh thứ hai là xuất khẩu tại chỗ, kênh thứ ba là kết nối đẩy mạnh bán hàng nước ngoài. Trong đó, phải tận dụng hệ thống siêu thị và thị trường tiêu dùng tại chỗ của 2 địa phương.
“Giai đoạn 2026 - 2030 Quảng Nam sẽ tập trung vào 2 vấn đề gồm bao bì, nhãn mác, mã vạch và xúc tiến thương mại nhằm tạo đột phá cho các chương trình OCOP. Rất mong hệ thống phân phối, siêu thị Đà Nẵng tiếp tục có những trao đổi, kết nối. Các chủ thể cũng phải chủ động tiếp cận khách hàng, thị trường, đối tác để thúc đẩy sản phẩm OCOP Quảng Nam phát triển hiệu quả” – ông Tấn nhấn mạnh.