Góc suy ngẫm

Sốt ruột nhìn cảnh… “rùa” bò

NGUYỄN ĐIỆN NAM 18/08/2024 08:06

Nhiều công trình trọng điểm có mức đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Nghe có sướng không? Ai cũng mơ và ước nhưng để công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng thì còn lâu bởi đâu cũng dễ thấy cảnh… “rùa” bò.

Hôm rồi có dịp đi qua theo đường Võ Chí Công, đoạn từ Tam Kỳ vào Núi Thành, nhiều bạn đồng hành tỏ ra bực bội khi nhìn thấy cả cung đường dài sáu, bảy cây số chỉ thấy vài chiếc xe múc, ủi, san lấp bên phía làn đường còn lại trong dự án hoàn thiện toàn tuyến. Mặt bằng trải ra trước mắt trống trải nhưng chỗ thì rải đá, chỗ vá víu thảm nhựa, chỗ thì nhấp nhô cát và đất chưa đầm.

Tìm hiểu kỹ hơn chút lại biết kế hoạch thảm bê tông nhựa đoạn này dài 8,1km trong năm 2024, thuộc Dự án hoàn thiện đường ven biển Võ Chí Công, nhưng trong khi trời thu nắng đẹp mà lại làm với tiến độ… rùa bò như vậy thì liệu có kịp hoàn thành trong năm nay?

Và nếu tính toàn tuyến thì với 26,5km chiều dài, tổng vốn đầu tư 974,9 tỷ đồng, bao giờ mới hoàn thành, dù thời hạn thi công đặt ra chỉ khoảng chừng 15 tháng nữa?

Cũng theo tuyến đường Võ Chí Công ngược ra hướng bắc, sẽ lại “đụng” công trình… rùa bò khác. Đó là dự án thành phần 2, nối từ đường Võ Chí Công đi Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, và nối với quốc lộ 14H, quốc lộ 1.

Dự án này cũng có mức đầu tư cả ngàn tỷ đồng, hình thành tuyến dài khoảng 23km, tiến độ theo kế hoạch là 720 ngày, dự kiến hoàn thiện vào tháng 4/2025.

Tuy nhiên, theo dõi trên báo Quảng Nam chỉ từ tháng 3 đến nay, đã có đến hai lần (5/3 và 10/5), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng dẫn đoàn công tác làm việc với ban quản lý dự án, các cơ quan chức năng và địa phương liên quan để đôn đốc tiến độ, song dự án vẫn thi công rất chậm, chủ yếu do vướng mặt bằng.

Thêm một công trình cũng phải lo lắng nhiều về tiến độ, nhất là tiền đầu tư có liên quan vốn vay. Đó là Dự án Liên kết vùng miền Trung.

Dự án này có khoảng 31,5km đường giao thông đi qua 4 huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước và Bắc Trà My, tổng mức đầu tư hơn 768 tỷ đồng (tương đương 34,514 triệu USD; trong đó vốn ODA từ Chính phủ Hàn Quốc 25,474 triệu USD, vốn đối ứng 9,04 triệu USD).

Dự án khởi công từ tháng 7/2023, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025. Tuy nhiên, mặt bằng vẫn còn ách tắc, và giá trị thực hiện thi công cũng chỉ mấy chục phần trăm số vốn đầu tư, thì làm sao giải ngân kịp, trong khi thời gian thực hiện dự án theo hợp đồng vay có hiệu lực từ ngày 28/10/2020 kéo dài đến 28/10/2024?

Không riêng công trình này, nhiều dự án khác cũng đang đứng bánh, chậm trễ kéo dài khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Nam thấp hơn mặt bằng chung cả nước.

Hẳn chuyện sốt ruột đã đến mức nóng bức nên tỉnh không thể chần chừ được nữa. Vì vậy, ngày 14/8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đã ký Quyết định số 1904 thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Đứng đầu các tổ công tác là chủ tịch và các phó chủ tịch, cùng thành viên các sở ban ngành, chắc chắn phải làm việc với hàng loạt ban quản lý dự án, công trình, các địa phương liên quan.

Không thể để cảnh như rùa bò qua mùa thu, đông tàn, xuân tới vẫn cứ chầm chậm nhích từng chút, để dân tình nhìn sốt ruột mà tỉnh cũng lo, báo chí thì liên tục phản ánh bức xúc vì kinh tế khó khăn mà có tiền cũng không tiêu được.

“Rùa” bò ở công trình nào thì cần xốc nhanh lên chỗ đó, là mặt bằng, vật liệu, giá cả, nhân công… hay ngay trong kiểu lánh nặng tìm nhẹ, tránh né thi công và quản lý đôn đốc thực thi các dự án đầu tư.

Cách đây vài ngày, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra “tối hậu thư” cho hàng loạt công trình, dự án, yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ để kịp khánh thành, chào mừng những ngày lễ trọng trong năm 2025. Mong “áp lực” sẽ trở thành động lực!

NGUYỄN ĐIỆN NAM